Cuộc họp với chủ đề "Phòng chống xâm hại trẻ vị thành niên và đối tượng dễ bị tổn thương" diễn ra trong bối cảnh 1,3 tỷ thành viên của Giáo hội Công giáo trên khắp thế giới vẫn đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 thập kỷ qua. Trong khi đó, các thành viên cấp cao của các giáo hội Công giáo ở Mỹ, châu Âu, Nam Á và Australia bị cáo buộc che đậy nhiều vụ bê bối lạm dụng gây chấn động.
Vatican kêu gọi các giám mục gặp gỡ các nạn nhân còn sống ở đất nước mình trước thềm hội nghị. Những nạn nhân sẽ chia sẻ nỗi đau đời mình tại buổi lễ cầu nguyện hàng ngày bên lề cuộc họp tại Rome, đồng thời các nhóm vận động dự kiến tuần hành bên ngoài địa điểm diễn ra sự kiện. Các nạn nhân hy vọng Giáo hoàng Francis sẽ dứt khoát đặt ra luật lệ cho các giám mục về vấn đề này. "Những ai từng gặp các nạn nhân, nghe tiếng khóc cầu cứu của họ, chứng kiến những vết thương tinh thần lẫn thể xác của họ, sẽ không bao giờ giữ nguyên cách nghĩ cũ", linh mục Hans Zoller, nhà tâm lý học và thành viên tổ chức hội nghị tại Vatican, chia sẻ.
Hội nghị "bảo vệ thiếu niên" được xem là cơ hội để tăng nhận thức và cảnh giác trên toàn thế giới về hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em trong nhà thờ. Cộng đồng tại các nước châu Phi, châu Á và Trung Đông vẫn từ chối thừa nhận hiện tượng này, xem đây là "vấn đề của phương Tây". Vatican muốn tập trung vào khía cạnh giáo dục của hội nghị. Tại nhiều nơi trên thế giới, thảo luận về vấn nạn bạo lực hay xâm hại tình dục trẻ em còn bị xem là một đề tài cấm kỵ.
Đức cha Federico Lombardi, người được Giáo hoàng Francis lựa chọn điều hành hội nghị sắp tới, chia sẻ với báo giới: “Tôi hoàn toàn cho rằng uy tín của chúng tôi về vấn đề này đang bị đe dọa. Chúng ta phải tìm đến gốc rễ của vấn đề và thể hiện khả năng giải quyết với tư cách Giáo hội… Nếu chúng ta không cam kết chiến đấu chống lại tội xâm hại tình dục trong xã hội và trong nhà thờ, chúng ta sẽ không hoàn thành nghĩa vụ của mình".
Trong thời gian qua, nhiều nhóm hoạt động vì quyền lợi nạn nhân đã yêu cầu nhà thờ Công giáo đưa ra kế hoạch hành động có ý nghĩa thực chất trong cuộc chiến chống lại nạn xâm hại tình dục. Ông Luis Badilla, chuyên gia người Chile về Vatican, nhận định hội nghị cấp cao lần này sẽ là thời khắc quyết định trong cuộc chiến chống nạn xâm hại tình dục trong môi trường nhà thờ Công giáo.
Cách đây vài ngày, Giáo hoàng Francis đã phế truất cựu Hồng y người Mỹ Theodore McCarrick (89 tuổi) vì cáo buộc xâm hại tình dục một nạn nhân tuổi thiếu niên vào 50 năm trước. Ông McCarrick là thành viên cấp cao nhất của nhà thờ Công giáo bị cho hồi tục trong thời hiện đại. Do sự việc nêu ra trong cáo buộc đã xảy ra quá lâu, ông McCarrick không bị truy tố. Tổng giám mục Charles Scicluna, người điều tra vấn nạn lạm dụng tình dục của Vatican, cho biết, việc phế truất ông McCarrick là "tín hiệu rất quan trọng" nhấn mạnh rằng không ai có thể nằm ngoài vòng pháp luật.
Ông McCarrick là một người gốc New York và đã phục vụ trong vai trò Giám mục Metuchen từ năm 1982 đến 1986, Tổng Giám mục Newark từ 1986 đến 2000 và Tổng Giám mục giáo phận Washington D.C. từ năm 2001 đến 2006… Trước công chúng, ông là một vị giám mục đáng tin cậy với những cảnh nhà thờ chật ních lúc ông rao giảng hoặc cảnh những căn phòng chen lấn với những nhà tài trợ giàu có khi ông quyên góp… Bê bối xâm hại tình dục đã phủ đen sự nghiệp của ông McCarrick.
Từng là Tổng giám mục Washington, ông McCarrick là một người đi tiên phong trong việc phát triển “Hiến chương Dallas năm 2002” là thiết lập một thủ tục gắt gao để xử lý các cáo buộc về xâm hại tình dục. Cuộc cải cách mà ông đã giúp xây dựng, bây giờ trở thành thước đo mà ông sẽ bị đánh giá. Sau khi từ chức Hồng y năm 2018, ông sống ẩn dật trong một tu viện ở Kansas. Ông cũng là người đầu tiên từ chức Hồng y kể từ năm 1927. Nạn nhân công khai cáo buộc cựu Hồng y xâm hại mình năm 1971 khi người này là một cậu bé giúp lễ ở New York. Vatican cho biết quyết định hồi tục ông McCarrick là "dứt khoát", tức là sẽ không có cơ hội để cựu Hồng y này kháng cáo. Ông McCarrick sẽ không được cho phép hoạt động với tư cách một giáo sĩ và bị cấm cử hành các nghi lễ ngoại trừ việc xá tội cho một người sắp chết. Đây là sự trừng phạt gần như nghiêm khắc nhất trong hệ thống nhà thờ Công giáo.
Trong khi đó, nhiều linh mục bị phế truất vì cáo buộc xâm hại tình dục, chỉ một số ít giám mục phải chịu số phận tương tự.