Vợ bán tạp hóa, khi chia tài sản ly hôn có được giữ lại sạp hàng?

01/10/2018 - 18:57
Thấy tôi đề cập tới chuyện ly hôn đơn phương, chồng tôi dọa sẽ đòi chia đều hết tài sản trong đó có sạp hàng ngoài chợ. Vậy khi chia tài sản ly hôn tôi có được giữ lại sạp hàng?
anh123.jpg
Ảnh minh họa

 

Hỏi: Chồng tôi trước đây làm công nhân, còn tôi có 1 sạp hàng tạp hóa bán ngoài chợ. Một năm trước, chúng tôi bàn nhau mua xe để chồng chạy grab taxi. Gần đây tôi phát hiện chồng mình ngoại tình và anh cũng thừa nhận. Tôi kiên quyết đề nghị ly hôn nhưng chồng tôi không đồng ý. Thấy tôi đề cập tới chuyện ly hôn đơn phương, chồng tôi dọa sẽ đòi chia đều hết tài sản trong đó có sạp hàng ngoài chợ. Nghe anh ta nói vậy tôi cũng lo vì đây là nguồn thu nhập chính lâu nay và ly hôn, tôi nhận nuôi con thì cửa hàng là nơi mấy mẹ con tôi trông cậy. Tuy nhiên, tôi cũng không thể tiếp tục chung sống với người chồng không chung thủy kia được nữa. Trường hợp này nếu tôi đơn phương ly hôn mà phải chia tài sản thì tôi có được giữ lại sạp hàng không?

                                                                               Nguyễn Thị Hải Thanh (Hương Khê, Hà Tĩnh)

                                                                                         

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014, khi ly hôn tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau:

 

Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

 

Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

 

Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

 

Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

 

Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-NKSNDTC-BTP hướng dẫn việc phân chia tài sản khi ly hôn. Theo đó, tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như hoàn cảnh gia đình, công sức đóng góp, lỗi của các bên và nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.

 

Điểm c, khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01 hướng dẫn cụ thể như sau: “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập” là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch.

 

Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

 

Trong trường hợp như chị trình bày, nếu giữa chị và chồng chị không thỏa thuận được việc phân chia tài sản thì đề nghị của chị về việc được tiếp tục giao sạp hàng ngoài chợ cho chị là một lý do chính đáng để tòa án xem xét giải quyết khi phân chia tài sản của vợ chồng chị. Còn chồng chị sẽ được giao chiếc xe anh ta đang chạy chở khách hằng ngày. Tất nhiên, giá trị tài sản được giao của bên nào lớn hơn thì phải thanh toán phần chênh lệch cho bên kia.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm