Nước Ý nổi tiếng với xe Vespa, nhưng thực tế không nhiều xe Vespa như tôi tưởng tượng. Trên các con đường lớn vẫn chủ yếu là ô tô. Để đi len lỏi trong các con phố nhỏ, người ta chỉ sử dụng xe máy, giống như xe tay ga ở Việt Nam, và được gọi là xe scooter, số lượng xe vespa ít hơn nhiều so với xe scooter.
|
Chiếc đồng hồ ghi bằng số La Mã trong nhà thờ Duomo |
Florence nổi tiếng với nghề làm đồ da truyền thống. Đồ da ở đây đẹp và bền, thời trang và rất thanh nhã. Khu chợ bán đồ da nổi tiếng Mercato di San Lorenzo nằm ngay cạnh nhà thờ San Lorenzo. Dù đã dự định tiêu thật ít, du lịch tiết kiệm nhưng đồ da ở đây đẹp không cưỡng nổi, nên không biết bao nhiêu lần tôi đã rút hầu bao mua đủ loại áo da, găng tay, giày da, ví, túi, dây lưng… Tất cả đều là đồ thủ công, bằng da thật và giá rẻ hơn rất nhiều lần so với các nước châu Âu khác.
|
Đồ da đa dạng mà giá lại khá “mềm” |
Lang thang trong các con ngõ nhỏ hun hút của Florence, đôi khi bắt gặp một cửa hàng nhỏ xinh, với đôi vợ chồng già. Cụ ông lúi húi gõ gõ, đóng đóng mấy đôi giày nhỏ, hay cưa xẻ đục đẽo vài món đồ lưu niệm xưa cũ, còn cụ bà bán hàng, treo mấy cây thông gỗ, hay lúi húi tô sơn màu lên mấy chú Pinocio mũi dài. Cái không khí gợi lên cảm giác như mấy bộ phim đen trắng của những năm 1920 hay những câu chuyện cổ tích về đôi vợ chồng già sống trong khu rừng nọ…
|
Thành phố trong ráng chiều |
Một điểm nổi tiếng mà khi đến Florence ai cũng phải ghé thăm là Duomo mái đỏ. Nhà thờ được đặt ở trung tâm thành phố, lợp ngói đỏ, tường xây bằng đá màu xanh và trắng. Người Florence quyết định xây nhà thờ này vào năm 1200, thời điểm đó, đây là nhà thờ lớn thứ 3 thế giới, sau Pantheon tại Rome và Hagia Sopihia tại Constantinople (Hy Lạp).
Nhà thờ đẹp lộng lẫy, bên trong có chiếc đồng hồ ghi bằng số La Mã. Hầu hết mọi người đều không biết rằng tất cả các đồng hồ ngày nay đều được chạy theo “kiểu Pháp”, chỉ duy nhất một chiếc trên thế giới vẫn chạy theo “kiểu Italia”, đó là chiếc đồng hồ đặt trong nhà thờ Duomo. Nền đồng hồ được vẽ trực tiếp lên tường, với hình ảnh 4 góc là 4 nhà truyền giáo nổi tiếng. Galileo là người cuối cùng tu sửa chiếc đồng hồ này bằng cách đưa thêm vào 1 con lắc, giúp đồng hồ hoạt động chính xác hơn và không cần sửa nữa.
|
Một góc Florence khi thành phố lên đèn |
Quảng trường nổi tiếng nhất ở Florence là Pallazo della Signoria, nơi có những bức điêu khắc nổi tiếng như “Thần Neptune” hay “The rape of the Sabine woman” và bản copy của bức tượng “Chàng David” của Michelangelo. Bức tượng thật làm bằng đá cẩm thạch, được hoàn thành trong 3 năm, đặt tại bảo tàng Academia Gallery. Đứng ngắm nhìn David và cơ thể tuyệt vời của chàng mới thấy từng đường nét tinh tế, với những thớ thịt, đường gân sống động, được Michaelangelo khắc họa bằng tài điêu khắc đỉnh cao của ông.
Buổi chiều, chúng tôi lại lượn xe vespa qua các con phố, quảng trường, ngồi trên cầu hóng gió sông Arno và ăn kem. Trên quảng trường, những người nghệ sỹ lại đem đàn ra ca hát. Cả 3 ngày ở Florence, tôi đều thấy 2 vợ chồng người nghệ sỹ ra xếp đồ đạc, sau khi bày biện đàn, loa, mic, bày đĩa CD trên giá, chị vợ hôn tạm biệt chồng và biến mất trong đám đông vây quanh. Người chồng ở lại, hát bằng giọng trầm ấm đặc biệt, giai điệu của những bài dân ca Ý, những bản nhạc đồng quê với tiếng guitar trong ánh chiều.
|
Đôi tình nhân trên Vespa |
Đám đông ngày một nhiều và đua nhau mua đĩa CD của anh. Trên giá đĩa là một tấm biển ghi “Please be generous. This is my job and I love it. Leave your email here to listen to my music online for free”. (Xin hãy rộng lòng. Đây là nghề của tôi và tôi rất yêu nó. Hãy để lại email tại đây để được nghe nhạc của tôi online miễn phí).
Chúng tôi ăn hết ly kem và lôi bản đồ ra tìm đường về nhà. Đang loay hoay tìm hướng đi, đột nhiên có một anh chàng người Ý xuất hiện: “Ciao bella (chào người đẹp). Can I help you?” (Tôi giúp gì được không?) Quả đúng là ở hiền gặp lành, chưa khóc mà “bụt” đã hiện ra. Anh chàng vừa xuất hiện đã kịp giới thiệu, tên là Claudio và anh đang trên đường đi làm về. Nhìn thấy 2 cô gái loay hoay với tấm bản đồ, anh đoán hẳn là họ cần giúp đỡ.
Cách nói chuyện của người Ý cũng thật đặc biệt, họ thường đứng rất gần, chỉ cách khoảng 30-40cm và luôn nhìn thẳng vào mắt rất say đắm. Cô bạn Dora đi cùng tôi (người Hy Lạp) về sau có nói lại:
“Đến Ý mới thấy, đàn ông Ý nhìn một cô gái như một cô gái, còn đàn ông Bỉ (nơi chúng tôi học) nhìn các cô gái như một người lạ (stranger)”.
Hôm sau, chúng tôi rời Florence vào lúc bình minh chưa ló rạng. Hít thở thứ không khí thơm lành của buổi sáng, Florence đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp, nhiều kiến thức hơn là kỳ vọng. Và không dễ gì quên được nhiều câu chuyện thú vị với những con người dễ mến của thành phố này. Thành phố như níu chân người, ngồi trên xe, tôi ngoái nhìn Florence dần xa khuất dần và tự hứa với lòng mình, nhất định một ngày sẽ trở lại.