pnvnonline@phunuvietnam.vn
VN-Index tăng hơn 60 điểm 2 tuần liên tiếp, thị trường trở về thời kỳ hoàng kim?
Ảnh minh hoạ
Dòng tiền trở lại nhưng lo ngại vẫn còn
Tính tới thời điểm này, thị trường chứng khiến đà tăng mạnh mẽ của VN-Index sau thời gian dài ảm đạm, tăng hơn 60 điểm chỉ sau gần 2 tuần giao dịch, đạt 1.284 điểm, thanh khoản trở về mức trung bình hơn 20.000 tỷ đồng.
Trước diễn biến tích cực như hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ tâm trạng phấn khởi khi quay trở lại thị trường sau một thời gian dài "đứng ngoài" vừa qua.
Chị Thu Phương (29 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Sau đà tăng tích cực vào tuần vừa qua, tôi đã quyết định quay trở lại thị trường vào đầu tuần này, mặc dù diễn biến sang tuần có phần kém sôi động so với tuần trước nhưng cũng vì thế mà tôi mua được một số cổ phiếu mong muốn với mức giá hợp lý hơn".
Cùng lúc đó, chị Hồng Anh (36 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì lại quyết định hạ tỷ trọng cổ phiếu khi diễn biến mức giá tăng mạnh: "Cổ phiếu tôi đang nắm giữ khởi sắc, đủ để thu lãi về nên tôi quyết định chốt lời để gom thêm một số mã cổ phiếu khác có tiềm năng khác".
Thực tế, mặc dù tâm lý chung của thị trường đã phần nào trở nên tích cực hơn khi đà tăng được duy trì tới tuần này sau phiên bùng nổ vào ngày 16/8 vừa qua, nhưng một số nhà đầu tư khác vẫn tỏ ra lo ngại.
Theo các chuyên gia đánh giá, tâm lý này hoàn toàn dễ hiểu khi VN-Index gần chạm đỉnh 1.300 điểm cùng với tâm lý ảm đạm trước kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Kết phiên trước kỳ nghỉ lễ dài (30/8), VN-Index chốt phiên với 1.283,87 điểm, tăng nhẹ 0,19%, thị trường xuất hiện tâm lý giằng co với 202 mã tăng (2 mã tăng trần) và 180 mã giảm (1 mã nằm sàn) và 101 mã đi ngang. Thanh khoản khiêm tốn về ngưỡng 13.500 tỷ đồng trong tâm lý chung của thị trường trước mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết.
Với kinh nghiệm đầu tư lâu năm tại sàn chứng khoán, chị Kiều Anh (42 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: "Thị trường thường sẽ xuất hiện tâm lý chốt lời trong ngắn hạn sau đà tăng nóng, nhiều cổ phiếu tăng mạnh, khả năng chốt lời cao. Hơn nữa, chỉ số hiện nay đang giao dịch quanh vùng điểm của giai đoạn 2021 - 2022, thời kỳ hoàng kim của thị trường, ngay sau đó là "cú trượt dài" của VN-Index kéo dài tới hết năm 2023 nên tôi cũng có phần thận trọng hơn trong giao dịch. Nhưng dù sao tôi cũng có kỳ vọng thị trường sẽ vượt qua được mốc 1.300 điểm trong thời gian tới".
So với thời điểm này 1 năm trước, thị trường giao dịch tại vùng 1.180 điểm, như vậy chỉ số hiện tại đã tăng khoảng 100 điểm, giao dịch quanh vùng điểm của năm 2022 và còn hạn chế so với "thời hoàng kim" của thị trường chứng khoán vào năm 2021 là khoảng 50 điểm (1.300 điểm).
Lịch sử năm 2022 có lặp lại?
Thực tế, VN-Index từng đóng cửa ở đỉnh lịch sử là 1.528,57 điểm ngày 6/1/2022. Mức đóng thấp nhất năm 2022 là 911,9 điểm vào ngày 15/11/2022, tương đương mức giảm 40,34%. Đây là mức giảm mạnh nhất thế giới.
Nhìn lại thời kỳ đỉnh cao nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2022, năm 2022 có thể xem là một năm đầy thử thách đối với cả nhà đầu tư chứng khoán và các chủ doanh nghiệp. Đây là một năm đầy biến động, bất ngờ và nhiều biến cố, chỉ số VN-Index giảm mạnh 33%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Điều này phần nào khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại, liệu lịch sử lao dốc có lặp lại?
Bà Kim Dung - chuyên viên tư vấn, Hội sở Chứng khoán Mirae Asset - cho biết: Để đánh giá chính xác thị trường có nguy cơ lặp lại đà lao dốc này hay không, cần hiểu được rõ nguyên nhân vì sao chỉ số rơi thảm trong năm 2022.
Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc vào năm 2022 chủ yếu từ 2 nguyên nhân chính: Các sự kiện thanh trừng vi phạm thao túng làm giá cổ phiếu (bắt cựu Chủ tịch FLC - Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh, Louis…), Chính phủ can thiệp kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp và vụ án Vạn Thịnh Phát… Cả hai sự kiện trên đều dẫn tới một hệ quả đó chính là dòng tiền trên thị trường chứng khoán bị rút ra mạnh và đột ngột.
Song, với tình hình hiện tại, thị trường đã có sự thắt chặt hơn về mặt pháp lý, các vụ thao túng cổ phiếu được "đưa ra ánh sáng", xử lý nghiêm. Điều này giúp thị trường trong sạch hơn, tạo niềm tin đối với giới đầu tư, áp lực thị trường được giảm đi đáng kể.
Cùng với đó là áp lực bán tháo cổ phiếu trên thị trường để thu tiền về mua lại trái phiếu doanh nghiệp là không còn; câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm nay được quan tâm nhiều hơn, giúp tiền đề cho thị trường phát triển minh bạch, chuẩn hóa thông tin.
Do vậy, với những yếu tố trên, lịch sử lao dốc khó có thể xảy ra với VN-Index.
Bà Dung nhấn mạnh, theo đà tăng từ phiên bùng nổ, thị trường đang được kỳ vọng sẽ phục hồi về vùng 1.280 - 1.300 điểm và bước vào giai đoạn tích lũy tương đối, chuẩn bị cho cơ hội bứt phá mốc 1.300 điểm sau 3 năm. Các rủi ro trung và dài hạn trên thị trường đang dần giảm bớt, điều này đã được phản ánh trong thời gian qua.
Nhiều yếu tố đang có tác động tích cực tới thị trường, gồm: tâm lý nhà đầu tư trở lại bình ổn; thanh khoản và khối lượng giao dịch tích cực hơn; lợi nhuận các doanh nghiệp qua báo cáo tài chính quý 2 đã tăng trưởng tốt, thị trường có sự đồng thuận… Tuy nhiên, xu hướng dòng tiền vẫn là các nhóm ngành nổi bật, dẫn dắt thị trường, vốn hóa lớn như: Chứng khoán, Bất động sản, Đầu tư công…
Thị trường đang đổ dồn sự quan tâm vào dự báo khả năng cao Fed giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25%) trong tháng 9 này. Động thái này sẽ giúp vấn đề về lãi suất và tỷ giá trở nên bình ổn hơn. Trong giai đoạn sắp tới, mặc dù điểm số thị trường chung có thể không biến động nhiều (vùng mục tiêu 1.280 - 1.300) nhưng điều kiện đầu tư dự kiến sẽ rất thuận lợi cho các cổ phiếu doanh nghiệp tốt hồi phục nhanh với định giá quay trở lại vùng hấp dẫn.
Ngoài ra, câu chuyện nâng hạng thị trường cũng là yếu tố giúp thị trường được kỳ vọng, thúc đẩy đà tăng trong năm nay. Bởi thị trường chứng khoán phản ánh tăng trưởng thực của kinh tế và với thị trường còn "non trẻ" cùng nhiều động lực triển vọng nâng hạng sẽ giúp đà tăng dài hạn của thị trường bền vững hơn.
Theo bà Dung, trong ngắn hạn, thị trường sẽ có nhiều cổ phiếu riêng lẻ tiếp tục đà tăng như nhóm Bán lẻ, Bất động sản... bởi sự đồng thuận đều cũng như thanh khoản thị trường vẫn chưa đủ sức để lan tỏa đến các ngành khác.