Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), tháng 1/2019, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho một thai phụ 31 tuổi mang song thai 24 tuần quê Thanh Hóa. Thai phụ ban đầu có các triệu chứng cúm thông thường như sổ mũi, hắt hơi nhưng bệnh nhanh chóng chuyển nặng.
Bệnh nhân được chỉ định lọc máu, thở máy, thậm chí sử dụng cả biện pháp chạy tim, phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO) nhưng sau 2 tuần, tình trạng vẫn không tiến triển. Bệnh nhân cùng song thai đã không qua khỏi do virus cúm tấn công.
Vào tháng 7/2018, một phụ nữ mang thai 32 tuần tuổi ở tỉnh Đồng Tháp cũng đã tử vong do cúm A/H1N1. Trước đó, không ít thai phụ và con tử vong do nhiễm cúm A/H1N1.
TS Đào Xuân Cơ cho biết, đây là loại cúm thường gặp ở Việt Nam, do virus gây ra và lây truyền qua đường hô hấp. Do đó, nguy cơ thai phụ mắc cúm này rất cao, vì sức đề kháng của bà bầu thường kém hơn người khác. Thai phụ mắc cúm nào cũng dễ nguy hiểm đến mẹ và bé nhưng với cúm mùa thì dễ mắc hơn vì tác nhân gây bệnh có ở nhiều nơi.
Cũng như nhiều người khác, thai phụ có thể mắc cúm A/H1N1 khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người mắc bệnh này hắt hơi, ho hoặc qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát đũa, thau chậu…).
Tuy nhiên, khác với nhiều người khác, khi mắc cúm A/H1N1, thai phụ thường có biến chứng nặng hơn. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này do trong quá trình mang thai, hệ miễn dịch của bà mẹ suy giảm.
Biểu hiện của bệnh cúm bao gồm sốt, ho, đau cổ, sổ mũi, nhức đầu, đau cơ và mệt mỏi. Các triệu chứng này thường xảy ra từ 1 đến 4 ngày sau khi nhiễm virus. Phụ nữ mang thai nghi nhiễm virus cúm A/H1N1 cần được bác sĩ khám và chỉ định xét nghiệm cần thiết chẩn đoán để có hướng điều trị phù hợp. Nếu chẳng may mắc cúm, thai phụ cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc và chữa theo kiểu kinh nghiệm dân gian.
Để phòng bệnh cúm, TS Trần Đắc Phu cho rằng, tốt nhất là chị em nên tiêm vaccine ngừa cúm trước vài tháng khi có ý định mang thai. Ngoài ra, cần tránh xa các nguồn lây như hạn chế đi đến những nơi công cộng đông người; hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc cúm; đeo khẩu trang khi ra đường; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc đồ vật. Bên cạnh đó, bà bầu cần nâng cao sức đề kháng như ăn uống đủ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung vitamin C..