pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vì sao các cây xăng tại Hà Nội đìu hiu trước giờ điều chỉnh giá?
Nhân viên cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo cho biết, giá xăng tính đến thời điểm 10h vẫn chưa thay đổi, tuy nhiên lượng người đến đổ xăng vào sáng nay rất vắng
Theo dự báo của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội, tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu có thể tăng mạnh ở mức từ 3.800 đến 4.800 đồng/lít tuỳ loại vào ngày 11/3. Như vậy giá xăng có thể sẽ chạm ngưỡng 30.000đ/lít.
Theo ghi nhận của PV, tại các cây xăng ở Hà Nội vào sáng nay 11/3, lượng người đến mua xăng rất vắng vẻ. Nhân viên cây xăng cho biết, do lo ngại giá xăng sẽ tăng mạnh vào hôm nay nên tối qua người dân đi mua xăng rất đông dẫn đến tình trạng ùn tắc. Đến sáng nay thì hiện tượng này đã không còn nữa.
"Khoảng 18h hôm qua, chúng tôi phải huy động cả nhân viên kỹ thuật của cửa hàng ra bán xăng, hoặc điều tiết giao thông do lượng người dồn về quá đông. Bình thường cây xăng chỉ bán đến 21h là vãn khách, nhưng hôm qua chúng tôi phục vụ đến 12h đêm, khách vẫn rất đông", chị Ngô Thị Phượng, nhân viên cây xăng trên đường Trần Quang Khải (Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) chia sẻ.
Cũng theo nhân viên cây xăng, tính đến sáng nay 11/3, giá xăng vẫn chưa có gì thay đổi. Theo đó, giá xăng A95 có giá 26.830 đồng/lít, xăng A92 giá 26.070 đồng/lít. Tuy nhiên, số người đi mua xăng vào sáng nay đã giảm đáng kể so với ngày hôm qua.
Anh Nguyễn Ngọc Thiện (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, thông qua xem tivi và đọc báo, anh cũng nắm được việc giá xăng sẽ tăng mạnh vào hôm nay 11/3.
"Tối qua tôi định đi đổ xăng nhưng thấy mấy cây xăng gần nhà đều đông nên không vào. Mình đi xe máy, giá xăng có tăng lên vài nghìn đồng/ lít thì đổ đầy bình cũng chỉ đắt hơn có chục nghìn. Chứ chen chân vào chỗ đông như thế, trong khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chẳng may trong số những người đến đổ xăng kia có người là F0 thì rất nguy hiểm", anh Thiện bày tỏ.
Theo Bộ Công Thương, hiện thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trước xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga gây nên thiếu hụt nguồn cung dầu thô, xăng dầu thành phẩm.
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như vậy, trong khi đó công cụ Quỹ bình ổn giá không còn nhiều, để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương và nhiều chuyên gia kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Trước đó, ngày 10/3, Bộ Tài chính cho hay, cơ quan này đến nay đã hoàn thiện dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng.
Theo dự thảo, mức thuế BVMT đối với xăng là 2.000 đồng/lít, giảm 2.000 đồng so với mức hiện hành; dầu diesel, dầu madut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022.