pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vì sao Mỹ nhập khẩu hơn nửa triệu thùng “vàng lỏng” đã qua sử dụng từ Trung Quốc?
Thứ "vàng lỏng" này chính là dầu ăn đã qua sử dụng.
Theo Bloomberg đưa tin, Mỹ đã nhập khẩu 530.000 thùng dầu ăn đã qua sử dụng ở Trung Quốc. Số lượng dầu ăn này sẽ được Mỹ dùng để sản xuất dầu diesel tái tạo. Đây là loại nhiên liệu được làm từ chất thải thực phẩm.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dầu diesel tái tạo được sản xuất từ dầu ăn đã qua sử dụng, là một loại nhiên liệu sinh học giống về mặt hóa học với dầu diesel truyền thống (công thức hóa học là C14H30). Điều này cũng có nghĩa là nó có thể được sử dụng trong động cơ diesel thông thường, hoặc trộn lẫn với nhiên liệu diesel. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là thay vì được làm từ dầu thô, loại dầu này sẽ được làm từ dầu thực vật hoặc các loại mỡ động vật đã qua sử dụng.
Trước đó, ông Rudoft Diesel, nhà phát minh ra động cơ diesel, cũng từng thử nghiệm sử dụng dầu thực vật như một nguồn năng lượng. Thế nhưng phải đến đầu những năm 2000, các công ty trên thế giới mới bắt đầu sản xuất loại nhiên liệu sinh học này với số lượng lớn.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, hiện có 5 nhà mát sản xuất dầu diesel tái tạo tại quốc gia này.
Trên thực tế, dù nguồn nhiên liệu này là một khoản đầu tư thông minh nhưng các nhà sản xuất vẫn cần có nguyên liệu thô để hoạt động. Do đó, họ đang mua loại dầu ăn đã qua sử dụng từ Trung Quốc. Vì các món ăn trong các nhà hàng Trung Quốc hầu hết là rán, xào nên có lượng dầu thải khá nhiều.
Theo công ty phân tích Kpler, trong hai tháng đầu năm 2023, có 530.000 thùng dầu đã được vận chuyển tới Mỹ. Đây là lần nhập khẩu đầu tiên thuộc loại mặt hàng này, kể từ khi công ty này bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2017.
Theo các chuyên gia, dầu diesel tái tạo được coi là một lựa chọn tài chính tốt cho các công ty. Bởi vì có nguồn cung cấp dầu thực vật gần như vô tận so với lượng dầu thô hạn chế. Ngoài ra, theo báo cáo của Bloomberg, có các khoản trợ cấp của chính phủ khiến cho việc sản xuất nhiện liệu sinh học thậm chí còn có lợi hơn. Do đó, đến khi thị trường phát triển, các khoản tiết kiệm này có thể sẽ được chuyển cho người tiêu dùng.
Hơn nữa, nguồn nhiên liệu được tái chế từ dầu ăn đã qua sử dụng cũng rất thân thiện với môi trường. Trong khi đó, việc khai thác dầu thô từ lòng đất lại gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, việc sản xuất và sử dụng dầu diesel tái tạo chỉ tạo ra lượng khí giữ nhiệt bằng 20% so với dầu diesel truyền thống. Điều này sẽ giúp làm chậm quá trình gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu.
Xử lý dầu ăn đã qua sử dụng như thế nào?
Bà Kris Bordessa, tác giả của một số cuốn sách về lối sống xanh, cho biết, phần lớn các bà nội trợ ở nhiều quốc gia đều không biết cách bỏ dầu ăn thừa sao cho đúng cách. Nếu đổ dầu ăn thừa, dầu đã qua sử dụng xuống bồn cầu hoặc đường ống vệ sinh của gia đình có thể sẽ tạo điều kiện cho dầu bám vào thành của các ống nước và dần dần sẽ làm hỏng đường ống.
Tương tự, nếu đổ dầu ăn thừa xuống những đường cống của khu vực dân cư thì chúng có thể trở thành một chất dính giữ các loại rác thải lại, từ đó gây nghẹt ống. Ngoài ra, việc đổ dầu ăn thừa trực tiếp ra đất hoặc vườn cây sẽ thu hút một số loài vật, côn trùng gây hại cho cây trồng.
Do đó, vấn đề đặt ra là người dân cần biết cách xử lý dầu ăn đã qua sử dụng đúng cách.
Rõ ràng việc tái chế dầu ăn đã qua sử dụng mang lại nhiều lợi ích cho các vấn đề toàn cầu liên quan tới thiếu hụt năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Nhiều thành phố ở Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo người dân không nên đổ dầu ăn thừa vào bồn rửa chén, bồn cầu hay ống xả nước. Thay vào đó, người dân hãy đổ dầu thừa vào túi, chai hoặc lọ và sau đó bỏ vào thùng rác sinh hoạt. Tương tự, với lượng dầu ăn lớn, người dân có thể cho vào chai, lọ và gửi đến cho các cơ quan tái chế ở địa phương.
Ở Úc, Pháp, dầu ăn đã qua sử dụng được coi như "vàng lỏng". Một số thành phố lớn đã đưa ra khuyến cáo cho người dân về cách xử lý đối với dầu ăn đã qua sử dụng và thậm chí còn có những điểm cố định để thu gom dầu thừa, chẳng hạn như ở thành phố Canberra (Úc).
Ở nhiều quốc gia, dầu ăn đã qua sử dụng được thu gom từ các nhà hàng và ngành công nghiệp thực phẩm. Nhưng dầu ăn đã qua sử dụng từ các hộ gia đình thường không được thu gom. Tuy nhiên, ở nước Đức đã tích cực kêu gọi người dân thu gom dầu ăn đã qua sử dụng. Lượng dầu ăn đã qua sử dụng có thể được thu gom từ các hộ gia đình ở quốc gia này ước tính hơn 100.000 tấn mỗi năm.
Việc tăng cường thu gom có thêm tác động tích cực vì nhiều hộ gia đình thường bỏ dầu ăn đã qua sử dụng của họ xuống cống rãnh, gây tắc cống và ô nhiễm môi trường.
Dầu diesel tái tạo là một loại hydrocarbon chủ yếu được sản xuất bằng phương pháp xử lý hydro và thông quá quá trình khí hóa, nhiệt phân hoặc dùng các công nghệ sinh hóa và nhiệt hóa.