Văn hóa xứ Phù Tang qua góc nhìn của người Việt sống 3000 ngày trên đất Nhật

Lan Ngọc
26/01/2023 - 11:20
Văn hóa xứ Phù Tang qua góc nhìn của người Việt sống 3000 ngày trên đất Nhật

Ảnh minh họa

Không chỉ hiểu thêm về văn hóa, phong tục đất nước mặt trời mọc, cuốn sách “3000 ngày trên đất Nhật” còn khiến độc giả có nhiều suy ngẫm về cuộc sống của du học sinh và cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.

3000 ngày trên đất Nhật là tự truyện của tác giả Nguyễn Quốc Vương, anh ghi lại những gì ấn tượng và xúc động đối của mình trong những năm tháng du học ở Nhật.

Hoàn cảnh xuất thân con nhà nghèo, đông anh chị em, việc Nguyễn Quốc Vương  được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và tiếp tục học lên cao ngay sau khi tốt nghiệp đại học (năm 2004), hẳn với nhiều người đó là điều đáng tự hào mở ra một tương lai sán lạn. Nhưng thời gian này cũng là lúc anh băn khoăn mất phương hướng về con đường học thuật và lý tưởng của cuộc đời mình.

Tác giả Nguyễn Quốc Vương

Tác giả Nguyễn Quốc Vương

"Thời gian đó tôi cảm thấy khủng hoảng chủ yếu vì không tìm thấy hướng đi nào trong trí tuệ. Việc học cao học tôi thấy nhàm chán vì các kiến thức học ở đại học được lặp lại. Tôi không thấy có hứng thú nhưng cũng không tìm được một hướng nào để thoát ra khỏi tình trạng đó cả. Cảm xúc vui sướng khi được học không còn nữa. Thêm vào đó, lúc bấy giờ, khi đi làm, tôi thực sự bước vào thế giới của người lớn và có nhiều chuyện khiến tôi vô cùng thất vọng. Quá nhiều người, quá nhiều việc không như tôi mong đợi và như tôi đã nghĩ. Tôi cảm thấy buồn bã và ngột ngạt vô cùng. Trong lòng tôi thi thoảng lại nhen nhóm lên ý nghĩ hay là mình bỏ việc về quê dạy học", Nguyễn Quốc Vương chia sẻ.

Cơ hội du học Nhật Bản đến bất ngờ là ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời tác giả. Thời gian lên đường sang Nhật chỉ vỏn vẹn có 1 tháng sau khi có thông báo trúng tuyển. Hành trang Nguyễn Quốc Vương mang theo chỉ có khao khát được học tập và trải nghiệm trong một môi trường mới.

Cuốn sách "3000 ngày trên đất Nhật"

Cuốn sách "3000 ngày trên đất Nhật"

Với vốn tiếng Nhật gần như bằng 0 và số tiền học bổng ít ỏi, anh đã dành toàn bộ thời gian vào việc học tập và nghiên cứu. Những khác biệt văn hóa và bỡ ngỡ ban đầu vơi bớt khi anh có thêm những người bạn và học hỏi được nhiều điều mới mẻ. Một lần nữa trở ngại lại tiếp tục thử thách anh, sau khi hết khóa học, hầu như bạn bè quốc tế của anh đều được thầy cô hướng dẫn giới thiệu học lên tiếp, nhưng thầy hướng dẫn của anh không bảo lãnh để anh có thể tiếp tục học tiếp với lý do trình độ tiếng Nhật chưa đủ. Lúc này anh phải đứng giữa sự lựa chọn về nước làm giảng viên hay tiếp tục con đường du học đầy chông gai khi không còn học bổng.

Anh đã không ngần ngại lựa chọn tiếp tục du học, dù có thể sẽ không còn công việc giảng viên khi trở về và phải tự túc chi phí học tập và sinh hoạt. Những việc này, anh đều tự mình quyết định mà người thân và gia đình không hề hay biết. Để có chi phí trang trải cho cuộc sống và học, anh phải vừa làm thêm đủ nghề, từ cửu vạn bốc vác vào ban đêm, đến làm thêm ở công ty làm cơm hộp rồi làm phiên dịch cho các nghiệp đoàn, luật sư. Cũng từ đó anh được tiếp xúc với đủ mọi loại người từ tầng lớp dưới đáy xã hội như từ công nhân cửu vạn, tội phạm trộm cắp đến luật sư và giáo sư, bác sĩ. Môi trường cũng mở rộng từ giảng đường, ký túc xá, công xưởng, đến phòng tạm giam, thậm chí là phố đèn đỏ... Vì thế anh có nhiều trải nghiệm sống phong phú.

Cuốn sách vừa cung cấp ta hiểu thêm về văn hóa, phong tục của Nhật vừa cho ta thêm những suy ngẫm về cuộc sống của du học sinh và cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Liệu cuộc sống của du học sinh Việt Nam tại Nhật có toàn màu hồng như những quảng cáo của các công ty môi giới xuất khẩu lao động?

Cuốn tự truyện 3000 ngày trên đất Nhật là câu chuyện rất riêng của tác giả nhưng cũng gợi ra nhiều suy ngẫm cho người đọc. Nhất là với các bạn trẻ trên con đường tìm hướng đi mới cho bản thân, dám bước ra khỏi vùng an toàn để có được lối đi riêng.

Tác giả Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982 tại Bắc Giang. Anh đã dịch và viết khoảng 70 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Nhân dịp ra mắt cuốn sách "3000 ngày trên đất Nhật", NXB Phụ nữ Việt Nam sẽ tổ chức buổi giao lưu tại Phố Sách Hà Nội vào 9h Chủ nhật ngày 29/1 (ngày 8 Tết). Buổi giao lưu có sự hiện diện của tác giả Nguyễn Quốc Vương và Giám đốc Trung tâm tiếng Nhật Daruma Nihongo Nguyễn Bảo Ly.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm