pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vệ sinh vùng kín cho bé gái và bé trai có những điều gì khác biệt?
Vệ sinh bộ phận sinh dục cho bé là việc rất quan trọng, nó giúp cho vùng kín của bé được sạch sẽ, tránh bị nhiễm trùng và giữ cho em bé được khỏe mạnh. Nhiều phụ huynh chưa có kinh nghiệm (chăm sóc vùng kín quá mức hoặc không phù hợp, không đúng cách) sẽ khiến vùng da này của bé bị hăm, ngứa, mẩn đỏ. Bên cạnh đó, do cấu tạo cơ thể của hai giới tính khác biệt nên có nhiều điều bố mẹ cần chú ý khi chăm sóc cho các con của mình.
Với bé gái
- Một số mảng bám màu trắng và mồ hôi có thể tích tụ ở trong và xung quanh môi âm hộ. Vì vậy, để vệ sinh vùng kín cho bé gái, bạn cần làm ướt miếng bông hoặc khăn mềm bằng nước ấm, giữ hai chân bé tách ra và làm sạch bên trong mỗi môi âm hộ.
- Bắt đầu từ phía trước và nhẹ nhàng lau về phía hậu môn. Lưu ý không thụt rửa sâu vào bên trong vùng kín của bé.
- Nếu dùng sữa tắm hoặc xà phòng, hãy đảm bảo vùng kín của bé gái được rửa lại bằng nước cho đến khi hết sữa tắm hoặc xà phòng.
- Cuối cùng là làm khô khu vực này bằng khăn mềm.
- Không chỉ khi tắm mới cần vệ sinh vùng kín mà sau khi các bé đi ngoài hoặc khi thay bỉm, mẹ cũng cần lau sạch nước tiểu, phân ở vùng kín cho bé bằng khăn ướt. Sau đó dùng khăn khô lau lại và bôi kem chống hăm để bảo vệ làn da non nớt của trẻ.
Với bé trai
Trường hợp bé không cắt bao quy đầu
- Dùng một miếng bông sạch, cha mẹ lau, rửa dương vật và da bìu của bé nhẹ nhàng bằng sữa tắm hoặc xà phòng dịu nhẹ với nước, rồi lau khô bằng khăn mềm. Tuyệt đối không được chà xát.
- Đừng cố kéo bao quy đầu của bé xuống bởi đó là vùng da bao phủ bảo vệ đầu dương vật khỏi phân và nước tiểu. Nó được nối với dương vật bằng mô, vì thế, nếu bạn cố gắng kéo bao quy đầu xuống, bạn sẽ gây đau đớn cho bé, thậm chí là chảy máu. Thay vào đó, bạn chỉ cần lau lớp da này một cách nhẹ nhàng và rửa sạch chất màu trắng đục (được gọi là smegma) tụ lại dưới bao quy đầu. Chất này là "sản phẩm" từ các tế bào da chết và dịch tiết tự nhiên.
Với bé trai đã lộn bao quy đầu
Nếu bé đã cắt bao quy đầu, nghĩa là phần da lỏng lẻo bao phủ đầu dương vật đã bị cắt bỏ và phần chóp dương vật lộ ra. Sau khi làm thủ thuật, các bác sĩ đã phủ lên dương vật bé một lớp sáp dưỡng ẩm, quấn nó trong gạc y tế và giữ nguyên như thế trong vòng 48 giờ sau tiểu phẫu. Sau đó, gỡ bỏ gạc cũ, bôi lớp sáp mới, thay gạc mới sau mỗi lần thay tã để tránh nhiễm trùng.
Sau một vài ngày, khi "cậu bé" bắt đầu lành lại, bạn có thể không cần phải dùng gạc nữa, mà chỉ cần bôi một ít sáp dưỡng ẩm lên vết thương. Việc này sẽ giữ cho dương vật của bé không dính vào tã. Bạn hãy thường xuyên thay tã cho bé, và sử dụng sữa tắm hoặc xà phòng dịu nhẹ và nước để làm sạch nước tiểu và phân dính vào dương vật cũng như da bìu.
Một số sai lầm của người lớn khi vệ sinh vùng kín cho trẻ
- Sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ
Không ít các chị em lấy luôn dung dịch vệ sinh của người lớn để rửa cho trẻ nhỏ, vì nghĩ rằng đây là sản phẩm an toàn cho da. Tuy nhiên, các loại nước vệ sinh phụ nữ hiện nay thì có khá đa dạng về thành phần, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ và đối tượng sử dụng. Đặc biệt các sản phẩm này không được thiết kế để dùng cho trẻ em. Nếu dùng sai sản phẩm sẽ dễ dẫn đến kích ứng vùng kín và thay đổi sinh lý vùng kín của trẻ của trẻ, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Rửa cho con nhiều lần trong ngày, đặc biệt rửa vùng kín với nước nóng
Chỉ nên sử dụng nước sạch, mát để vệ sinh vùng sinh dục cho trẻ và có thể tắm 1-2 lần/ ngày với các dung dịch làm sạch dịu nhẹ. Tuy nhiên, việc vệ sinh bằng nước sạch cũng nên hạn chế số lần, không nên rửa vùng sinh dục quá nhiều lần cho trẻ dù bằng nước sạch,. Vì điều này cũng gây mất hàng rào lipid tự nhiên trên da, thay đổi các đặc tính sinh học và vật lý trên da khiến da trẻ trở nên dễ kích ứng hơn. Vệ sinh cũng như tắm cho trẻ, chỉ nên sử dụng nước ấm rất nhẹ hoặc nước mát, không nên sử dụng nước quá nóng cho dù người lớn cảm thấy với nhiệt độ này khi tắm lại dễ chịu.