pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vĩnh Phúc đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, hỉ
Các đám cưới tại Vĩnh Phúc đã được đơn giản hóa về thủ tục nhưng vẫn đảm bảo sự trang trọng, văn minh
Xây dựng đời sống văn hóa văn minh ở cơ sở, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và ý thức của mỗi người dân, luôn là những định hướng xuyên suốt của các cấp lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong đó, việc tuyên truyền vận động người dân tích cực xây dựng và phát huy thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang luôn được chú trọng tại mỗi địa phương, mỗi địa bàn khu dân cư.
Điển hình như ở huyện Vĩnh Tường, trong việc tang đã có những chuyển biến tích cực. Hỏa táng được đánh giá là hình thức văn minh, không chỉ giảm sức ép về quỹ đất, giữ gìn vệ sinh môi trường, tránh ô nhiễm nguồn nước, lây lan bệnh tật mà còn giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cũng như giảm bớt đau thương cho người thân trong gia đình do không phải cải táng, di dời phần mộ.
Xưa kia, việc hỏa táng còn xa lạ với người dân, bởi họ vẫn coi trọng phong tục hung táng, cải táng cũng như tập quán của người dân địa phương.
Chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền vận động và khuyến khích người dân thực hiện hỏa táng, từ năm 2010, nhiều địa phương trong huyện Vĩnh Tường đã xây dựng nghị quyết về việc hỗ trợ mỗi hộ đi hỏa táng 1 triệu đồng/người. Đặc biệt, đến năm 2015 khi Nghị quyết số 175/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/người được triển khai, việc thực hiện hỏa táng thay cho hung táng ở Vĩnh Tường dần phổ biến, số người chết được đưa đi hỏa táng tăng dần qua các năm. Đến nay, tỷ lệ thực hiện hỏa táng đạt đến hơn 80%, tỷ lệ tổ chức đám tang văn minh đạt hơn 95%.
Bên cạnh đó, thay vì tổ chức ăn uống rình rang trong các đám tang như trước, hơn chục năm nay, việc làm cỗ, mời khách trong các đám tang ở địa phương không còn. Việc rắc vàng mã trắng đường đi trong cử hành tang lễ cũng không còn phổ biến.
Bà Đinh Thị Bình, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tam Phúc cho biết: “Trong những năm gần đây, công tác tổ chức tang lễ ở Tam Phúc đã có những chuyển biến rõ rệt. Nếu như trước đây, trong các đám tang, vàng mã rắc trắng đường đi, ăn uống rườm rà, thì nay những tình trạng ấy gần như không còn. Việc làm này không chỉ tránh lãng phí, bảo vệ môi trường mà còn giảm phiền hà cho gia chủ”.
Việc tổ chức cưới ở Vĩnh Phúc trong những năm qua cũng được quan tâm chú trọng tuyên truyền, vận động thực hiện theo nếp sống văn minh. Nhiều đám cưới trên địa bàn tỉnh thực hiện mô hình "Mừng đám cưới không dùng tiền mặt" nhằm tạo thuận lợi cho khách mời khi đi dự tiệc.
Ông Bùi Tất Thắng, Bí thư Đảng ủy phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên, cho biết: “Thực hiện xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn phường Ngô Quyền, những năm qua người dân cũng đã lược bỏ những thủ tục rườm rà trong việc cưới xin, các nghi lễ trong hầu hết các đám cưới diễn ra đơn giản, không sắp cỗ tràn lan, không mời khách thuốc lá. Chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền các gia đình tôn trọng pháp luật, quy ước, hương ước trong tổ chức cưới hỏi, không để xảy ra tình trạng tảo hôn. Các gia đình không dựng rạp cưới lấn chiếm lòng lề đường, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông”.
Bà Nguyễn Thị Xuyên, ở phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên, chia sẻ: “Mỗi khi họp tổ dân phố, người dân đều được tuyên truyền quán triệt việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, hỉ, nên người dân cũng chấp hành nghiêm. Bởi mình không chấp hành thì người khác cũng không chấp hành, nên ai cũng ý thức được việc này, vì đó là điều có lợi cho cuộc sống mà thôi”.
Đến nay, các địa phương trong tỉnh ngày càng ý thức cao trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa những nội dung về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh vào hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố, nội quy của cơ quan, đơn vị nhằm phát huy ý thức tự giác của người dân trong việc thực hiện.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quán triệt các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; quy chế, nội quy làm việc của cơ quan, đơn vị; thực hiện hiệu quả bình xét các danh hiệu văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh và các phong trào thi đua tại địa phương.