Viêm tụy cấp là gì? 9 điều cần biết về bệnh viêm tụy cấp

QN
07/03/2020 - 14:58
Viêm tụy cấp là gì? 9 điều cần biết về bệnh viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp là gì? Đây một bệnh lý cấp tính, khởi phát nhanh chóng với các triệu chứng biểu hiện như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, sốt... Bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau như hoại tử, nhiễm trùng, áp xe tụy, suy đa tạng... Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân.

1. Viêm tụy cấp là gì?

Tuyến tụy là một tuyến hỗn hợp của cơ thể vừa đảm nhận chức năng ngoại tiết dịch tiêu hóa vừa đảm nhận chức năng nội tiết hormone. Bình thường, vị trí tuyến tụy nằm ở phía sau dạ dày và dính vào tá tràng, nằm phía trước và vắt ngang qua cột sống.

Viêm tụy cấp là tình trạng phản ứng viêm xảy ra ở tuyến tụy bị khởi phát một cách đột ngột, diễn tiến nhanh chóng, phức tạp và có thể dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị bằng phương pháp thích hợp.

photo-1-15475356592981021844736

Bệnh viêm tụy cấp (Ảnh: Internet)

2. Nguyên nhân gây viêm tụy cấp là gì?

Những nguyên nhân chủ yếu gây nên viêm tụy cấp tính được ghi nhận trên thực tế bao gồm:

- Tắc nghẽn: Tình trạng tắc nghẽn xảy ra trên đường bài tiết dịch tụy ra ngoài có thể khiến tụy bị viêm cấp tính. Những nguyên nhân gây tắc nghẽn thường thấy nhất kể đến là sỏi đường mật, sỏi bùn, giun đường tiêu hóa, khối u,...

image (1)

Sỏi mật là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy cấp (Ảnh: Internet)

- Rượu: Người ta xác nhận rằng việc sử dụng rượu là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm tụy cấp. Tuy nhiên cơ chế khiến rượu gây ra viêm tụy cấp vẫn chưa thực sự được biết rõ. Có khá nhiều giả thiết được đưa ra để giải thích cho vấn đề này, chẳng hạn như rượu làm tổn thương trực tiếp lên tụy, hoạt hóa men tụy trước khi chúng được bài xuất vào đường tiêu hóa , làm trào ngược dịch tiêu hóa vào tụy,....

Do vậy, có khá nhiều bệnh nhân xuất hiện viêm tụy cấp sau một bữa tiệc sử nhiều rượu bia.

Alcoholic-Holding-A-Glass-Of-A-8571-9980-1556209076

Sử dụng nhiều rượu gây viêm tụy cấp (Ảnh: Internet)

- Thuốc, độc chất: Một số loại thuốc và độc chất cũng có khả năng gây viêm tụy cấp. Những tác nhân thuốc và độc chất có khả năng gây viêm tụy cấp đã được chứng minh trên thực tế như methyl alcohol, thuốc diệt côn trùng, thuốc trừ sâu phospho, azathiporin, didanosin,...

- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng cũng được biết đến là một trong các nguyên nhân gây viêm tụy cấp. Các loại tác nhân nhiễm trùng như virus quai bị, Coxsackie B virus, Samonella, Shingella, giun đũa,... la những loại tác nhân nhiễm trùng gây viêm tụy cấp phổ biến, thường gặp.

- Ngoài ra, tình trạng viêm tụy cấp còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như chấn thương, các thủ thuật y tế (chụp mật tụy ngược dòng, hậu phẫu,...), tự miễn, mỡ máu cao, tăng canci máu,...

* Những đối tượng có nguy cơ mắc viêm tụy cấp cao:

Viêm tụy cấp có thể xảy ra ở tất cả mọi đối tượng khác nhau, tuy nhiên một số nhóm đối tượng sau đây được cho là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người khác, bao gồm:

- Người sử dụng nhiều rượu bia

- Người béo phì

- Người cao tuổi, thường gặp ở người trên 70 tuổi

- Người có người thân trực hệ mắc viêm tụy cấp

- Người mắc bệnh lý sỏi đường mật.

3. Phân loại viêm tụy cấp

Trên lâm sàng, viêm tụy cấp được chia làm hai loại chính bao gồm:

- Viêm tụy cấp thể phù: Phân loại viêm tụy cấp thể này có biểu hiện bằng mô tụy phù nề, tái nhợt hoặc xám, ổ bụng có dịch trong. Thường thì thể bệnh này có tiên lượng nhẹ hơn và việc tiến hành điều trị cũng diễn ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng nó có thể diễn tiến trở thành viêm tụy cấp thể hoại tử.

- Viêm tụy cấp thể hoại tử: Thể viêm tụy cấp này đặc trưng bởi những khu vực hoại tử xuất hiện trên cấu trúc của tụy. Sự hoại tử có thể chỉ xảy ra ở trên một khu vực nhất định nhưng cũng có thể xuất hiện ở toàn bộ tụy. Dịch trong ổ bụng của bệnh nhân thường là dịch có màu, có máu,... Viêm tụy cấp thể hoại tử là thể bệnh nặng, tiên lượng xấu và có tỷ lệ tử vong cao.

Thông qua các biểu hiện suy đa tạng và các biến chứng của viêm tụy cấp mà người ta phân độ viêm tụy cấp thành 3 mức độ khác nhau:

- Viêm tụy cấp mức độ nhẹ: Bệnh nhân không có các biểu hiện của suy đa tạng và không có các biến chứng tại chỗ.

- Viêm tụy cấp trung bình: Bệnh nhân có các biểu hiện thoáng qua của suy đa tạng, có hoặc không có các biến chứng tại chỗ.

- Viêm tụy cấp nặng: Bệnh nhân suy đa tạng kéo dài qua thời gian 48h liên tục.

4. Triệu chứng biểu hiện của viêm tụy cấp là gì?

4.1. Triệu chứng lâm sàng

Bệnh nhân viêm tụy cấp thường có biểu hiện lâm sàng khá đặc trung, xảy ra đột ngột và dữ dội. Những biểu hiện thường gặp nhất trên thực tế kể đến như:

- Đau bụng: Đau bụng là triệu chứng xảy ra ở hầu hết các bệnh nhân viêm tụy cấp. Cơn đau do viêm tụy cấp thường xuất hiện bắt đầu tại các vị trí như vùng thượng vị, hạ sườn trái, quanh rốn rồi sau đó lan ra phía sau lưng của bệnh nhân. Đau bụng thường xuất hiện sớm, đau dữ dội và có thể kéo dài cho đến nhiều ngày sau đó. Cúi người hoặc nằm cuộn tròn có thể khiến bệnh nhân cảm thấy giảm đau chút ít.

20190823_040411_088122_viem-trot-hang-vi-d

Đau bụng xuất hiện ở hầu hết bệnh nhân viêm tụy cấp (Ảnh: Internet)

- Nôn: Nôn cũng la fmootj triệu chứng rất thường gặp ở bệnh nhân viêm tụy cấp, thường là nôn nhiều. Tuy nhiên sau nôn bệnh nhân vẫn không có biểu hiện giảm đau bụng.

Ngoài hai triệu chứng thường gặp nhất là đau bụng và nôn, bệnh nhân viêm tụy cấp còn có thể biểu hiện bằng một số các triệu chứng khác:

- Tiêu chảy

- Sốt

- Tăng nhịp tim, hạ huyết áp

- Khó thở

- Vàng da

- Co thắt tứ chi

Thay đổi màu da vùng bụng, nổi sẩn,...

4.2. Các xét nghiệm trong chẩn đoán viêm tụy cấp

- Xét nghiệm máu: Ngoài xét nghiệm me tụy, bác sĩ còn có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm máu để đánh giá các chỉ số viêm (CRP, procalcitonin, bạch cầu,...) hoặc các bằng chứng chỉ điểm bệnh gan mật (chỉ số ALT, bilirubin,...) nếu có bệnh do gan mật (sỏi mật,...), kiểm tra đường huyết,...

20190402_173753_566067_nen-biet-ve-xet-nghie

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán viêm tụy cấp (Ảnh: Internet)

Để chẩn đoán chính xác viêm tụy cấp cho người bệnh, bác sĩ không chỉ cần dựa trên các kết quả thăm khám triệu chứng lâm sàng của người bệnh mà còn cần có sự phối hợp thêm của các xét nghiệm cần thiết cho chẩn đoán.

- Xét nghiệm men tụy: Các kết quả xét nghiệm men tụy (maylase máu, lipase máu, maylase niệu) sẽ được thực hiện để giúp chẩn đoán viêm tụy, sự thay đổi bất thường các men tụy trong cơ thể có thể gợi ý cho chẩn đoán.

- Xét nghiệm hình ảnh học: Bên cạnh đó, bệnh nhân viêm tụy cấp còn có thể được chỉ định thực hiện một số các xét nghiệm hình ảnh học như CT-Scan, MRI, siêu âm, chụp mật tụy ngược dòn,... để đánh giá các tổn thương đại thể tại tụy và các tổ chức xung quanh trong ổ bụng.

5. Điều trị viêm tụy cấp như thế nào?

Do có thể diễn tiến một cách nhanh chóng, phức tạp và nguy hiểm do đó bệnh nhân viêm tụy cấp thường sẽ được yêu cầu nhập viện để điều trị. Thông thường tình trạng của bệnh nhân sẽ được kiểm soát sau 1 tuần, tuy nhiên nếu tình trạng của bệnh nhân tiến triển tốt thì người bệnh có thể được cho ra viện sau vài ngày điều trị.

Những nội dung chủ yếu trong điều trị viêm tụy cấp bao gồm:

- Thuốc giảm đau: Bệnh nhân có thể được cho sử dụng các loại thuốc giảm đau thích hợp để giảm nhẹ triệu chứng đau đớn do viêm tụy. Loại thuốc giảm đau có thể thay đổi tùy theo mức độ đau của bệnh nhân trên thực tế. Không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau cho bệnh nhân trước khi có chẩn đoán chính xác bởi nó có thể gây nên phán đoán sai lệch về tình trạng bệnh dẫn đến chẩn đoán và điều trị sai.

- Ống thông mũi: Bệnh nhân có thể được đặt ống thông qua mũi xuống đường tiêu hóa để rút bớt dịch trong dạ dày, thoát hơi trong đường tiêu hóa nhằm giảm nôn.

- Bù nước: Người bệnh nôn nhiều, thoát dịch vào ổ bụng, tiêu chảy,... nên dễ bị mất nước. Nếu có các dấu hiệu mất nước xảy ra thì bệnh nhân có thể được bù nước bằng đường tĩnh mạch.

- Hỗ trợ hô hấp: Bệnh nhân có thể được hỗ trợ hô hấp nếu có tình trạng suy hô hấp xảy ra.

- Kháng sinh: Trong trường hợp bệnh nhân có các biểu hiện của nhiễm trùng, các loại thuốc kháng sinh có thể được sử dụng. Ban đầu thường sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm của bác sĩ, nếu kháng sinh điều trị đáp ứng không tốt thì cần sử dụng theo kháng sinh đồ.

- Phẫu thuật: Trong những trường hợp cần loại bỏ các mô chết của tụy, hoặc giải quyết một số biến chứng của viêm tụy cấp như nang giả tụy,... thì phẫu thuật có thể được chỉ định.

- Giải quyết các nguyên nhân viêm tụy: Nếu bệnh nhân có các yếu tố nguyên nhân viêm tụy như sỏi đường mật, giun chui ống mật, nghiện rượu,.. thì bệnh nhân sẽ được cho sử dụng các biện pháp thích hợp để điều trị các nguyên nhân trên.

6. Biến chứng của viêm tụy cấp là gì?

Viêm tụy cấp có thể diễn tiến phức tạp gây nên nhiều biến chứng khác nhau:

- Hoại tử: Hoại tử là biến chứng nguy hiểm hàng đầu của bệnh viêm tụy cấp. Tình trạng hoại tử có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, đôi khi hoại tử có thể xảy ra ở toàn bộ tụy. Hoại tử tụy khiến tỷ lệ tử vong tăng cao ở bệnh nhân viêm tụy cấp.

