Vì sao phụ nữ dễ bị lừa tình trên mạng?

Đinh Thu Hiền
28/05/2025 - 15:02
Vì sao phụ nữ dễ bị lừa tình trên mạng?

Hình minh họa

“Không có ai dại cả. Chỉ có những người quá khao khát được tin tưởng và yêu thương đến mức họ bỏ qua mọi dấu hiệu của sự dối trá”. Một người phụ nữ 40 tuổi kể lại sau khi chuyển 300 triệu đồng cho người tình “ảo” quen qua Facebook.

Chị gọi tôi sau một đêm không ngủ, giọng nghẹn, mắt sưng và cả niềm tin đã tan như khói. "Em gửi cho anh ấy cả tháng lương, không phải vì em ngu, mà vì em tin. Tin một người ở bên em mỗi tối, từ bên kia màn hình". Chị là giám đốc một doanh nghiệp nhỏ, ly hôn đã 5 năm, có 2 con học cấp hai, sống ở quận trung tâm của TPHCM. Một người đàn bà độc lập, giỏi giang, biết rõ thế nào là lừa đảo công nghệ, từng giảng bài cho con về "deepfake" và "phishing" nhưng lại thất thủ trước một giọng nói trầm ấm và những lời chào buổi sáng đúng giờ như đồng hồ Thụy Sĩ.

Chị không phải trường hợp duy nhất. Cũng không phải người thiếu hiểu biết, người sống mơ hồ hay phụ nữ "quá khờ khạo". Chị và hàng ngàn người phụ nữ khác, là minh chứng cho một sự thật buồn: phụ nữ hiện đại, dù mạnh mẽ đến đâu, vẫn có thể là con mồi trong những chiếc bẫy tình mang tên "mạng xã hội". Thế giới ảo trở thành nơi trú ẩn của cảm xúc thật. Internet chưa bao giờ "ảo" theo đúng nghĩa của nó. Nhất là trong thời đại mà mỗi chiếc điện thoại đã trở thành một chiếc gương, phản chiếu không chỉ khuôn mặt, mà cả tâm hồn.

Một người phụ nữ khi bước vào mạng xã hội, có thể vẫn là mẹ của 3 đứa trẻ, là trưởng phòng nhân sự, là vợ của một người đàn ông lạnh lùng hoặc là người sống đơn thân trong căn hộ thuê nhỏ. Nhưng bên trong không gian đó, chị có thể là một người được gọi là "em yêu", là "người tuyệt vời nhất anh từng gặp", là người nhận hoa mỗi ngày qua... sticker. Đó là thế giới nơi người ta không cần bận tâm đến nếp nhăn trên khóe mắt hay mùi cơm khê trong bếp, mà chỉ cần đôi dòng văn vần, vài chiếc ảnh đẹp và những tin nhắn rót mật qua loa.

Và nhiều phụ nữ, vốn sống bằng cảm xúc, rất dễ tìm thấy sự an ủi nơi đó. Không phải họ tin người lạ quá nhanh. Mà là vì họ quá cô đơn trong những mối quan hệ thật. Khi chồng vô tâm, khi bạn bè bận rộn, khi con cái lớn và dần rời khỏi tầm tay, khi cha mẹ đã khuất, thì một người đàn ông xa lạ hỏi han vào đúng thời điểm, lại trở thành điểm tựa đáng giá nhất.

Cô đơn không phải là tội, nhưng lại là "cánh cửa" của mọi cú lừa

Không ít người nghĩ rằng: chỉ những người nhẹ dạ, thiếu kiến thức mới bị lừa tình trên mạng. Nhưng thực tế, người bị lừa không phải vì không thông minh, mà vì cần một điểm tựa cảm xúc đến mức… muốn tin. Khi niềm tin được trao đi, họ thường trao trọn vẹn, một cách tròn đầy đến dại khờ. Họ không hoài nghi những trùng hợp "ngẫu nhiên" (anh ấy thích y hệt những thứ mình đăng lên tường Facebook), họ không để ý việc "anh ấy" luôn từ chối gọi video, luôn viện lý do công tác, luôn ở một nơi nào đó mờ ảo như Dubai hay Đức. Bởi với họ, nếu một người đàn ông mỗi tối nhắn tin nhắc mặc áo ấm, mỗi sáng hỏi "em đã ăn sáng chưa?", thì đó hẳn là người tử tế.

Càng cô đơn, người phụ nữ đó càng dễ bị thuyết phục bởi những cử chỉ tưởng chừng nhỏ nhặt nhất. Bởi vì trong thế giới thật, những điều tử tế nhỏ bé ấy thật hiếm có.

Và rồi, trên mạng thì là những kịch bản cũ, những tổn thương mới.

Hàng trăm bài báo, cảnh báo, thậm chí cả phim ảnh đã dựng lại các chiêu trò lừa tình quen thuộc: làm quen qua "inbox", ngỏ lời yêu sau vài tuần, gửi ảnh mạo danh, viện lý do "gặp sự cố tài chính đột xuất", rồi "vay tạm tiền", hứa hẹn hoàn trả. Tất cả đều quá cũ, quá dễ đoán. Nhưng điều lạ là vẫn có hàng ngàn phụ nữ lao vào.

Tại sao?

Vì phụ nữ không bị lừa bởi chiêu trò. Họ bị lừa bởi... Hy Vọng.

Hy vọng rằng lần này sẽ khác. Rằng người này thật lòng. Rằng nếu cho anh ấy cơ hội, biết đâu mình sẽ có một người đàn ông yêu thương mình thật sự. Rằng tình yêu có thể đến từ nơi không ngờ nhất. Và đáng buồn thay, kẻ lừa đảo biết rõ điều đó hơn ai hết. Chúng không cần vội vã. Chúng kiên nhẫn, nhẹ nhàng, tinh tế. Chúng "nuôi dưỡng niềm tin" giống như nuôi một chậu cây nhỏ. Và khi phụ nữ đã cảm thấy mình được yêu thương, họ sẽ không giữ lại bất cứ điều gì.

Không ai sai khi đi tìm tình yêu. Nhưng sai lầm là khi tin rằng mạng ảo là một trái tim thật.

Một người phụ nữ có thể đi qua tuổi trẻ, vượt qua những cú sốc ly hôn, chịu đựng sự lạnh nhạt trong hôn nhân, nuôi con một mình, làm việc quần quật và vẫn giữ được thần thái. Nhưng chính họ, lại có thể gục ngã hoàn toàn trước một tin nhắn "Anh nhớ em". Không phải họ yếu đuối. Mà là bởi vì họ luôn sống hướng về cảm xúc. Họ cần một ai đó lắng nghe, cần được công nhận, cần có người nhắc nhở họ rằng họ vẫn còn giá trị trong mắt ai đó. Và mạng xã hội, vô tình hay hữu ý, đã trở thành nơi chứa đựng nhiều thứ "giả, thật lẫn lộn" nhất của thế kỷ này.

Không phải ai đến cũng có mục đích xấu. Nhưng ai thật, ai giả, rất khó để phân biệt. Trong khi phụ nữ lại thường chọn tin vào điều làm họ cảm thấy ấm áp, bất chấp cảnh báo của lý trí.

Vì sao phụ nữ dễ bị lừa tình trên mạng?- Ảnh 1.

Sự đổ vỡ niềm tin

Không chỉ là tiền bạc, mất mát lớn nhất là sự đổ vỡ trong niềm tin. Không ít người phụ nữ bị lừa mất vài chục triệu, vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Nhưng số tiền ấy, xét cho cùng, vẫn có thể kiếm lại. Cái không thể lấy lại được là niềm tin vào chính mình. Rằng mình đã sáng suốt, rằng mình đủ khôn ngoan, rằng mình có thể làm chủ cuộc sống.

Một cú lừa về tình cảm trên mạng thường để lại hậu quả tâm lý dài lâu: trầm cảm, khủng hoảng giá trị bản thân, tê liệt cảm xúc và sợ hãi các mối quan hệ mới. Có người không dám yêu thêm lần nữa. Có người sụp đổ niềm tin vào tất cả đàn ông. Có người hủy hoại chính mình vì cảm thấy nhục nhã, ê chề, bị phản bội. Và đau lòng nhất, là khi những tổn thương đó không ai thấu hiểu. Xã hội hay cười cợt: "Dại thế cũng tin được à?", "Thời đại nào rồi mà còn bị lừa tình?", "Chắc cũng ảo tưởng lắm mới vậy". Họ quên mất rằng, mỗi người phụ nữ đều có một vùng trống trong lòng. Và không phải ai cũng đủ sức một mình lấp đầy khoảng trống đó.

Vậy phụ nữ phải làm sao?

Phụ nữ không cần nghi ngờ tất cả. Nhưng cần học cách giữ lại một phần nghi ngờ cho riêng mình, như một tấm áo mưa giữa ngày nắng đẹp. Đừng cho ai biết quá nhiều về điểm yếu của mình, nhất là khi mới quen qua mạng. Đừng tin vào những lời yêu nhanh chóng. Đừng chuyển tiền, gửi hình, hay trao lòng quá dễ dàng-dù người kia có ngọt ngào đến mấy. Và quan trọng hơn cả, đừng dùng mạng xã hội để khỏa lấp nỗi cô đơn. Hãy nuôi dưỡng những mối quan hệ thật. Hãy sống kết nối ngoài đời nhiều hơn. Hãy học cách yêu mình trước, để nếu ai đó đến - đó là lựa chọn, không phải cứu rỗi.

Không có người phụ nữ nào "ngu vì yêu". Chỉ có những người đã đi qua quá nhiều tổn thương, đến mức không còn sức để đề phòng. Họ không đáng bị cười chê. Họ cần được thấu hiểu. Và hơn hết, họ cần được bảo vệ, bởi một xã hội có hiểu biết, có lòng nhân từ và có trách nhiệm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm