pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vì sao nhiều học sinh không thể trở nên giỏi mà chỉ là những "thợ giải toán"
Giờ ôn tập môn Toán của học sinh khối 12, trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN
Chuyện một thanh niên dắt xe máy và cô bạn gái thì ngồi ở trên gây nhiều tranh cãi. Rất nhiều người chê cậu ta nhưng tôi nghĩ: Nhỡ cô bé kia bị đau chân thì sao?
Thực tế, chẳng hạn với con trai tôi, trước khi cháu đi học bằng xe máy, tôi đã dạy cho cháu xử lý những sự cố cơ bản nhất của xe và khẳng định "xe 4 kỳ hầu như không hỏng gì ghê gớm ngoài xịt lốp và bugi". Ngoài ra, tắc xăng cũng có thể là vấn đề nhưng tôi đã chủ động giải quyết bằng cách đi mua một cái lọc xăng về lắp thêm vào xe vì xe gốc không có. Bây giờ, câu chuyện chính mới bắt đầu.
Khi ra cửa hàng gần nhà mua lọc xăng, cô bé bán hàng hỏi: "Chú mua lắp vào xe gì…". Khi nghe "lắp vào xe S…" thì cô gái kiên quyết: "Chúng cháu không bán loại đó", khiến cậu thợ kỹ thuật đứng cười ngặt nghẽo.
Gần đây, có một ví dụ khác nổi lên: Bác Viện trưởng nào nói "trong ô tô có 200 mã kim loại mà Việt Nam không sản xuất được mã nào, do đó chỉ có thể sản xuất được 2 con ốc lắp biển số xe". Xét từ góc độ làm chủ công nghệ từ luyện kim đến chế tạo máy, thì bác đó đúng. Nhưng nếu một bác khác không đồng ý và cho rằng chỉ cần nhập khẩu công nghệ sản xuất ốc vít và nhập khẩu luôn cả phôi thép để sản xuất ốc vít, đào tạo được công nhân và kỹ sư vận hành trơn tru, là làm chủ công nghệ. Điều này cũng không sai, và đó là việc khác nhau về khái niệm áp dụng. Nhưng nếu hai người khác nhau về khái niệm áp dụng đó mà tranh cãi, thì đó là yếu về tư duy logic.
Đây không chỉ là chuyện cô bé không biết về kỹ thuật, hay 2 bác đang cãi nhau kia không nắm được khái niệm, mà ở chỗ tư duy cứng nhắc thiếu logic và đó chính là một điểm yếu của giáo dục ở ta.
Logic hình thức không phải là đem giáo trình như dạy trong trường đại học ra để dạy trẻ con, mà là cách tiếp cận trong cả nhà trường từ thầy cô giáo, cho đến gia đình vốn dĩ bố mẹ cũng đã được tiếp cận cách tư duy kiểu đó rồi.
Điều này sẽ đúng với cách tiếp cận các môn học: Khi có phương pháp tư duy, tự khắc sẽ cảm thấy học toán dễ dàng hơn. Song, chúng ta làm ngược lại, gò trẻ con học toán như "khổ hình" để dạy phương pháp tư duy. Vì lẽ đó, chúng ta sa vào phương pháp giáo dục có tính định lượng: Bắt trẻ em học thật nhiều để cố gắng giỏi hơn người khác. Trong khi những cháu có khả năng tư duy giải quyết vấn đề thì còn hạn chế.
Trong khi trông chờ nền giáo dục thay đổi, theo tôi, gia đình phải tự cứu mình. Bố mẹ hãy hình dung điều mình phải làm: Tổ chức các lớp học về logic, với yêu cầu giảng viên soạn bài giảng đơn giản và dễ hiểu, dễ áp dụng… rồi sau đó về chơi với con thật nhiều và đặt câu hỏi tình huống thật nhiều, cùng con giải quyết tình huống thật nhiều. Trong cuộc sống công tác, ai cũng đã từng phải giải quyết những khó khăn và đó hoàn toàn là cơ hội để đưa ra những bài toán để huấn luyện dần cho con, lại được cả yêu cầu "hướng nghiệp" - thật là một công đôi việc.
Cùng con làm việc nhà, hướng dẫn chúng xử lý những khúc mắc xảy ra trong các công việc đó, là một yêu cầu bắt buộc của giáo dục tư duy. Dạy tư duy không phải chỉ có suy nghĩ, mà suy nghĩ đúng đắn cần được cụ thể hóa và sau đó, hoàn thiện bằng lao động, thông qua quá trình lao động. Không nên coi thường lao động giản đơn, quét nhà có kỹ thuật của quét nhà và thổi cơm chính xác lại là việc nguy hiểm có những yêu cầu an toàn nhất định. Tất cả đều cần phải tư duy và đó chính là học và rèn luyện tư duy.
Ai cũng có thể trở nên thông minh và ai cũng có thể trở thành người hữu dụng. Nếu học sinh học tập với cách tiếp cận hiện nay, không thể trở thành giỏi được, mà chỉ là những "thợ giải toán" siêu mà thôi. Cũng như cậu thanh niên gặp xe hỏng có khi còn không biết ở dưới yên có bộ đồ nghề để có thể xử lý được những sự cố nhỏ nhỏ của xe, như thay bugi chẳng hạn.
Có như vậy thì chúng ta mới có được những đứa con giỏi và tháo vát với đúng những ý nghĩa của các khái niệm đó.