Viêm kết mạc do vi khuẩn là gì?

Mai Nhung
09/12/2020 - 08:01
Viêm kết mạc do vi khuẩn là gì?
Viêm kết mạc do vi khuẩn là một trong những bệnh lý về mắt thường gặp. Hầu hết các trường hợp là cấp tính, không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên, vì tính lây nhiễm cao, nó có tác động xã hội lớn về việc nghỉ học hoặc nghỉ làm. Hiểu rõ về bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn sẽ giúp phòng tránh tốt hơn.

1. Viêm kết mạc do vi khuẩn là gì?

Bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn, hay còn được gọi là bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn. Là tình trạng kết mạc bị viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra. Giống với viêm kết mạc dị ứng và viêm kết mạc do virus, bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn khá phổ biến nhưng thường không nghiêm trọng.

Viêm kết mạc do vi khuẩn là bệnh lây nhiễm, có khả năng lây lan nhanh. Hầu hết các trường hợp bị viêm kết mạc nhiễm khuẩn là cấp tính. Bệnh có thể hồi phục sau một thời gian ngắn.

Xem thêm:

>> Hướng dẫn phân loại bệnh viêm kết mạc (Đau mắt đỏ) theo nguyên nhân gây bệnh

2. Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn có thể biểu hiện ở 1 hoặc cả 2 bên mắt:

- Mắt đỏ.

- Mắt bị ngứa, đau rát.

- Cộm mắt, cảm giác như có sạn ở trong mắt.

- Chảy nước mắt sống.

- Mắt tiết nhiều ghèn đặc có màu xanh hoặc vàng.

- Mí mắt sưng đỏ.

- Mắt nhạy cảm với ánh sáng.

- Có thể sưng hạch bạch huyết ở trước tai.

viêm kết mạc do vi khuẩn

Triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn là mắt tiết ghèn đặc có màu xanh hoặc vàng như mủ. (Ảnh Internet)

3. Nguyên nhân

Đúng như tên gọi của nó, viêm kết mạc do vi khuẩn là do vi khuẩn gây ra. Các chủng vi khuẩn gây viêm kết mạc phổ biến là:

- Staphylococcus aureus.

- Staphylococcus epidermidis.

- Vi khuẩn liên cầu.

- Haemophilus influenzae

Các chủng vi khuẩn ít phổ biến hơn bao gồm các vi khuẩn gây bệnh da liễu và sinh dục như Chlamydia, lậu cầu,... Đây là những vi khuẩn gây viêm kết mạc nặng, cần được điều trị sớm bởi bác sĩ.

>> Những bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất không nên bỏ qua

4. Chẩn đoán

Đầu tiên bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, kiểm tra các triệu chứng, xem xét bệnh sử và hỏi về lịch sử tiếp xúc với những người bị viêm kết mạc.

Bác sĩ sẽ kiểm tra mắt và đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng hiện có, cẩn thận để chẩn đoán loại trừ viêm kết mạc cấp tính do virus, viêm kết mạc dị ứng và các tình trạng mắt nghiêm trọng khác, chẳng hạn như viêm màng bồ đào.

Để có kết quả chẩn đoán chính xác, bệnh nhân có thể cần thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu như nhuộm Gram hoặc nuôi cấy dịch tiết từ mắt. Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết bệnh nhân bị viêm kết mạc do virus hay vi khuẩn, và chủng loại gây bệnh cụ thể là gì.

5. Điều trị

5.1. Điều trị tại nhà

Đa số các trường hợp bị viêm kết mạc do vi khuẩn sẽ tự khỏi trong vòng 1 - 2 tuần mà không cần điều trị đặc biệt. Bệnh nhân có thể tự chăm sóc mắt tại nhà bằng cách:

- Vệ sinh mắt hàng ngày bằng nước và khăn sạch hoặc bông gòn, miếng gạc vô trùng. Bạn có thể tham khảo thêm cách vệ sinh mắt TẠI ĐÂY.

- Sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo có thể giúp tăng hiệu quả làm sạch, lại giúp bôi trơn mắt, giảm các triệu chứng.

- Chườm lạnh hoặc ấm để giảm sưng và dễ chịu cho mắt.

- Không sử dụng kính áp tròng và mỹ phẩm cho mắt cho đến khi nhiễm trùng đã khỏi hoàn toàn.

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh để nâng cao hệ miễn dịch, chống lại nhiễm trùng.

Tất cả những điều cần biết về bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn - Ảnh 2.

Đa số các trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn có thể tự điều trị tại nhà.

Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc không thuyên giảm sau 2 tuần, bạn nên đi khám bác sĩ. Thông thường, thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định dùng trong điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn.

5.2. Điều trị bằng thuốc

Khi cần thiết, thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh có thể giúp loại bỏ nhiễm trùng nhanh chóng. Thuốc kháng sinh tại chỗ thường được khuyên dùng cho các trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn nặng và kéo dài. Thông thường thuốc nhỏ mắt được ưu tiên sử dụng hơn so với thuốc mỡ tra mắt vì dễ sử dụng.

Đối với các trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn chlamydia hoặc lậu cầu thì bệnh nhân có thể cần điều trị bằng một đợt uống hoặc tiêm kháng sinh.

6. Biến chứng

Hầu hết các trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn nhẹ đều khỏi hoàn toàn, không gây biến chứng. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

- Loét giác mạc.

- Suy giảm thị lực.

- Bội nhiễm vi khuẩn, nhiễm trùng tai, viêm tai giữa.

7. Phòng tránh

7.1. Đối với cộng đồng

Thực hiện các bước sau có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị viêm kết mạc do vi khuẩn:

- Tránh tiếp xúc gần với những người bị viêm kết mạc.

- Giữ vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

- Tránh chạm vào mắt khi tay không sạch.

- Có lối sống lành mạnh, dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao thể trạng, chống lại vi khuẩn.

7.2. Đối với bệnh nhân

Đối với bệnh nhân bị viêm kết mạc do vi khuẩn, để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng cần:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi chạm vào mắt.

- Làm sạch kính.

- Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân, đặc biệt là khăn mặt và chăn gối, đồ trang điểm. Vệ sinh chúng thường xuyên bằng nước nóng hoặc dung dịch tiệt trùng.

- Khi cần thiết có thể nghỉ học hoặc nghỉ làm cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn, thường là khi mắt hết đỏ và kích ứng.

- Tránh đến nơi công cộng, không sử dụng hồ bơi chung.

8. Viêm kết mạc do vi khuẩn ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân gây viêm kết mạc do vi khuẩn ở trẻ sơ sinh thường là do người mẹ truyền nhiễm vi khuẩn cho con trong quá trình sinh nở. Trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc do vi khuẩn thường bị sưng húp mắt, mí mắt đỏ và tiết dịch ghèn trong vòng 1-14 ngày sau sinh.

Viêm kết mạc do vi khuẩn ở trẻ sơ sinh có thể rất nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Nó được điều trị bằng thuốc kháng sinh và có thể phải chuyển đến bác sĩ chuyên khoa.

Để phòng tránh viêm kết mạc do vi khuẩn ở trẻ sơ sinh, trước và trong khi mang thai người mẹ cần đi thăm khám để ngăn ngừa và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh đường sinh dục. Ngay sau khi trẻ được sinh ra, cần được tra tetracyclin 1% hoặc nhỏ mắt bằng dung dịch cloramphenicol 0,4%, argyrol 1% để phòng bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn.

bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn

Bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn ở trẻ sơ sinh cần được điều trị khẩn cấp để tránh ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.(Ảnh Internet)

9. Một số câu hỏi về bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn

9.1. Viêm kết mạc do vi khuẩn có lây không?

Đây là bệnh dễ lây nhiễm. Do đó mọi người cần tránh tiếp xúc gần với bệnh nhân và có ý thức vệ sinh tốt để tránh bị lây bệnh.

9.2. Bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn có nguy hiểm không?

Viêm kết mạc do vi khuẩn là bệnh lành tính, không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên nếu bệnh kéo dài và các triệu chứng ngày càng nặng hơn thì cần đi khám bác sĩ để ngăn ngừa biến chứng, có thể làm giảm thị lực, thậm chí là gây mù lòa.

9.3. Viêm kết mạc do vi khuẩn có thể tự khỏi không?

Với những trường hợp nhiễm trùng nhẹ, bệnh có thể tự khỏi trong 1 - 2 tuần. Với trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài thì cần được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ.

9.4. Thuốc điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn là gì?

Thông thường thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định trong điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn. Tùy vào tình trạng mỗi bệnh nhân và chủng vi khuẩn gây bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh khác nhau.

9.5. Sự khác biệt giữa bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn và do virus là gì?

Điểm khác biệt lớn nhất là nguyên nhân gây bệnh. Viêm kết mạc do virus thường được gây ra bởi virus cảm lạnh thông thường. Viêm kết mạc do vi khuẩn thường được gây ra bởi các loại tụ cầu và liên cầu.

Mặt khác, chưa có thuốc đặc trị bệnh viêm kết mạc do virus. Viêm kết mạc do vi khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

9.6. Bị viêm kết mạc do vi khuẩn có cần thiết phải nghỉ học, nghỉ làm hay không?

Nghỉ học và nghỉ làm sẽ giúp mắt có thời gian nghỉ ngơi và tránh lây nhiễm bệnh ra cộng đồng. Tuy nhiên điều này là không bắt buộc. Trong trường hợp không thể nghỉ học, nghỉ làm thì bạn nên chú ý giữ vệ sinh và giảm tiếp xúc để tránh truyền nhiễm bệnh cho người khác.

Nguồn tham khảo: https://ada.com/conditions/bacterial-conjunctivitis/


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm