Vì sao lừa đảo đầu tư đa cấp vẫn lộng hành? - Bài cuối: Đòi lại tiền bị lừa đảo: "Nhiệm vụ" bất khả thi?

Hoàng Sa
08/03/2024 - 20:23
Vì sao lừa đảo đầu tư đa cấp vẫn lộng hành? - Bài cuối: Đòi lại tiền bị lừa đảo: "Nhiệm vụ" bất khả thi?

Ảnh minh họa

Từ thực tế nhiều vụ án liên quan mời gọi đầu tư đa cấp bị triệt phá trong thời gian qua, hầu như những người đầu tư vào các công ty đầu tư hoạt động theo mô hình đa cấp (lấy tiền người vào sau trả cho người vào trước) đều không có cơ hội lấy lại được tiền.
"Của núi" cũng "bốc hơi" vì đầu tư đa cấp

Điển hình là vụ Công ty cổ phần thương mại bất động sản Nhật Nam, mặc dù đối tượng Vũ Thị Thúy đã huy động số tiền hơn 8,9 nghìn tỷ đồng, nhưng theo cơ quan Công an, các tài khoản liên quan tới Vũ Thị Thúy hầu như không còn tiền, tài khoản còn nhiều nhất còn chưa đến 10 triệu đồng. 

Các tài sản mà đối tượng này "nổ" với nhà đầu tư trước đó đều không có thật, hoặc có giá trị không thật, nên cơ hội lấy lại tiền đã đầu tư vào Công ty Nhật Nam là rất mong manh.

Hay như Công ty CP đầu tư tài chính PFS (Công ty tài chính PFS) do đối tượng Hoàng Nam cầm đầu, đối tượng này đã ký 870 hợp đồng, huy động được 270 tỷ đồng nhưng cho đến nay Hoàng Nam không còn khả năng chi trả cho các nhà đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư rất khó có khả năng lấy lại được tiền.

Ông Hoàng Tuấn Anh (ở Hưng Yên) cho biết: "Hầu như các công ty đầu tư đa cấp này chỉ vẽ ra các dự án ma để huy động tiền của các nhà đầu tư, thực tế thì không có kinh doanh gì cả, nên không có có doanh thu, không có lợi nhuận. 

Giả dụ họ có kinh doanh đi chăng nữa thì cũng không thể sinh lợi nhuận lớn đến hàng trăm %/năm như những gì họ cam kết trả cho nhà đầu tư. Số tiền thực tế huy động được từ nhà đầu tư sẽ được dùng vào việc chi trả hoa hồng cho người môi giới, chi lãi cho nhà đầu tư, chi cho thuê mặt bằng hoạt động và nhiều khoản chi khác. 

Số tiền huy động được cứ hao hụt dần, đến khi không còn huy động thêm được nữa thì nó tự vỡ".

Ngoài ra, các công ty huy động tiền theo hình thức đa cấp còn bày ra nhiều chiêu trò để "trói buộc" các nhà đầu tư bằng những điều khoản trong hợp đồng. Đơn cử, không cho phép nhà đầu tư được mời bên thứ ba can thiệp; không được kiện cáo; không tiết lộ thông tin hợp đồng, nếu vi phạm sẽ bị hủy hợp đồng và mất toàn bộ số tiền đầu tư. 

Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư phải ngậm đắng nuốt cay khi không nhận được tiền theo các cam kết đã ký trong hợp đồng.

Nguy cơ đối diện lao lý

Nhiều nhà đầu tư vào công ty đầu tư đa cấp ban đầu chỉ là khách hàng, sau đó, họ lại trở thành người đi gọi mời các nhà đầu tư khác. Từ đây, họ có dấu hiệu trở thành tòng phạm môi giới lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Cụ thể, trong vụ án Công ty đa cấp Liên Kết Việt, một số người ban đầu chỉ là nhà đầu tư, sau đó đã trực tiếp thực hiện lôi kéo thêm nhiều nhà đầu tư khác, giúp sức cho đối tượng Lê Xuân Giang thực hiện chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của hàng vạn nhà đầu tư. 

Đến khi vụ án bị triệt phá, những cá nhân này đã phải lĩnh án tù lên tới hàng chục năm, cùng với đó là trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư đã bị họ môi giới, lôi kéo vào hệ thống đa cấp để trục lợi thông qua việc hưởng "hoa hồng".

Khoản 51 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp như sau:

- Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và Điều 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản) của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

+ Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

+ Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên;

+ Quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác minh được những dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tổ chức, cá nhân này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm