Viêm gan siêu vi A là gì? 8 điều cần nhớ về viêm gan siêu vi A

Hồng Phượng
05/03/2020 - 16:00
Viêm gan siêu vi A là gì? 8 điều cần nhớ về viêm gan siêu vi A
Viêm gan là tình trạng các tế bào gan bị viêm. Khi các tế bào gan bị viêm hoặc tổn thương, hoạt động của gan bị ảnh hưởng, giảm chức năng. Các nguyên nhân gây viêm gan có thể gặp là sử dụng quá nhiều rượu, độc chất, thuốc, nhưng viêm gan do virus vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, trong đó có viêm gan siêu vi A.

Bệnh lây từ người sang người thông qua đường phân miệng hoặc tiêu thụ các loại thức ăn, nước uống có chứa virus viêm gan siêu vi A. Viêm gan A là bệnh có thể tự giới hạn, không tiến triển thành mạn tính. Người lớn khi bị mắc viêm gan siêu vi A có thể có các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, buồn nôn, vàng da,.. bệnh thường khỏi hoàn toàn sau 2 tháng và không để lại di chứng.

Trẻ em dưới 6 tuổi mắc viêm gan siêu vi A thường không có triệu chứng. Kháng thể được sản sinh ra sau khi nhiễm virus viêm gan A có tác dụng bảo vệ cơ thể không bị tái nhiễm. Phương pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vắc xin viêm gan A.

1. Viêm gan siêu vi A là gì?

Viêm gan là tình trạng các tế bào gan bị viêm. Khi các tế bào gan bị viêm hoặc tổn thương, hoạt động của gan bị ảnh hưởng, giảm chức năng. Các nguyên nhân gây viêm gan có thể gặp là sử dụng quá nhiều rượu, độc chất, thuốc, nhưng viêm gan do virus vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, trong đó có viêm gan do siêu vi A.

Ảnh 2.

Hình ảnh dưới kính hiển vi của virus gây viêm gan siêu vi A (Ảnh: Internet)

Viêm gan siêu vi A là bệnh có nguy cơ lây lan cao. Bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng trong vài tháng. Mặc dù khá hiếm xảy ra, nhưng trong một vài trường hợp viêm gan A có thể gây chết người. Bệnh có thể lây lan từ người này sang người khác qua sử dụng các loại thực phẩm, thức uống có chứa virus.

2. Triệu chứng của viêm gan siêu vi A

Triệu chứng viêm gan siêu vi A thường xuất hiện ở trẻ >6 tuổi hoặc người lớn. Triệu chứng bệnh thường xuất hiện đột ngột và tiến triển nhanh chóng.

Các triệu chứng bao gồm:

- Sốt có thể từ nhẹ tới trung bình.

- Mệt mỏi

- Chán ăn

- Buồn nôn

- Nôn

- Đau bụng

- Nước tiểu sậm màu

Ảnh 3.

Hãy cẩn thận khi nước tiểu của bạn có màu sậm hơn bình thường! (Ảnh: Internet)

- Tiêu chảy

- Phân nhạt màu

- Đau khớp

- Vàng da: da và kết mạc mắt có màu vàng.

Hầu hết trẻ em dưới 6 tuổi không có triệu chứng khi bị viêm gan. Khi triệu chứng xuất hiện, ở những trẻ này không có vàng da, vàng mắt như trẻ lớn hoặc người lớn.

Viêm gan siêu vi A có thời gian ủ bệnh khoảng 4 tuần. Sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, sau 4 tuần sẽ xuất hiện các triệu chứng bệnh đầu tiên. Thời gian ủ bệnh có thể thay đổi từ 2-7 tuần.

Thường các triệu chứng kéo dài trung bình khoảng 2 tháng. Trong đó có khoảng 10-15% số người triệu chứng viêm gan siêu vi A kéo dài đến 6 tháng.

Trong thời kì ủ bệnh siêu vi gây viêm gan A vẫn có thể lây lan từ người này sang người khác. Thời gian này trung bình khoảng 2 tuần trước khi bệnh khởi phát.

3. Đối tượng nguy cơ dễ mắc phải viêm gan siêu vi A

Tất cả mọi người đều có thể mắc viêm gan A. Tuy nhiên, có một nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh:

- Người có tiếp xúc trực tiếp với người xác định nhiễm viêm gan siêu vi A

- Đi du lịch đến những nơi là vùng dịch tễ viêm gan siêu vi A

- Quan hệ tình dục với người mắc viêm gan siêu vi A

- Người sử dụng các chất kích thích như ma túy, kể cả có tiêm chích hoặc không tiêm chích ma túy.

- Bệnh nhân có bệnh lý về máu như hemophilia

- Người dân sinh sống ở nơi ô nhiễm, thiếu nước sạch.

4. Điều trị viêm gan siêu vi A

Hiện tại không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho viêm gan siêu vi A. Chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng nhằm làm chậm tiến triển bệnh. Điều đặc biệt quan trọng cần tránh sử dụng các thuốc không cần thiết có thể gây độc cho gan. Paracetamol/ acetaminophen và các thuốc chống nôn tốt nhất không nên sử dụng.

Nhập viện không cần thiết khi không xuất hiện các triệu chứng suy gan cấp. Điều trị chủ yếu tập trung cân bằng dinh dưỡng, bổ sung đủ nước, hạn chế mất nước do tiêu chảy hoặc nôn ói quá nhiều.

5. Biến chứng viêm gan siêu vi A

Viên gan A có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cần lưu ý, viêm gan siêu vi A hiếm khi xuất hiện ở người trên 50 tuổi.

Biến chứng viêm gan siêu vi A có thể gặp:

Suy gan: thường xảy ra ở những bệnh nhân: lớn tuổi, đã có tiền căn bệnh lý về gan, người bị suy giảm miễn dịch.

Hội chứng Guillain-Barre: trong hội chứng này, hệ miến dịch của cơ thể sẽ tự tấn công hệ thần kinh. Các biểu hiện bệnh thường gặp: yếu cơ, thậm chí yếu, liệt. Hội chứng Guillain-Barre cần được nhập viện điều trị giảm sự tiến triển nhanh của bệnh và nhanh chóng phục hồi. Điều trị chủ yếu tập trung vào sử dụng liều cao các immunoglobulin.

Viêm tụy: xảy ra khi tụy, cơ quan tiêu hóa thức ăn và kiểm soát đường huyết có các tế bào bị viêm. Khi bị viêm tụy có thể bạn phải cần nhịn ăn vài ngày.

6. Cách phòng ngừa viêm gan siêu vi A

Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm gan siêu vi A là tiêm ngừa vắc xin. Để vắc xin phát huy hết tác dụng cần tiêm nhắc lại nhiều lần. Tùy thuộc vào từng loại vắc xin mà số mũi và thời gian nhắc có sự khác nhau.

Những đối tượng cần tiêm ngừa vắc xin viêm gan siêu vi A:

- Tất cả trẻ em dưới 1 tuổi

- Người thường xuyên lui tới vùng dịch tễ viêm gan siêu vi A

- Những gia dình hoặc người giúp việc đến từ những đất nước viêm gan A phổ biến

- Quan hệ tình dục đồng giới: nam - nam

- Sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích

- Người vô gia cư

- Người có bệnh gan mạn tính, bao gồm cả viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C

- Người có bệnh lý về đông cầm máu

- Người đã từng tiếp xúc trực tiếp với người mắc viêm gan siêu vi A.

Rửa tay thường xuyên: sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn hoặc nấu ăn,.. đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa sự lây lan viêm gan siêu vi A.

Ảnh 4.

Phòng ngừa viêm gan A nhờ rửa tay thường xuyên (Ảnh: nternet)

7. Chế độ ăn cho người bị viêm gan siêu vi A

7.1. Nên ăn gì?

Ăn đủ bữa, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng

Ăn ít nhất 3 bữa mỗi ngày, có thể bổ sung năng lượng bằng các bữa ăn phụ cách mỗi 3-4 giờ. Ăn nhiều cử có thể giúp giảm nôn.

Bổ sung đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, rau xanh và trái cây, sản phẩm từ sữa, thịt, cá, các loại đậu, trứng.

Ăn nhiều các bột ngũ cốc nguyên hạt

Các loại ngũ cốc, bánh mì, .. chứa rất nhiều vitamin B và chất khoáng.

Ảnh 5.

Bổ sung các loại ngũ cốc giàu vitamin B có lợi cho cơ thể (Ảnh: Internet)

Các loại thực phẩm nguyên hạt thường chứa nhiều chất xơ hòa tan có lợi cho cơ thể, nên bổ sung ít nhất 1/2 lượng tinh bột từ thực phẩm nguyên hạt trong bữa ăn.

Thực phẩm nguyên hạt như: gạo lứt, bột yến mạch, lúa mì, ngô nguyên hạt,..

Bổ sung trái cây và rau xanh

Rau xanh và trái cây là nguồn thực phẩm chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm kali, chất xơ, vitamin C, beta carotene (một dạng vitamin A), và acid folic. Ngoài ra trong trái cây và rau xanh còn chứa chất chống oxy hóa có tác dụng chống lại sự hủy tế bào. Bên cạnh đó, rau xanh và tría cây chứ rất ít chất béo, muối và calo.

Chế độ ăn đầy đủ protein

Protein rất cần thiết trong quá trình kháng vêm và chữa lành tổn thương tại gan. Protein giúp phục hồi và duy trì khối cơ.

Bên cạnh cung cấp protein, các sản phẩm từ sữa còn cung cấp thêm canxi và một lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Sản phẩm từ sữa bao gồm: sữa tươi, bơ, phô mai, yogurt kem, bánh pudding làm từ sữa.

Thịt, cá, các loại hạt, đậu nành, trứng ngoài protein còn chứa nhiều vitamin B, vitamin E, sắt, kẽm, magie.

*** Cần lưu ý khi cung cấp chất sắt cho người bị viêm gan siêu vi A:

Đối với những bệnh nhân viêm gan, thường lượng sắt trong cơ thể khá cao hơn so với người bình thường. Khi kiểm tra lượng sắt trong cơ thể quá nhiều, bác sĩ sẽ khuyên bạn hạn chế các thực phẩm quá nhiều chất sắt như: thịt có màu đỏ, gan,… Bạn cũng cần hạn chế chế biến thực phẩm trên các dụng cụ nhà bếp làm từ sắt, vì một lượng nhỏ sắt cũng sẽ được hấp thu vào thức ăn.

Uống đủ nước

Uống ít nhát từ 6 đến 8 cốc nước mỗi ngày (tương đương khoảng 2 lít nước mỗi ngày).

Ảnh 6.

Uống ít nhất từ 2 lít nước mỗi ngày (Ảnh: Internet)

Đối với các bệnh nhân viêm gan không cần hạn chế nước trong chế độ ăn. Sữa, nước trái cây, trà, súp, … đều là những nguồn cung cấp nước có thể sử dụng được. Khi bị sốt, nôn ói, tiêu chảy, cơ thể cần có thêm nhiều nước để bù lại lượng nước bị mất đi.

Duy trì cân nặng phù hợp

Quá thừa cân hoặc quá gầy cũng là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh viêm gan siêu vi A phát triển nhanh chóng.

BMI (body mass index) là chỉ số khối cơ thể. Dựa vào chỉ số này bạn có thể ước tính cân nặng phù hợp tương ứng với chiều cao hiện tại của bản thân. BMI được tính bằng cách cân nặng (kg) chia bình phương chiều cao (m).

Nên duy trì chỉ số BMI tốt nhất từ 18.5-23.

7.2. Không nên ăn gì?

Rượu

Rượu là một chất độc đối với cơ thể, đặc biệt rượu được thải qua gan. Khi gan đang bị tổn thương, sử dụng nhiều rượu gan không thải độc được và càng làm nặng hơn tình trạng viêm gan.

Thực phẩm chức năng

Nguồn cung cấp vitamin và các chất khoáng tốt nhất là từ thức ăn. Thức ăn cung cấp một lượng chất dinh dưỡng vừa đủ cho cơ thể. Tuy nhiên, các loại thực phẩm chức năng, vitamin cũng có tác dụng, đặc biệt trong các trường hợp chán ăn, ăn không ngon hoặc không thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng qua đường ăn uống.

Trước khi sử dụng bất kì loại thực phẩm chức năng nào, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng quá liều cho phép. Một vài loại thực phẩm chức năng chứa một lượng lớn chất có thể gây nguy hiểm, đặc biệt vitamin tan trong mỡ như A, E, D, K.

8. Một vài câu hỏi thường gặp đối với bệnh viêm gan siêu vi A

8.1. Sự khác nhau vủa viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C?

Viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C là tình trạng gan bị nhiễm 3 loại virus khác nhau. Mặc dù mỗi bệnh đều có các biểu hiện bệnh tương đối giống nhau, tu nhiên khác nhau về đường lây truyền và các ảnh hưởng đối với tế bào gan.

Viêm gan A chỉ gây bệnh gan cấp tính, không gây bệnh mạn tính. Viêm gan B, viêm gan C vừa có thể gây bệnh gan cấp tính, vừa có thể gây bệnh gan mạn tính.

Hiện tại chỉ có vắc xin phòng ngừa viêm gan A, viêm gan B. Không có vắc xin phòng ngừa viêm gan C.

8.2. Tôi đã bị viêm gan siêu vi A một lần, tôi có thể bị lại không?

Không. Một khi bạn đã nhiễm viêm gan siêu vi A, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus gây viêm gan A suốt đời.

8.3. Virus gây viêm gan A có thể tồn tại bao lâu bên ngoài cơ thể?

Virus gây viêm gan A có thể tồn tại khoảng 1 tháng bên ngoài cơ thể. Virus có thể bị tiêu diệt khi đun sôi hoặc nấu ở 85oC trong vòng 1 phút.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.cdc.gov/hepatitis/hav/afaq.htm

2. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-a

3. https://www.webmd.com/hepatitis/treatments-for-hepatitis-a#2

4. https://www.hepatitis.va.gov/hcv/patient/diet/single-page.asp


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm