Vàng lưỡi là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý gì?

Vân Anh
27/10/2023 - 16:54
Vàng lưỡi là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý gì?
Lưỡi vàng thường vô hại và thường tự biến mất theo thời gian. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số tình trạng sức khỏe.

"Lưỡi vàng" dùng để chỉ một lớp phủ dày, màu vàng trên lưỡi. Tình trạng này có thể xảy ra khi các tế bào da chết, vi khuẩn hoặc các hạt làm mất màu tích tụ trên bề mặt lưỡi. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể là do một số bệnh lý.

1. Nguyên nhân gây vàng lưỡi

Dưới đây là những nguyên nhân gây vàng lưỡi phổ biến và cách khắc phục:

1.1. Vàng lưỡi do yếu tố khách quan và lối sống

- Vệ sinh răng miệng kém

Khi không đánh răng thường xuyên và kỹ lưỡng thì các tế bào da và vi khuẩn có thể tích tụ trên nhú lưỡi, giải phóng các sắc tố có thể khiến lưỡi có màu vàng. Nhú lưỡi là các tổ chức nằm trên khắp bề mặt lưỡi, giúp bạn cảm nhận được các hương vị như chua, cay, mặn, ngọt.

Ngoài ra, thức ăn, thuốc lá và các chất khác cũng có thể còn mắc lại trên nhú lưỡi và khiến lưỡi bạn có màu vàng.

Đối với tình trạng này, cách xử lý rất đơn giản, bạn chỉ cần đánh răng 2 lần/ngày bằng kem đánh răng có fluoride và bàn chải lông mềm, súc miệng sau khi ăn cũng như súc miệng với nước muối hoặc nước súc miệng vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ, sử dụng chỉ nha khoa sau khi ăn xong...

Vàng lưỡi là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý gì? - Ảnh 1.

Vệ sinh răng miệng kém là nguyên nhân phổ biến gây vàng lưỡi (Ảnh: Internet)

- Miệng khô

Nước bọt có tác dụng làm sạch vi khuẩn trong miệng, giúp ngăn ngừa sâu răng. Do vậy, nếu miệng bạn bị khô thường xuyên, vi khuẩn tích tụ có thể dẫn đến các mảng màu vàng trên lưỡi.

Các yếu tố có thể góp phần gây khô miệng bao gồm:

+ Tác dụng phụ của thuốc

+ Các bệnh như hội chứng Sjogren và bệnh tiểu đường

+ Xạ trị và hóa trị

+ Thở bằng miệng khi ngủ

Một số biện pháp giúp cải thiện tình trạng khô miệng như:

+ Uống nước thường xuyên, bạn có thể nhâm nhi từng ngụm nhỏ

+ Tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc dùng nước súc miệng đặc biệt để tăng lượng nước bọt trong miệng.

+ Nếu một loại thuốc gây khô miệng, bạn nên hỏi bác sĩ xem có thể thay đổi liều lượng hoặc chuyển sang loại thuốc khác hay không.

+ Nếu bạn thở bằng miệng vào ban đêm, hãy bật máy tạo độ ẩm để tăng thêm độ ẩm cho không khí trong phòng ngủ.

+ Tránh chất caffeine, thuốc lá và rượu vì chúng có thể làm khô miệng nhiều hơn.

Vàng lưỡi là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý gì? - Ảnh 2.

Miệng khô có thể làm cho vi khuẩn tích tụ trong miệng và dẫn tới các mảng màu vàng trên lưỡi (Ảnh: Internet)

- Một số loại nước súc miệng

Sử dụng nước súc miệng có chứa peroxide, cây phỉ hoặc tinh dầu bạc hà có thể làm đổi màu lưỡi của bạn. Nước súc miệng kê đơn có chứa chlorhexidine cũng được biết là có thể làm ố bề mặt răng và lưỡi, khiến lưỡi chuyển sang màu vàng.

Nếu bạn dùng nước súc miệng và thấy lưỡi ố vàng thì nên cân nhắc chuyển sang loại nước súc miệng khác hoặc dùng nước muối.

- Khói thuốc

Hóa chất trong khói thuốc lá có thể khiến lưỡi bạn chuyển sang màu vàng. Hút thuốc cũng là một yếu tố nguy cơ phát triển lưỡi lông đen.

Cách khắc phục tình trạng lưỡi vàng do khói thuốc rất đơn giản, bạn chỉ cần bỏ thuốc là và vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

1.2. Vàng lưỡi do sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc cũng là một trong những nguyên nhân gây vàng lưỡi. Một số loại thuốc phổ biến có thể gây ra tình trạng này như:

- Thuốc kháng sinh: dùng kháng sinh có thể gây ra tình trạng tưa miệng và nhiễm trùng nấm men trong miệng.

Bệnh tưa miệng là do sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans. Sự phát triển quá mức này có thể gây ra các mảng màu trắng hoặc hơi vàng trên lưỡi, má trong, nướu hoặc môi. Ngoài ra, lưỡi lông đen cũng có thể là một tác dụng phụ hiếm gặp khi sử dụng thuốc kháng sinh.

- Thuốc có chứa bismuth subsalicylate: loại thuốc này có thể khiến lưỡi của bạn có màu từ vàng sang đen, đồng thời cũng có thể làm cho phân của bạn sẫm màu hơn.

Ngoài các loại thuốc trên, một số loại thuốc khác cũng có thể gây vàng lưỡi như sắt, thuốc hoá trị, thuốc chống sốt rét, thuốc tránh thai đường uống...

Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc gây ra tình trạng vàng lưỡi. Đối với những loại thuốc không cần sử dụng trong thời gian dài thì khi ngưng sử dụng thuốc, tình trạng này sẽ tự biến mất.

Vàng lưỡi là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý gì? - Ảnh 3.

Một số loại thuốc cũng có thể gây ra tình trạng vàng lưỡi (Ảnh: Internet)

1.3. Vàng lưỡi do bệnh lý

- Vàng da

Bệnh vàng da là tình trạng khiến da và lòng trắng mắt của bạn chuyển sang màu vàng. Bệnh lý này xảy ra khi gan của bạn bị tổn thương và không thể xử lý đúng cách chất thải bilirubin. Bilirubin là một sắc tố màu vàng được tạo ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ.

Một số bệnh lý gây vàng da như xơ gan, viêm gan, ung thư tuyến tụy, ung thư gan, tắc nghẽn ống mật.

Ngoài ra, vàng da cũng có thể khiến miệng bạn chuyển sang màu vàng. Bilirubin có xu hướng tích tụ dọc theo vòm miệng mềm và sàn miệng gần thắng lưỡi.

Để điều trị vàng lưỡi do vàng da, mọi người cần tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

- Tiểu đường

Trong một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lớp phủ lưỡi màu vàng có liên quan đến bệnh tiểu đường và có xu hướng liên quan đến tiền tiểu đường ở đàn ông và phụ nữ Nhật Bản không hút thuốc.

Đối với bệnh tiểu đường, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc và thay đổi lối sống để cải thiện các triệu chứng của bệnh, trong đó có vàng lưỡi (nếu có).

- Lưỡi bản đồ

Lưỡi bản đồ là tình trạng xảy ra khi bạn thiếu các mảng nhú trên lưỡi. Các chuyên gia không biết tại sao điều này xảy ra, nhưng đôi khi tình trạng này có thể do di truyền trong gia đình.

Lưỡi bản đồ có tên như vậy vì các mảng bị thiếu khiến bề mặt lưỡi của bạn trông giống như một bản đồ. Các mảng này thường có màu đỏ nhưng cũng có thể chuyển sang màu vàng. Đôi khi lưỡi còn bị tổn thương.

Để điều trị tình trạng lưỡi bản đồ, bạn nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài biện pháp điều trị từ thuốc, người bị lưỡi bản đồ nên bỏ thuốc, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, uống nhiều nước và tránh ăn những loại đồ ăn cay nóng hay có chứa nhiều gia vị.

Vàng lưỡi là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý gì? - Ảnh 4.

Các mảng lưỡi bản đồ có thể có màu đỏ hoặc màu vàng (Ảnh: Internet)

- Viêm dạ dày

Viêm dạ dày là tình trạng viêm niêm mạc dạ dày. Một số người bị viêm dạ dày có lớp phủ màu vàng trên lưỡi.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong 440 bệnh nhân viêm dạ dày mãn tính bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, 81,16% trên lưỡi có một lớp phủ màu vàng.

- Chứng lưỡi lông đen

Lưỡi lông đen là một tình trạng vô hại do tế bào da chết trên lưỡi phát triển quá mức. Sự phát triển quá mức này khiến nhú lưỡi phát triển lớn hơn. Vi khuẩn, bụi bẩn, thức ăn và các chất khác có thể tích tụ trên nhú lưỡi và khiến chúng có màu sắc khác nhau.

Mặc dù "đen" là tên của chứng rối loạn này nhưng lưỡi của bạn có thể chuyển sang màu vàng hoặc các màu khác trước khi chuyển sang màu đen. Ngoài lưỡi chuyển màu, một số triệu chứng khác có thể gặp khi bị lưỡi lông đen như: cảm giác nóng rát trên lưỡi và nôn nao, hơi thở hôi và cảm thấy có vị lạ.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng lưỡi lông đen bao gồm:

+ Hút thuốc

+ Tiêu thụ quá nhiều cà phê

+ Uống rượu

+ Một số loại kháng sinh, chẳng hạn như tetracycline

Để điều trị chứng lưỡi lông đen, mọi người cần bỏ thuốc lá, tránh rượu, cà phê. Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, kể cả sau mỗi bữa ăn (nhưng nên đánh sau bữa ăn khoảng 30 phút). Vệ sinh lưỡi sạch sẽ. Súc miệng bằng nước vài lần một ngày.

Vàng lưỡi là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý gì? - Ảnh 5.

Trước khi chuyển sang lưỡi lông đen, lưỡi có thể có màu vàng (Ảnh: Internet)

2. Cách ngăn ngừa tình trạng vàng lưỡi

Để giảm số lượng vi khuẩn và lượng tế bào tích tụ trong miệng có thể gây ra lưỡi vàng, bạn có thể tham khảo một số lời khuyên sau:

- Bỏ thuốc lá, rượu và cà phê

- Đánh răng 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày.

- Dùng dụng cụ cạo lưỡi để nhẹ nhàng loại bỏ tế bào chết, thức ăn và các mảnh vụn khác trên lưỡi.

- Súc miệng bằng nước súc miệng kháng khuẩn sau bữa ăn

- Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống của bạn, điều này sẽ làm giảm số lượng vi khuẩn trong miệng của bạn.

- Hạn chế đồ ăn nhiều đường

Đối với các nguyên nhân do bệnh lý, các biện pháp trên có thể không thể phòng ngừa nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ hoặc giúp tình trạng không tiến triển nặng.

Trên đây là những nguyên nhân gây ra tình trạng vàng lưỡi. Nếu bạn nhận thấy vàng lưỡi đi kèm với các dấu hiệu như đau bụng, sốt, nôn mửa, dễ bầm tím và chảy máu, vàng lưỡi không thuyên giảm sau 2 tuần dù đã cố gắng cải thiện thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám.

Nguồn: Healthline.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm