pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vở "Chí Phèo" - Dấu ấn mới của kịch truyền thanh

Các diễn viên tham gia vở diễn “Chí phèo”
+ Vì sao kịch truyền thanh ra đời vào thời điểm này, thưa đạo diễn?
Đội ngũ Lóc Kóc Leng Keng (LKLK) có sứ mệnh dùng âm thanh để kể chuyện, khơi gợi cảm xúc và kích thích trí tưởng tượng của mỗi người. Chúng tôi nghĩ rằng dự án "Kịch truyền thanh by LKLK" ra đời là do duyên.
Ý tưởng của dự án đã được tôi cùng đồng sáng lập là Lương Bỉnh Khôi ấp ủ từ lâu nhưng phải đúng thời điểm thì mới có thể thực sự bắt tay vào được.
Tiêu chí chúng tôi đặt ra cho đội ngũ chính là việc diễn "sống" 100%, thế nên tất cả các thành phần, từ giọng nói, tiếng động, âm thanh môi trường, quần chúng, âm nhạc cho đến đội ngũ kỹ thuật âm thanh diễn "live" đều phải được đào tạo cho dự án này.
+ Theo anh, dự án kịch truyền thanh có gì mới so với các thể loại kịch hiện nay?
Kịch truyền thanh không phải là loại hình mới, đây là loại hình đã ra đời từ giai đoạn hoàng kim của phát thanh. LKLK quay ngược lại quá khứ để mượn hình thức này nhằm truyền tải câu chuyện.
Tuy nhiên, điểm mới của chúng tôi là sự kết hợp các thành phần âm thanh được thực hiện trực tiếp trên sân khấu mà không sử dụng audio thu sẵn. Ở đây yếu tố âm thanh sẽ hỗ trợ khán giả "thấy" được thế giới câu chuyện và các nhân vật trong thế giới đó.
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng ánh sáng để giúp khán giả chỉ thấy những điều cần thấy.
+ Vì sao nhóm chọn tác phẩm "Chí Phèo" để chuyển thể đầu tiên? Sau "Chí Phèo", sẽ có tác phẩm văn học kinh điển nào được chuyển thể qua kịch truyền thanh nữa?
"Chí Phèo" của Nam Cao là một tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam. Chúng tôi có những lý do để lựa chọn tác phẩm này để chuyển thể. Thứ nhất là sự yêu mến của đội ngũ đối với tác phẩm.
Thứ hai, "Chí Phèo" là một tác phẩm khả thi để có thể truyền tải đến khán giả bằng phương tiện âm thanh. Thứ ba, đội ngũ của chúng tôi có làm khảo sát trên diện rộng đối với các bạn trẻ và những người yêu văn học.
Kết quả trả về cho thấy, "Chí Phèo" là một ứng viên "nặng ký". "Chí Phèo" là vở đầu tiên trong dự án chuyển thể các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam sang loại hình kịch truyền thanh của LKLK.
Có nhiều tác phẩm văn học kinh điển được nhóm ấp ủ để chuyển thể sang kịch truyền thanh và chúng tôi mong rằng sẽ có đủ nguồn lực để có thể đi đường dài với dự án này.

Đạo diễn Vũ Phúc Ân
"Ông Tây" Chí Phèo
+ Vai diễn Chí Phèo khá "nặng kí" nhưng vì sao nhóm lại chọn diễn viên không chuyên và là người nước ngoài?
Ban đầu, vai diễn Chí Phèo được giao cho diễn viên trẻ Hoàng Luân. Tuy nhiên, thời điểm sau Tết, Luân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự nên chúng tôi buộc phải tìm kiếm một Chí Phèo khác.
Vì đây là loại hình chú trọng đến việc kể chuyện bằng âm thanh, chúng tôi muốn đánh bật khán giả ra khỏi phần nhìn để họ có thể sử dụng thính giác phần lớn. Một ông Tây xuất hiện trong vai diễn này sẽ là yếu tố đánh bật hiệu quả.
Nhiều người biết đến Aaron Toronto là một nhà sản xuất, đạo diễn điện ảnh người Mỹ với bộ phim "Đêm tối rực rỡ" thế nhưng ít người biết rằng, anh ấy đã có một thời gian rất dài hoạt động ở mảng sân khấu. Anh cũng là người sáng lập sân khấu kịch Eclipse đang hoạt động tại TPHCM.
Chính những yếu tố đó là cơ sở để anh bắt nhịp rất nhanh với ê-kip mặc dù là người sau cùng tham gia dự án. Anh Aaron đã ở Việt Nam hơn 20 năm. Anh ấy am hiểu văn hóa, con người Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi đã trò chuyện, trao đổi với nhau rất nhiều về tác phẩm này.
Aaron một người thích học hỏi. Tất cả những gì chưa rõ, anh ấy đều cố gắng tìm hiểu ngọn ngành. Anh ấy sống ở TPHCM, nói giọng miền Nam nên chúng tôi phải tập cho Aaron nói giọng Bắc.
Sự khó khăn khi phát âm giọng Bắc đó lại rất phù hợp để hóa thân vào một Chí Phèo lè nhè, thường xuyên ở trạng thái say khướt. Như vậy, ban đầu từ trực quan mách bảo cho đến những yếu tố thực tế kể trên, chúng tôi đã quyết định đặt trọn niềm tin với Aaron Toronto vào vai diễn Chí Phèo.
Trong đêm công diễn, Aaron đã thật sự hóa thân thành Chí Phèo và khiến nhiều khán giả xúc động.
+ Một trong những điểm thú vị của vở diễn "Chí Phèo" là diễn viên chuyên nghiệp đứng cùng những bạn trẻ. Có gì thú vị trong sự phối hợp này, thưa anh?
Đây là dự án khá thú vị về biên độ tuổi cùng kinh nghiệm của nhân sự thực hiện. Các nghệ sĩ không ngại tốn thời gian tập luyện để đạt được hiệu quả ưng ý nhất theo yêu cầu từ đạo diễn. Họ cũng hỗ trợ các bạn trẻ những kiến thức, kinh nghiệm về nghề.
Chúng tôi có khoảng 3 tháng thực hiện "trại huấn luyện". Đó là thời gian tập trung đội ngũ, chia sẻ kiến thức, mục tiêu chung.
Chúng tôi mời rất nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, phim ảnh như đạo diễn điện ảnh, truyền hình Trần Ngọc Phong, NSƯT Phạm Huy Thục, nghệ sĩ tiếng động Trần Anh Tuấn, biên kịch Lê Hoàng Giang, đạo diễn sân khấu Võ Cẩm Tiên, chuyên gia truyền thông như Từ Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thanh Thùy… Chúng tôi có những ngày tập luyện căng thẳng kéo dài.
Các bạn trẻ trong dự án là sinh viên chuyên ngành truyền thông của Đại học FPT TPHCM. Sự kiện quảng bá loại hình này đến công chúng chính là đồ án tốt nghiệp của nhóm bốn bạn, gồm Thảo Ly, Khánh Linh, Như Mai, Thanh Tâm. Tất cả các bạn trẻ trong đội ngũ đến với loại hình nghệ thuật này từ con số 0.
Các NSƯT, diễn viên chuyên nghiệp cũng tham gia dự án với một tinh thần rất trẻ. Mọi người coi nhau như người một nhà và chúng tôi tự hào nói rằng vở "Chí Phèo" là do "của nhà trồng được".
+ Nhóm có mong muốn gì để những vở kịch truyền thanh đến gần hơn với công chúng?
Chúng tôi hiểu rằng điều cuối cùng của tác phẩm chính là "chạm" được đến khán giả. LKLK mang một loại hình mới để kể chuyện, với tinh thần luôn lắng nghe những góp ý quý báu từ khán giả để điều chỉnh tác phẩm ngày một tốt hơn.
Chúng tôi mong muốn có được nhiều cơ hội biểu diễn loại hình nghệ thuật này đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên để có thể mang vở kịch truyền thanh "Chí Phèo" đến với các bạn như một hoạt động ngoại khóa thú vị.
+ Cảm ơn anh đã chia sẻ!