pnvnonline@phunuvietnam.vn
Về nhà đón Tết
Ảnh minh họa
Qua hằng hà năm tháng, lời của mẹ trong tôi đã mặc nhiên trở thành một nghĩa vụ trở về. Và tôi chưa lần nào lỡ hẹn với mẹ, với gia đình cùng mặc định của riêng mình: Tết là để về nhà!
Ngôi nhà của bố mẹ xấp xỉ tuổi tôi, đã nhuốm màu thời gian với những mảng tường, khoảng sân cũ kỹ, rêu mốc. Ở đấy cưu mang và lưu giữ bao ký ức vui buồn tuổi thơ tôi.
"Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", việc đầu tiên khi về nhà đón Tết, tôi thường bắt tay ngay vào việc sơn sửa, "khoác áo" mới cho ngôi nhà của mình. Việc làm này luôn dậy lên trong tôi những xúc cảm thật khó tả, như thể tôi đang được đối thoại với thời gian, với bao dời đổi thăng trầm…
Làng quê dần hiện đại, các dịch vụ phục vụ Tết cũng nhan nhản mọc lên nhưng dù bận rộn đến mấy, bố tôi vẫn giữ thói quen tự gói bánh chưng mỗi dịp Tết. Rồi khi nồi bánh được nhóm lên, ùng ục reo sôi là khi bao câu chuyện nhỏ to được tụ về, quây quần san sẻ.
Tết bây giờ, bánh chưng gần như là "thức ế" giữa ê hề món ăn trên mâm cơm; vậy mà, ông nội và đặc biệt là bố tôi lại rất "nghiện" thứ bánh Tết ăn mau no ấy.
Mẹ tôi, người phụ nữ được khen ngợi là rất giỏi bếp núc, luôn cẩn thận bày biện từng mâm cỗ Tết. Mẹ cũng không quên căn dặn con cháu dù đi đâu, làm gì cũng nhớ về nhà bên mâm cơm chiều 30.
Mâm cơm mang một dư vị thiêng liêng, không dễ trộn lẫn và không giống với bất cứ bữa cơm nào trong năm. Và như mẹ từng nói, nó không nhất thiết phải thịnh soạn, đủ cao lương mĩ vị, mà cốt yếu là ở sự đông đủ, chan hòa của các thành viên trong gia đình.
Còn bố tôi, từ nhỏ ông đã tập cho tôi thói quen về với các lễ nghi họ tộc. Đầu tiên, cứ vào độ 25 tháng Chạp trở đi, tôi thường theo chân bố đi tảo mộ, sang sửa lại mộ phần của ông bà, tiên tổ, thay cát mới cho lư hương trên bàn thờ.
Tiếp đến, bố đưa tôi về lễ chạp họ - một nghi thức cuối năm để kết nối con cháu, anh em trong họ hàng, thắt chặt tình máu mủ, ruột thịt. Mặc dù lặp lại đều đặn mỗi năm nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên những xúc cảm bồi hồi khi nhìn từng cây hương, ngọn khói ngày cuối năm bịn rịn bay lên trong niềm tưởng nhớ ông bà…
Lại nhớ những mùa Tết đã xa, thời mà phương tiện truyền thông còn hạn chế, chưa có các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook; chụp hình Tết trở thành một thói quen mặc định và như một nhu cầu tinh thần để lưu giữ những khoảnh khắc đoàn viên của gia đình.
Để sau này, khi nhớ về, ta chợt thấy yêu thương và trân quý nhiều hơn nghĩa tình xưa cũ, nơi có những cái Tết còn ở lại bền sâu trong khắc khoải lòng mình. Để thấy rằng, dù cuộc sống có hiện đại đến đâu, giá trị mới có hấp dẫn thế nào; những nếp nghĩ, thói quen cũ vẫn như một dòng chảy thâm trầm mà hun đúc thành đạo lý, nếp ứng xử cần giữ gìn ngày Tết.