Vì sao lại có Ngày Quốc tế Hòa bình

21/09/2016 - 18:37
Ngày 21/9 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Quốc tế Hòa bình.

Ngày Quốc tế Hòa bình được Liên hợp quốc khởi xướng vào năm 1981 theo Nghị quyết 36/67 và lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 9/1982. Trước đây, ngày thứ ba của tháng 9 thường được chọn để kỷ niệm ngày này.

Từ năm 2001 trở đi, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định thông qua nghị quyết 55/282PDF - lấy ngày 21/9 hàng năm để chấm dứt bạo động và ngừng bắn. Tới năm 2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức tuyên bố lấy ngày 21/9 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Hòa bình.

i-hi-ng-lin-hp-quc-tuyn-b-ly-ngy-21-9-hng-nm-k-nim-ngy-quc-t-ha-bnh.jpg
 Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố lấy ngày 21/9 hằng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế hòa bình.

Thông qua Ngày Quốc tế Hòa bình, Liên hợp quốc mong muốn thể hiện sự cống hiến cho hòa bình thế giới và khuyến khích toàn nhân loại cùng hành động và hợp tác vì mục tiêu này. Ngày Quốc tế Hòa bình được dành để kỷ niệm và củng cố các lý tưởng hòa bình giữa tất cả các quốc gia và các dân tộc. Ngày này là dịp để Liên hợp quốc kêu gọi các bên tham chiến trên toàn thế giới cùng từ bỏ vũ khí và đưa ra một cơ hội hòa bình. Ngày Quốc tế Hòa bình đem lại cơ hội cho thế giới cùng dừng lại và xem xét cách thức tốt nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của xung đột và bạo lực.

Ngày kỷ niệm này cũng là lời nhắn nhủ tới mọi người dân trên thế giới về vai trò của Liên hợp quốc trong nỗ lực xây dựng hòa bình, đồng thời cũng là tiếng chuông liên tục nhắc nhở tổ chức này về nghĩa vụ thực hiện các cam kết lâu dài để giành lấy hòa bình cho nhân loại.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới và các công dân trái đất tham gia ngày này, nhằm nâng cao nhận thức của công chúng, giáo dục mọi người về các vấn đề liên quan tới hòa bình thế giới.

Chính thức là thành viên của Liên hợp quốc từ ngày 20/9/1977, Việt Nam ngay từ những ngày đầu đã chủ động đóng góp tiếng nói về những vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, hợp tác ở Đông Nam Á. Đồng thời, Việt Nam tích cực cùng nhiều quốc gia thành viên các nước thúc đẩy Liên hợp quốc thông qua các nghị quyết, quyết định cùng các biện pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của Liên hợp quốc, tăng cường sự phối hợp giữa các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, bảo vệ độc lập và quyền tự quyết của các dân tộc, cải thiện môi trường kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quyền con người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm