VNVC ra mắt và triển khai tiêm vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm B thế hệ mới

Lan Anh
23/02/2024 - 14:48
VNVC ra mắt và triển khai tiêm vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm B thế hệ mới

Tiêm phòng vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm B thế hệ mới tại VNVC

VNVC ra mắt và triển khai tiêm vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm B thế hệ mới, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, bảo vệ sớm hơn cho trẻ em và người lớn trước bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Ngày 23/2, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cùng Tập đoàn dược phẩm GSK (Anh) chính thức ra mắt và triển khai tiêm vắc xin thế hệ mới phòng viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu nhóm B (Neisseria meningitidis B) gây ra.

Sau gần 40 năm kể từ khi vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm B, C (Cuba) ra đời trên thế giới và đưa vào sử dụng nhiều năm, đây là lần đầu tiên Việt Nam mới có thêm một loại vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm B tương tự, được sản xuất theo công nghệ mới, tăng cao hiệu quả bảo vệ và độ an toàn khi sử dụng.

Theo bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng của Hệ thống tiêm chủng VNVC, là đối tác chiến lược toàn diện của GSK với những hợp đồng đặt mua vắc xin số lượng lớn trong nhiều năm, VNVC là hệ thống trung tâm tiêm chủng đầu tiên tại Việt Nam có vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm B thế hệ mới do GSK sản xuất tại Ý.

VNVC ra mắt và triển khai tiêm vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm B thế hệ mới - Ảnh 1.

VNVC và GSK ra mắt vắc xin viêm não mô cầu nhóm B thế hệ mới

Tại lễ ra mắt, bà Elena De Angelis, Giám đốc Y khoa Quốc gia, Công ty GSK Việt Nam cho biết, GSK có lịch sử 140 năm phát triển vắc xin với sứ mệnh góp phần giảm thiểu bệnh tật và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Loại vắc xin mới này được đưa vào sử dụng tại Việt Nam kỳ vọng giảm thiểu tác động tàn khốc của bệnh viêm màng não do não mô cầu, đặt mục tiêu bảo vệ hơn một triệu trẻ sơ sinh Việt Nam khỏi căn bệnh này bằng vắc xin trong 5 năm tới.

Đại diện GSK tự hào khi hợp tác với đối tác chiến lược là Hệ thống tiêm chủng VNVC - một hệ thống trung tâm tiêm chủng đáng tin cậy, để đảm bảo khả năng tiếp cận y tế nhanh hơn và mở rộng phạm vi tiêm chủng. "Bằng sự hợp tác này, chúng ta có thể cùng nhau bảo vệ con người khỏi các bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả", bà Elena De Angelis phát biểu.

Vắc xin phòng viêm màng não mô cầu B thế hệ mới được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 2 tháng tuổi và người lớn đến 50 tuổi. Việc tiêm sớm cho trẻ em và mở rộng tuổi chỉ định đến tận 50 tuổi sẽ giúp thêm nhiều người được bảo vệ trước căn bệnh nguy hiểm này, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao là trẻ nhỏ và nhóm thường bị bỏ quên tiêm chủng như thanh thiếu niên, người lớn, người có bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, thận mãn tính…

Như vậy, cùng với vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm ACYW, vắc xin phòng viêm não Nhật Bản, vắc xin phòng phế cầu khuẩn 10, 13 nhóm…, vắc xin thế hệ mới phòng viêm màng não do não mô cầu B (GSK sản xuất tại Ý) đã tương đối hoàn thiện tấm lá chắn phòng các bệnh viêm não, viêm màng não nguy hiểm do virus, vi khuẩn gây ra cho trẻ em và người lớn.

Não mô cầu có thể gây tử vong đột ngột, chỉ trong vòng 24 giờ

Bệnh viêm màng não do não mô cầu (nhóm B) là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ từ khi phát bệnh hoặc gánh nặng tàn tật suốt đời cho người sống sót như đoạn chi, điếc, mù lòa, chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ... Bệnh còn nguy hiểm khi thường được phát hiện muộn, dễ nhầm lẫn trong chẩn đoán dẫn đến khó điều trị kịp thời. Trẻ càng nhỏ, các dấu hiệu càng khó nhận diện.

VNVC ra mắt và triển khai tiêm vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm B thế hệ mới - Ảnh 2.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, người dân được tiêm vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm B thế hệ mới

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp. Vi khuẩn tồn tại trong vùng hầu họng, mũi và lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, nước bọt từ người mang mầm bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não và 135.000 ca tử vong do vi khuẩn não mô cầu. Tại Việt Nam, theo thống kê từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, viêm màng não mô cầu có tỷ lệ mắc cao, lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Đây là một trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất nước, lên đến 0,03/100.000 dân. Mỗi năm, nước ta vẫn ghi nhận hàng chục ca mắc viêm màng não do não mô cầu các nhóm khác nhau.

Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm khớp, viêm tai giữa, viêm màng ngoài tim... Trong đó viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết là hai bệnh thường gặp và diễn tiến đột ngột nhất, có thể dẫn tới tử vong chỉ trong vòng 24 giờ. Chưa kể, bệnh để lại gánh nặng lớn về tinh thần, kinh tế cho người bệnh và người thân trong gia đình; chi phí điều trị cho một ca viêm màng não mô cầu rất tốn kém.

Vắc xin phòng viêm màng não mô cầu B thế hệ mới hiệu quả bảo vệ lên đến 94%

Vi khuẩn não mô cầu có 12 nhóm khác nhau có khả năng gây bệnh, trong đó A, B, C, Y và W135 là 5 nhóm gây bệnh thường gặp và nguy hiểm nhất. Vắc xin thế hệ mới được chứng minh có hiệu quả lên đến 94% phòng bệnh viêm màng não mô cầu xâm lấn do vi khuẩn Neisseria meningitidis B gây ra.

VNVC ra mắt và triển khai tiêm vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm B thế hệ mới - Ảnh 3.

Vắc xin viêm màng não mô cầu nhóm B thế hệ mới tại VNVC

Vắc xin được nghiên cứu và sản xuất theo công nghệ hiện đại, tiếp cận dựa trên hệ gen của vi khuẩn não mô cầu để phát triển vắc xin (reverse vaccinology), chứa bốn thành phần kháng nguyên cung cấp khả năng tiêu diệt hiệp đồng cao, bền vững và cho phép bao phủ chủng rộng.

Ngoài công nghệ sản xuất tiên tiến có hiệu quả cao hơn, vắc xin mới còn bảo vệ sớm khi tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi, sớm hơn vắc xin phòng não mô cầu trước đây tại Việt Nam được tiêm cho trẻ từ 6 tháng hoặc 9 tháng tuổi. Trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 2 tuổi cần tiêm 2 mũi cơ bản và một mũi nhắc lại. Trẻ từ 2 tuổi và người lớn đến 50 tuổi chỉ cần tiêm 2 mũi.

Vắc xin não mô cầu B thế hệ mới có thể tiêm đồng thời với các vắc xin có thành phần bạch hầu, ho gà vô bào, uốn ván, Hib, bại liệt bất hoạt, viêm gan B, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu và não mô cầu cộng hợp nhóm A, C, Y, W.

"Ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện và giảm nồng độ kháng thể bảo vệ từ mẹ dẫn đến khả năng diệt khuẩn thấp là nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn. Nhóm trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất so với các nhóm tuổi khác, đặc biệt là nhóm dưới 5 tháng tuổi. Việc tiêm sớm vắc xin cho trẻ ngay từ 2 tháng tuổi sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cũng như di chứng do não mô cầu nhóm B gây ra", bác sĩ Chính phân tích.

Để phòng bệnh do não mô cầu khuẩn, các chuyên gia khuyến cáo trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn, nhất là người mắc các bệnh lý mạn tính cần tiêm vắc xin phòng ngừa sớm. Các nhóm huyết thanh phòng các chủng gây viêm màng não không phòng ngừa chéo, nên dù trẻ đã được chủng ngừa nhóm B vẫn hoàn toàn có thể nhiễm nhóm A, C, Y và W. Do đó, ngoài tiêm vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu nhóm B, người dân vẫn cần chú ý tiêm thêm vắc xin phòng nhóm A, C, Y và W.

Tính đến tháng 7/2023, vắc xin thế hệ mới phòng viêm màng não do não mô cầu B (GSK sản xuất tại Ý) đã được phê duyệt tại 52 quốc gia, trong đó 14 nước đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia như Anh, Ý, Bồ Đào Nha…

Hiện vắc xin này đã có mặt tại 165 trung tâm VNVC trên toàn quốc. Ngay trong ngày 23/2, VNVC đã triển khai tiêm vắc xin này cho hàng nghìn trẻ em và người lớn trên toàn quốc, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi loại vắc xin phòng viêm màng não mô cầu B, C của Cuba đã ở trong tình trạng khan hiếm khá lâu trên thị trường khiến nhiều trẻ em chưa được tiêm vắc xin này theo phác đồ.

Trước đó, nhiều loại vắc xin quan trọng của GSK như vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa, vắc xin phế cầu Synflorix, vắc xin tiêu chảy cấp Rotarix, vắc xin ho gà - bạch hầu - uốn ván Boostrix, vắc xin thuỷ đậu Varilrix… cũng đã được triển khai tiêm chủng tại Hệ thống VNVC, bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu trẻ em và người lớn ở Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm