Việt Nam ghi nhận em bé đầu tiên mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika

30/10/2016 - 10:52
Ngày 30/10, Bộ Y tế khẳng định em bé bị đầu nhỏ ở Đăk Lăk "nhiều khả năng do virus Zika" và là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam mang dị tật này.
embezika1-7186-1476698613-2921-1477795633.jpg
 Bé gái ở Đăk Lăk bị đầu nhỏ do virus Zika. Ảnh: H.N. 
Bộ Y tế đưa ra kết luận này sau quá trình xem xét về bệnh cảnh lâm sàng, các yếu tố dịch tễ, xét nghiệm, kết quả chụp cắt lớp não bộ... Trẻ có các biểu hiện điển hình của chứng đầu nhỏ liên quan đến Zika: vòng đầu nhỏ hơn hẳn bình thường, trán phẳng. Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương 5 lần xét nghiệm đều cho thấy cả mẹ và bé đã nhiễm Zika trước đó. Người mẹ có biểu hiện sốt, phát ban trong tháng thứ 3 và thứ 6 của thai kỳ.

Điều tra dịch tễ cho thấy người mẹ có biểu hiện lâm sàng mắc bệnh Zika vào lúc mang thai 3 tháng. Chưa phát hiện các yếu tố có thể gây dị tật đầu nhỏ cho bé từ người mẹ như nhiễm khuẩn, tiếp xúc hóa chất độc hại, hút thuốc lá, nghiện rượu bia.

Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận trẻ sinh ra bị chứng đầu nhỏ do virus Zika. Trước đó, Thái Lan xác nhận 2 trẻ sơ sinh nước này bị đầu nhỏ liên quan đến virus Zika.

Ngày 14/10, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế ghi nhận em bé cư ngụ tại huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi chứng đầu nhỏ. Ngay lập tức Bộ Y tế nâng mức cảnh báo dịch bệnh do virus Zika lên cấp 3.

Brazil đã ghi nhận gần 5.000 trường hợp mắc dị tật đầu nhỏ do liên quan đến virus Zika. Đến nay các chuyên gia vẫn chưa lý giải vì sao số trường hợp bị đầu nhỏ tại nước này lại nhiều đến như thế. Chủng virus Zika bùng phát tại quốc gia này có đặc điểm tương đồng với chủng virus Zika tại châu Á.

Đến nay, cả nước ghi nhận 9 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó TP HCM nhiều nhất với 5 ca, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Long An mỗi nơi một bệnh nhân.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại, song phụ nữ có thai, phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, thai phụ cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.

Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc từng đến vùng có dịch có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn.

Bệnh Zika thường nhẹ, chỉ nguy hiểm với thai phụ trong 3 tháng đầu. Dù vậy, theo thống kê có 1-10% thai phụ mắc Zika sinh con bị dị tật đầu nhỏ.

Các chuyên gia lo ngại biểu hiện chứng đầu nhỏ rõ nhất vào các tháng cuối tháng thai kỳ, do đó khi phát hiện thì không thể can thiệp xử lý. Vì thế, ngành y tế khuyến cáo thai phụ siêu âm để có thể chẩn đoán chứng não nhỏ trước khi sinh nếu đo vòng đầu thai nhi trong hai tuần liên tiếp mà thấy vòng đầu không tăng, tiến sĩ Phu cho biết.
30 bệnh viện thực hiện tầm soát virus Zika tại TP HCM

1. Bệnh viện Quận 1

2. Bệnh viện Quận 2

3. Bệnh viện Quận 3

4. Bệnh viện Quận 4

5. Bệnh viện Quận 5

6. Bệnh viện Quận 6

7. Bệnh viện Quận 7

8. Bệnh viện Quận 8

9. Bệnh viện Quận 9

10. Bệnh viện Quận 10

11. Bệnh viện Quận 11

12. Bệnh viện Quận 12

13. Bệnh viện Quận Gò Vấp

14. Bệnh viện Quận Tân Bình

15. Bệnh viện Quận Bình Thạnh

16. Bệnh viện Quận Phú Nhuận

17. Bệnh viện Huyện Củ Chi

18. Bệnh viện Quận Thủ Đức

19. Bệnh viện Huyện Bình Chánh

20. Bệnh viện Huyện Nhà Bè

21. Bệnh viện Huyện Cần Giờ

22. Bệnh viện Quận Tân Phú

23. Bệnh viện Quận Bình Tân

24. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới

25. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

26. Bệnh viện Nhân dân Gia Định

27. Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á

28. Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức

29. Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi

30. Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm