pnvnonline@phunuvietnam.vn
VN-Index “bốc hơi” 23 điểm, tín hiệu gì cho thị trường?
VN-Index “bốc hơi” 23 điểm, tín hiệu gì cho thị trường?. Ảnh minh họa
"Sau diễn biến thời gian qua, tôi cũng đã lường trước được thị trường sẽ còn điều chỉnh nữa và phiên hôm nay là một điển hình. Tôi đã kịp hạ tỷ trọng nắm giữ và chủ yếu chỉ quan sát thị trường vào thời điểm này", chị Thu Thủy (38 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Kết thúc phiên hôm nay (ngày 23/7), nhiều "chứng sĩ" có lẽ đã rơi vào trạng thái "đứng ngồi không yên" khi VN-Index rơi tự do gần 23 điểm, kéo chỉ số tiền gần về mốc 1.230 điểm, chốt phiên với 1.231,81 điểm (-1.82%).
Như vậy, đến nay, thị trường đã kéo dài chuỗi giảm 9/10 phiên liên tiếp, đánh mất tổng cộng 66 điểm từ vùng đỉnh gần nhất (1.298 điểm vào ngày 10/7) đến nay. Đây cũng là thời điểm các công ty đang đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024.
Mở đầu phiên sáng nay, VN-Index khởi động giảm nhẹ vài điểm, diễn biến giằng co quanh vùng tham chiếu cùng thanh khoản "yếu ớt" chỉ vài nghìn tỷ đồng. Sang tới phiên chiều, lực bán tháo bắt đầu xuất hiện, chỉ số giảm nanh chóng 22 điểm vào cuối giờ chiều.
Toàn thị trường, thanh khoản đạt 20.437,6 tỷ đồng, giảm 15% so với phiên hôm qua. Trong đó, tính riêng sàn HOSE, 728 triệu cổ phiếu được "trao tay", tương đương với thanh khoản 18.028 tỷ đồng, bằng mức trung bình 20 phiên giao dịch gần đây.
Loạt cổ phiếu trụ giảm mạnh, nhóm VN30 giảm 20,64 điểm, tương đương 1,59%.
Dẫn đầu nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số là MBB (MBBank, HOSE) giảm 5,16%. Kế tiếp là MWG (Thế giới di động, HOSE), ACB (ACB, HOSE), TCB (Techcombank, HOSE), VPB (VPBank, HOSE), STB (Sacombank, HOSE)… Đa số các cổ phiếu nhóm này đều có biên độ giảm khá mạnh, từ 1 – 5% trong phiên hôm nay, trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng là chủ yếu.
Ở chiều ngược lại, FPT (FPT, HOSE) quay đầu tăng 1,13%, dẫn đầu nhóm ảnh hưởng tích cực tới VN-Index.
Về góc độ các nhóm ngành, chỉ có 2 nhóm: công nghệ thông tin và cao su tăng nhẹ, còn lại 23 nhóm ngành giảm điểm, tiêu biểu là nhựa – hóa chất (-4,75%), chứng khoán (-3,26%), ngân hàng (-2,17%), bất động sản (-0,73%)…
Nhìn chung phiên hôm nay, xuất hiện lực bán ròng mạnh của nhà đầu tư cá nhân tại nhóm vốn hóa lớn VN30 (Ngân hàng, Bán lẻ, Thực phẩm, Chứng khoán) trong khi mua ròng nhóm vốn hóa vừa VNMID (Hóa chất, Bất động sản...). Đây là phiên bán ròng thứ 2 liên tiếp từ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Khối ngoại cũng trở lại bán ròng trên sàn HOSE với giá trị gần 265 tỷ đồng tại sàn HOSE, chủ yếu tại các cổ phiếu: VHM (Vinhomes, HOSE), TCH (Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy, HOSE), DGC (Hóa chất Đức Giang, HOSE)…
Diễn biến tiêu cực này khiến nhiều nhà đầu tư đứng ngoài quan sát thị trường, song, đối với một số nhà đầu tư khác, đây lại là thời điểm để "bắt đáy" các cổ phiếu với mức giá hấp dẫn.
Điển hình với chị Thu Hiền (42 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội): "Thị trường hôm nay giảm khá mạnh, tiếp đà giảm trong thời gian qua, nên tôi quyết định vào "bắt đáy" một số mã cổ phiếu tiềm năng, chủ yếu là nhóm ngân hàng".
Đánh giá về thị trường, ông Phạm Thanh Tiến, chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset cho biết, thị trường có khả năng sẽ tiếp đà giảm vào phiên tới, dự kiến nhịp giảm sẽ tăng tốc cho đến khi thị trường tìm được điểm cân bằng về cung - cầu.
Xu hướng của thị trường hiện nay chủ yếu đến từ sự hoảng loạn về việc dư nợ margin cao kỷ lục tại các công ty chứng khoán vào cuối quý 2, gây ra tâm lý lo ngại cho các quan điểm ngắn hạn. Mốc hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm sẽ là điểm tựa "vững chắc" cho VN-Index một vài phiên tới.
Dù vậy, theo ông, trong thời gian trung hạn, chính sách điều hành, lãi suất cùng triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết và định giá thị trường vẫn ủng hộ cho xu hướng tích cực của thị trường.
Kết quả kinh doanh bán niên của các doanh nghiệp lớn sẽ được công bố trong thời gian tới, từ Ngân hàng quốc doanh, Thép và Bán lẻ. Đây là yếu tố hỗ trợ thị trường khi các ngành này được dự kiến ghi nhận kết quả tăng trưởng khả quan trong quý 2 so với cùng kỳ.
Ông nhấn mạnh thêm, thị trường hơn hết cần sự tăng giá trở lại của nhóm cổ phiếu trụ, chiếm tỷ trọng cao trong bộ chỉ số, ngoài ra, là việc khối ngoại giảm quy mô bán ròng.