pnvnonline@phunuvietnam.vn
Văn học Nhật Bản - Vẻ đẹp mong manh bất tận
Cuốn sách "Văn học Nhật Bản - Vẻ đẹp của sự mong manh bất tận"
Nhật Bản vẫn được biết đến là đất nước của tinh thần duy mỹ. Người Nhật sống hết mình với hoạt động sáng tạo, thưởng thức, trân trọng và bảo tồn cái đẹp. Thế nên lịch sử văn hóa Nhật Bản là một tiến trình dài với rất nhiều thành tựu thuộc về nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, trong đó có văn chương.
Là một bộ phận của văn hóa, đồng thời là sản phẩm được tạo nên từ tinh thần duy mỹ của người Nhật, văn học Nhật Bản cần được hiểu trong sự gắn kết với cảm thức thẩm mỹ và những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống. Đó là điều quan trọng, nhưng đối với độc giả sinh trưởng bên ngoài không gian văn hóa đã hình thành nền văn học ấy thì việc thực hiện không đơn giản.
Từ rất xa xưa, từ khởi nguyên của văn chương với waka và thần thoại, người Nhật Bản đã ký thác vào nghệ thuật ngôn từ tư tưởng về cái đẹp và bản chất vô thường của thế giới. Cho nên văn chương Nhật Bản từ khởi thủy đã nói lên vấn đề cốt lõi về thân phận con người, đã có tính hiện thực ở tầm vóc nhân loại và đặc biệt là có giá trị thẩm mỹ cao.
Bên cạnh đó, vì cái đẹp trong văn chương Nhật Bản gắn với sự vô thường của thế giới, sự mong manh của kiếp người nên thường phảng phất nét buồn và tâm thái trầm tư. Đó là một đặc trưng quan trọng tồn tại xuyên suốt tiến trình lâu dài của lịch sử văn học Nhật Bản.
Đặc trưng này biểu hiện ở nhiều sắc độ khác nhau trong nhiều giai đoạn, nhiều loại hình văn chương từ waka truyền thống, Truyện Genji đến những sáng tác của nhiều nhà văn hiện đại và đương đại.
Nếu nói về giao lưu văn hóa, thì việc thưởng thức món ăn theo kiểu Nhật, hay thử mặc trang phục truyền thống của người Nhật, xem nghệ nhân Nhật Bản cắm hoa, pha trà, làm bánh… là những cách thưởng thức vẻ đẹp Nhật Bản dễ dàng hơn rất nhiều so với đọc văn chương, đặc biệt là đọc văn học cổ điển.
Nhưng mặt khác, nếu hiểu "vẻ đẹp" theo nghĩa rộng, tức là những giá trị tinh hoa của văn hóa tư tưởng Nhật Bản, thì những hoạt động giao lưu nói trên chỉ có thể giới thiệu đến người tham gia những biểu hiện ở mức độ đơn giản của vẻ đẹp ấy, theo chiều hướng và trong phạm vi phù hợp với tình huống diễn ra hoạt động giao lưu.
Trong khi đó, đọc văn chương ở mức độ sâu rộng sẽ giúp cho người đọc có cái nhìn toàn diện, đa chiều về văn hóa Nhật Bản. Bước vào trang sách, người đọc có cơ hội "chứng kiến" mọi cảnh ngộ của đời sống con người, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, có thể cảm thấy hoài nghi hay hoang mang tột độ, nhưng chính vì như thế nên cảm nghiệm văn hóa thật hơn, đầy đủ hơn qua những thông điệp mà chủ nhân của nền văn hóa ấy gửi gắm vào tác phẩm.
Những bài viết trong cuốn sách Văn học Nhật Bản - Vẻ đẹp mong manh và bất tận là kết quả của một quá trình tìm kiếm vẻ đẹp trong văn học Nhật Bản theo ý nghĩa như vậy.
Vẻ đẹp đằng sau những dòng chữ không dễ thấy, dễ cảm, nhưng với độc giả đủ kiên trì, đủ nặng lòng để đi tìm tinh hoa văn hóa Nhật Bản trên trang viết, thì niềm vui phát hiện vẻ đẹp sẽ là món quà xứng đáng.
Vẻ đẹp ấy mong manh vì nó giống như sinh mệnh tồn tại trong đời, chênh vênh giữa hai miền sáng tối, giữa thực tại nghiệt ngã và mộng ước thanh cao, giữa nhịp sống xô bồ và cái tâm tĩnh lặng.
Nhưng điều thú vị là xuyên suốt chiều dài lịch sử, vẻ đẹp mong manh ấy vẫn là cái hồn của thế giới văn chương, là chiếc cầu nối từ văn học cổ điển đến văn học hiện đại, vẫn là làn hương tinh tế đón chào lữ khách đã chấp nhận cuộc hành trình vất vả để tìm đúng bông hoa.
Tác giả Lam Anh là giảng viên khoa Nhật Bản học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, chuyên giảng dạy, dịch thuật và nghiên cứu văn học Nhật Bản.
Trong quá trình học hỏi nghiên cứu, với sự hỗ trợ từ Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation), các học giả ở Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Văn hóa Nhật Bản (Kyoto), Đại học Ngoại Ngữ Tokyo, Đại học California (Hoa Kỳ), Đại học Waseda (Tokyo), tác giả có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn tài liệu để tìm hiểu sâu hơn về văn học cổ điển. Đồng thời, những hoạt động giao lưu học thuật cũng giúp tác giả nhận ra tầm quan trọng của việc phổ biến thành quả nghiên cứu văn học Nhật Bản, với mong muốn bạn đọc Việt Nam sẽ hiểu biết nhiều hơn về cái hay cái đẹp trong lĩnh vực này.
Trước cuốn sách Văn học Nhật Bản - Vẻ đẹp mong manh và bất tận, tác giả Lam Anh đã xuất bản tác phẩm Quen lạ xứ người (2019). Chị cũng là dịch giả của các cuốn sách Gối đầu lên cỏ (2012) và Cỏ ven đường (2021) của Natsume Soseki, Xứ tuyết (2018) của Kawabata Yasunari.