- Viêm hoại tử nhiễm trùng: Trong những điều kiện thuận lợi, viêm tụy cấp có thể biến chứng từ viêm tụy hoại tử nhiễm trùng. Tình trạng này thường dễ xảy ra hơn ở những bệnh nhân không được sử dụng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn khi điều trị. Thườn xảy ra vào ngày thứ 10-14 sau khi khởi phát viêm tụy cấp, tỷ lệ tử vong cao.

- Nang giả tụy: Nang giả tụy là các ổ chứa dịch bất thường ở cấu trúc tụy. Nó thường xuất hiện sau 4 tuần kể từ khi khởi phát viêm tụy cấp. Nang giả tụy lớn dần theo thời gian, có thể vỡ ra hoặc bị nhiễm trùng, xuất huyết,...

- Viêm tụy mãn tính: Nếu tình trạng viêm tụy cấp tính không được xử lý tốt có thể dẫn tới viêm tụy chuyển thành mãn tính. Các mô tụy do tổn thương lâu dài sẽ dần bị thay thế bởi các tổ chức xơ và tụy mất dần chức năng vốn có của nó.

Ngoài ra, viêm tụy cấp khi không được điều trị đúng, không phát hiện kịp thời còn có thể gây nhiều biến chứng khác như báng bụng, rò tụy, suy đa tạng,...

7. Dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm tụy cấp

Người bệnh viêm tụy cấp thường được yêu cầu không ăn uống trong vài ngày đầu sau khi khởi phát bệnh để giảm áp lực lên tụy và cải thiện phần nào các triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân sẽ được cung cấp nước và các chất dinh dưỡng thông qua đường tĩnh mạch để duy trì chức năng của cơ thể.

Sau khi tình trạng của bệnh nhân được xác định đã trở nên ổn định thì bệnh nhân có thể được sử dụng thức ăn bằng đường miệng.

Những loại thức ăn được khuyên nên sử dụng viêm tụy cấp như các nguồn thức ăn giàu protein, giàu chất dinh dưỡng, vitamin, sữa ít béo, và các loại ngũ cốc,... Thức ăn nên được chế biến kỹ, dễ tiêu hóa khi bệnh nhân sử dụng.

Các loại thực phẩm giàu chất béo, rượu bia, thuốc lá,... là những tác nhân không tốt cho sự bình phục của bệnh nhân viêm tụy cấp. Do đó bệnh nhân không nên sử dụng những loại thực phẩm này trong khẩu phần dinh dưỡng.

benh-viem-tuy-kieng-an-giau-mo-1

Người bị viêm tụy cấp nên hạn chế sử dụng thực phẩm giàu chất béo (Ảnh: Internet)

8. Phòng tránh viêm tụy cấp

Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc viêm tụy cấp xuống thấp hơn nếu thực hiện một số biện pháp sau đây:

- Hạn chế sử dụng rượu bia

- Sử dụng nhiều rau xanh, trái cây trong khẩu phần ăn

- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên

- Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý

- Bỏ thuốc lá nếu có sử dụng

9. Một số câu hỏi thường gặp về viêm tụy cấp

9.1. Viêm tụy cấp có di truyền được không?

Di truyền là một yếu tố có ảnh hưởng đến khả năng mắc viêm tụy cấp. Người ta nhận thấy rằng ở những bệnh nhân có người thân trực hệ như cha mẹ, anh em ruột, chú bác ruột mắc viêm tụy cấp thì tỷ lệ mắc viêm tụy cấp cũng sẽ tăng cao hơn.

9.2. Viêm tụy cấp có nguy hiểm không?

Viêm tụy cấp là một bệnh lý nguy hiểm, gây nên nhiều biến chứng khác nhau tại tụy và ngoài tụy. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời thì tỷ lệ tử vong của bệnh nhân viêm tụy cấp là rất cao.

9.3. Viêm tụy cấp và viêm tụy mãn khác nhau như thế nào?

Điểm khác nhau nhiều nhất của viêm tụy cấp với viêm tụy mãn là viêm tụy cấp thì khởi phát đột ngột, giảm đi nhanh chóng và có khả năng hồi phục, còn viêm tụy mãn thì bệnh kéo dài và các tổn thương tại tụy không hồi phục được.

Nguồn tham khảo: https://www.nhs.uk/conditions/acute-pancreatitis/

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm