Vì sao chưa khởi tố Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình?

28/06/2017 - 19:40
Là người đứng đầu bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, nhưng từ khi xảy ra sự cố chạy thận khiến 8 người chết, chỉ có 2 nhân viên BV bị khởi tố, còn ông Trương Quý Dương chỉ bị tạm đình chỉ. Vậy tại sao cơ quan CSĐT không khởi tố ông Dương để điều tra?
Liên quan đến sự cố chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình khiến 8 người chết, ngày 22/6, Công an tỉnh Hòa Bình đã bắt tạm giam đối tượng, trong đó có 2 nhân viên của BV. Trước đó, ông Trương Quý Dương đã bị đình chỉ 15 ngày công tác để phục vụ điều tra và tiếp tục gia hạn đình chỉ lần 2. Dư luận đặt câu hỏi, ông Dương là người đứng đầu BV, nhưng tại sao không bị khởi tố để điều tra?

Về vấn đề này, ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, cho biết: Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Căn cứ vào vai trò, nhiệm vụ của từng người mà cơ quan chức năng xác định hành vi sai phạm.

Với ông Dương, cơ quan CSĐT cũng đã mời lên làm việc nhiều lần. Vai trò, trách nhiệm của ông Dương như thế nào thì đang làm rõ. Nếu sai phạm nặng thì ông Dương có thể bị khởi tố, còn nếu sai phạm nhẹ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan chức năng không khởi tố.

giam_doc_nqko.jpg
Ông Trương Quý Dương, Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình

"Việc đình chỉ công tác của Dương là để phục vụ công tác điều tra. Bởi nếu không đình chỉ, ông ấy cứ liên tục bị công an mời lên, mời xuống xét hỏi thì cũng chẳng còn tâm trí đâu làm việc. Nếu có làm việc thì có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân và BV. Do đó  Sở Y tế đã tạm thời giao việc quản lý cho một Phó giám đốc cho đến khi có kết luận điều tra”, ông Khánh thông tin.

Còn theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) vụ tai biến ở Hòa Bình là một sự kiện đau lòng với 8 người chết. Hiện tại, cơ quan công an đã bắt tạm giam 3 người, trong đó có 2 nhân viên của BV. Ông Dương là Giám đốc BV nên tất nhiên phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, để quy trách nhiệm như thế nào thì cần phải căn cứ vào hợp đồng giữa các bên và quá trình giám sát cán bộ của BV. Ví như, hợp đồng giữa BV và Công ty Thiên Sơn có những điều khoản nào, trách nhiệm ra sao; Công ty Thiên Sơn lại ký với Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh. Trong hợp đồng giữa BV với công ty Thiên Sơn có cho phép có nhà thầu phụ hay không; giữa hai công ty này có điều khoản khác hay không?

“Cơ quan CSĐT chưa khởi tố có thể do trách nhiệm của ông Dương chưa đến mức khởi tố hình sự. Hơn nữa. Do vụ việc vẫn chưa có kết luận nên có thể sau này công an mới phát hiện những sai phạm và khởi tố sau. Tuy nhiên, dù có khởi tố hay không thì ông Dương vẫn liên đới trách nhiệm”, ông Quang nói.
20170608_110509-1.jpg
BV Đa khoa Hòa Bình

 Trước đó, như PNVN đã thông tin, trong khi chạy thận theo chu trình tại BV Đa khoa Hòa Bình, 18 bệnh nhân đã có biểu hiện sốc phản vệ. Dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng 8 bệnh nhân đã tử vong. 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã cử các chuyên gia lên Hòa Bình hỗ trợ công tác cấp cứu. Công an tỉnh Hòa Bình cũng đã khởi tố vụ án để điều tra, xác định nguyên nhân vụ việc. 
 
Hội đồng chuyên môn đã họp và cho rằng chưa đủ căn cứ, cơ sở và bằng chứng khoa học để kết luận khẳng định chắc chắn nguyên nhân của sự cố trên. Tuy nhiên Hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều đến có sự bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân.

Căn cứ vào các chứng cứ tài liệu đã thu thập được và kết quả giám định của các cơ quan chức năng, ngày 22/6, Công an tỉnh bắt tạm giam 3 đối tượng để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm