pnvnonline@phunuvietnam.vn
VN-Index mất mốc 1.200 điểm trước thềm nghỉ lễ
VN-Index tiếp tục lao dốc hơn 22 điểm, mất mốc 1.200 điểm trước thềm nghỉ lễ. Ảnh minh hoạ: NLĐ.
VN-Index giảm 3 phiên liên tiếp, mất 80,59 điểm
Phe bán tiếp tục chiếm ưu thế, VN-Index lao dốc hơn 22 điểm, mất mốc 1.200 điểm trước thềm nghỉ lễ. Sự thận trọng của nhà đầu tư trong phiên đáo hạn khiến thanh khoản giảm mạnh, thị trường thiếu đà hỗ trợ.
Ngay phiên trước đó, VN-Index từng trải qua phiên biến động mạnh vào hôm qua (16/4), chỉ số giảm mạnh gần 25 điểm về 1.191,73 điểm, nhưng đã kịp về lại mốc 1.200 điểm, lên 1.215,7 điểm.
Trong phiên hôm nay, VN-Index đột ngột giảm mạnh chỉ trong nửa tiếng cuối phiên, chốt phiên với 1.193,01 điểm, giảm 22,67 điểm, tương đương với 1,86%.
Thanh khoản thị trường đạt 19.106 tỷ đồng, tương ứng với 859 triệu cổ phiếu, thấp hơn thanh khoản trung bình 1 tháng qua.
Riêng sàn HOSE, 137 mã tăng điểm, 348 mã giảm (trong đó 8 mã chạm sàn) và 57 mã đi ngang. Đa số các ngành đều chìm trong sắc đỏ, chỉ có 4/25 ngành giữ được sắc xanh, gồm: chăm sóc sức khoẻ, thực phẩm đồ uống, thủy sản và dịch vụ tư vấn hỗ trợ.
Như vậy, trong 3 phiên liên tiếp vừa qua (từ 15-17/4/2024), VN-Index liên tục giảm tới 80,59 điểm (từ 1.273,6 điểm xuống còn 1.193,01 điểm.
Cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, ngân hàng bị bán mạnh
Loạt cổ phiếu ngân hàng và nhóm VN30 đóng vai trò làm lực cản mạnh cho VN-Index, cụ thể: VPB (VPBank, HOSE) giảm 3,2%, MBB (MBBank, HOSE) giảm 3,35%, VIC (Vingroup, HOSE) giảm 3,02%, TCB (Techcombank, HOSE) giảm 1,43%, ACB (ACB, HOSE) giảm 1,47%,…
Ở chiều ngược lại, chủ yếu nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đóng góp cho xu hướng tích cực của VN-Index, cùng một số cổ phiếu lớn khác: MSN (Masan, HOSE) tăng 1,06%, VNM (Vinamilk, HOSE) tăng 0,31%, QCG (Quốc Cường Gia Lai, HOSE) tăng 6,71%…
Đồng thời, một số cổ phiếu ngân hàng ngược dòng tăng mạnh. Điển hình với LPB (LPBank, HOSE) tăng mạnh với 3,34%, khớp lệnh với 15,3 triệu đơn vị, dẫn đầu nhóm cổ phiếu đóng góp tích cực cho thị trường. Đây cũng là phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp của LPB, trước đó, LPB đã tăng 4,01% giá trị tại sàn vào phiên hôm qua (17/4).
Trạng thái tích cực này xuất hiện ngay sau khi LPBank đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với nhiều kế hoạch mới: phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng, đề xuất đổi tên: Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam.
Ngoài ra, OCB (OCB, HOSE), NAB (Nam Á Bank, HOSE) và SSB (SeaBank, HOSE) cùng tăng nhẹ, lần lượt là 0,73%; 0,64%; 0,23%,…
Đáng chú ý, cổ phiếu của CEO Như Loan - QCG (Quốc Cường Gia Lai, HOSE) vẫn tăng liên tiếp 4 phiên qua, tăng "trần" hơn 6,7% trong phiên hôm nay, đạt thị giá 16.700 đồng/cp.
Trước bối cảnh này, ghi nhận nhiều trạng thái trái chiều từ giới đầu tư. Một bộ phận lo ngại kịch bản 8 tháng trước (cuối tháng 9/2023) sẽ lặp lại, như vậy thị trường sẽ mấy thêm một thời gian dài nữa mới hồi phục được. Cùng lúc đó, nhiều nhà đầu tư tranh thủ bắt đáy phiên giảm mạnh 60 điểm đầu tuần thì đến phiên hôm nay vẫn chưa thể sinh lời, thậm chí còn lỗ hơn khi cổ phiếu tiếp tục giảm sâu. Một số nhà đầu tư khác thở phào nhẹ nhõm vì đã kịp đẩy hàng, chốt lời về trước biến động của thị trường.