pnvnonline@phunuvietnam.vn
VN-Index đảo chiều, nhà đầu tư cần thận trọng khi giao dịch
Ảnh minh hoạ
Thị trường đứt chuỗi hồi phục, nhà đầu tư "đứng ngoài" dè chừng
Sau chuỗi tăng "hồi phục" 7 phiên vừa qua, VN-Index quay đầu giảm mạnh vào phiên hôm nay (10/7), mất 7,77 điểm (-0,6%), về lại số điểm dưới mốc 1.290 điểm, tại 1.286,9 điểm.
Tại sàn HOSE, thanh khoản đạt 21.826 tỷ đồng với phe bán chiếm ưu thế. Lượng cổ phiếu giảm cao gấp đôi so với lượng cổ phiếu tăng, 299 mã giảm (1 mã nằm "sàn"), 151 mã tăng (11 mã tăng "trần") và 65 mã đi ngang.
Về phương diện nhóm ngành sự phân hóa rõ rệt khi các nhóm ngành nhỏ giữ được "sắc xanh", như: Truyền thông, Viễn thông, Ô tô. Còn lại, "sắc đỏ" lan tỏa tại hầu hết các nhóm ngành lớn: Ngân hàng (-0,38%), Bất động sản (-0,53%), Bán lẻ (-2,12%), Chứng khoán (-1,13%).
Nhóm cổ phiếu trụ đóng vai trò kéo đà tiêu cực của thị trường gia tăng, trong đó nhóm ngân hàng có tới 7/15 mã góp mặt trong nhóm này: LPB (LPBank, HOSE), VPB (VPBank, HOSE), STB (Sacombank, HOSE), TCB (Techcombank, HOSE),…
Ngoài ra là các mã từ nhóm chứng khoán: SSI (Chứng khoán SSI, HOSE), VND (Chứng khoán VNDirect, HOSE); bán lẻ: MWG (Thế giới di động, HOSE);…
Cổ phiếu công nghệ FPT (FPT, HOSE) tiếp tục dẫn đầu nhóm cổ phiếu tiêu cực nhất tới chỉ số, với đà giảm 2,55%, đóng góp 0,19% điểm giảm. Tình trạng trong bối cảnh khối ngoại vẫn giữ động thái bán mạnh FPT, riêng phiên hôm nay, FPT chịu áp lực bán ròng mạnh nhất từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài, giá trị đạt 342 tỷ đồng.
Kế tiếp là VCB (Vietcombank, HOSE) là 160 tỷ đồng và MWG (Thế giới di động, HOSE) là 159 tỷ đồng.
Tổng toàn sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng mạnh trở lại với 1.037 tỷ đồng phiên hôm nay. Đây là phiên thứ 24 liên tiếp khối ngoại "xả hàng" trên thị trường Việt Nam.
Nhiều trạng thái khác nhau của giới đầu tư
Là một nhà đầu tư lâu năm, chị Nguyễn Thúy Nga (49 tuổi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) quyết định "đứng ngoài" thị trường trong vài tuần qua: "Thị trường "rung lắc" liên tục thời gian qua, nên hiện tại tôi chỉ đứng ngoài thôi, không biết thị trường như nào để mà "đánh". Trước mắt chỉ bảo toàn tài sản, quan sát diễn biến các cổ phiếu đang nắm giữ, nếu thấy không khả quan thì tôi sẽ hạ tỷ trọng xuống".
Cùng lúc này, chị Ngọc Anh (37 tuổi, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cũng quyết định "đứng ngoài" chờ tín hiệu khi thị trường chưa có dấu hiệu tăng trưởng nào rõ rệt.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư khác tận dụng cơ hội để "gom" những cổ phiếu tiềm năng.
Anh Mạnh Hùng (45 tuổi, Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Tôi tranh thủ lúc thị trường điều chỉnh để mua vào những cổ phiếu có tiềm năng. Chia rõ cổ phiếu nào để dài hạn, cổ phiếu nào để ngắn hạn, thì có thể mua vào nhằm "lướt sóng", tuy nhiên với cách đầu tư này thì tôi cũng phải thận trọng hơn trong phân tích, chiến lược trước khi quyết định giao dịch".
Dòng tiền chờ đợi tín hiệu gì?
Theo ông Trương Thế Vinh, chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset, khối ngoại bán ròng mạnh phiên hôm nay, đến từ việc các quỹ đầu tư tư nhân của Thái Lan đang tìm cách chuyển số cổ phiếu trong danh mục sang các quỹ nội địa để "né thuế" thu nhập từ nước ngoài do quy định từ chính quyền ở Thái Lan.
Ngoài ra, các nhà đầu tư đang chờ Cục thống kê Mỹ công bố số liệu CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) vào tối ngày 11/7, đây là 1 trong những dữ liệu quan trọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm cơ sở để đưa ra kế hoạch cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2024. Trong phiên điều trần tối ngày 9/7 vừa qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Jerome Powell đã phát biểu: "Lạm phát cao không còn là rủi ro duy nhất đối với nền kinh tế Hoa Kỳ" đã đưa khả năng FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 tăng cao lên mức 70%.
Điều này cũng sẽ tác động tích cực lên tỷ giá USD/VND, là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh thời gian qua.
Đánh giá về diễn biến ngắn hạn tuần này, ông cho rằng, VN-Index vẫn đang được hỗ trợ ở quanh mốc 1.277 điểm, cùng với khối lượng giao dịch của tuần này đang được duy trì cao hơn so với tuần trước, đây sẽ là bước đệm để giúp VN-Index không gặp biến động mạnh trong 2 phiên tới.
Song, áp lực bán ròng kỷ lục từ khối ngoại cũng sẽ là rủi ro của thị trường trong giai đoạn này khi mà thị trường đã tăng gần 14% tính từ đầu năm 2024.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng, thị trường còn đang chờ kết quả kinh doanh quý 2 để giới đầu tư có thêm cơ sở quyết định giao dịch cổ phiếu.
Có thể thấy, thị trường chưa có quá nhiều tín hiệu tích cực khiến tâm lý e dè, giằng co kéo dài thời gian qua. Nhà đầu tư cần thận trọng khi giao dịch trong thời điểm này.