pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vợ chồng 5 năm mòn mỏi chờ con, ngày đi khám vợ trẻ giật mình trước kết luận của bác sĩ
Khi nhắc về những trường hợp hiếm muộn do bị lạc nội mạc tử cung và phải thụ tinh ống nghiệm (IVF), nam bác sĩ hiếm muộn Thân Trọng Thạch - Giảng viên bộ môn Sản - Đại học Y dược TP.HCM nhớ như in về trường hợp chị T.T.N.M (*), 30 tuổi bị lạc nội mạc tử cung buồng trứng 2 bên.
Theo bác sĩ Thạch cho biết, chị M lập gia đình đã 4 năm, vợ chồng chị thả tự nhiên nhưng không có thai. Khám kiểm tra 2 vợ chồng bình thường chỉ có M là có nang lạc khá to ở cả 2 bên buồng trứng và lạc nội mạc trong cơ tử cung. Dự trữ buồng trứng bắt đầu giảm dù M mới 30 tuổi.
Sau khi thăm khám cho người phụ nữ này, bác sĩ Thạch đã tư vấn M không phẫu thuật (M có xin bác sĩ phẫu thuật) mà tiến hành điều trị hiếm muộn. Bác sĩ Thạch đề nghị M nên làm IVF luôn vì lo ngại sẽ giảm dự trữ buồng trứng nặng hơn nếu kéo dài do nang lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên M chưa muốn làm IVF mà muốn thử tự nhiên vài chu kỳ.
Sau mổ M được tiến hành chuyển phôi ngay và may mắn cô có thai ở lần chuyển phôi đầu tiên này (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Thạch đã tiến hành thử nghiệm kích thích buồng trứng nhẹ và giao hợp tự nhiên 03 chu kỳ nhưng đều thất bại. Vì thế bác sĩ giàu kinh nghiệm này nghi ngờ M có polyp nội mạc tử cung nên cho đi siêu âm bơm nước buồng tử cung. Quả thật, M có polyp kích thước 10x8mm. Do đó, giải pháp cần làm là nội soi cắt polyp kèm theo IVF trữ phôi toàn bộ, chuyển phôi sau cắt polyp.
Được biết quá trình IVF tiến hành thuận lợi, dù cản trở bởi 2 nang lạc nội mạc nhưng số trứng lấy ra vẫn đủ để tạo được 5 phôi N3. Sau đó bác sĩ Thạch đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt đốt polyp lòng tử cung nhưng vẫn không bóc nang lạc nội mạc tử cung cho M.
Sau mổ M được tiến hành chuyển phôi ngay và may mắn cô có thai ở lần chuyển phôi đầu tiên này. Thai kỳ của M diễn ra trong bối cảnh dịch Covid nên khá vất vả. Tuy nhiên điều may mắn M không bị nhiễm lần nào và thai kỳ hoàn toàn bình thường.
“Trước khi mổ lấy thai tôi có thảo luận với M về vấn đề bóc nang lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên M vẫn không muốn bóc do lo sợ suy giảm chức năng buồng trứng sau này. M dự phòng lỡ lần tới chuyển hết 03 phôi còn lại không có thai e vẫn còn trứng để làm IVF lại thay vì phải xin trứng. Là bác sĩ, tôi hoàn toàn tôn trọng quyết định của M”, bác sĩ Thạch nói.
Được biết, sau 5 năm mòn mỏi chờ đợi, cuối cùng vợ chồng M đã được đón con chào đời trong niềm hạnh phúc tột cùng.
Bác sĩ hiếm muộn Thân Trọng Thạch và ê kíp mổ cho sản phụ M.
Vì sao lạc nội mạc tử cung lại khiến chị em khó có bầu tự nhiên?
Theo bác sĩ Thạch, lạc nội lạc tử cung làm nhiều chị em khó thụ thai tự nhiên vì:
- Gây nhu động nghịch thường tử cung
- Thay đổi nội mạc tử cung, môi trường làm tổ phôi bị ảnh hưởng
- Dính và tắt 2 ống dẫn trứng
- Lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng làm giảm dự trữ buồng trứng
Ngay cả khi IVF, lạc nội mạc tử cung cũng làm giảm tỷ lệ thành công của IVF do: Co thắt tử cung và môi trường nội mạc tử cung không thuận lợi cho phôi làm tổ.
Bác sĩ Thạch cũng khuyên các chị em bị lạc nội lạc tử cung mà muốn có con thì nên phải thả để có thai tự nhiên càng sớm càng tốt nếu đã có đủ điều kiện để sinh con. Nếu sau 06 tháng thả tự nhiên không có em bé thì nên phải đến bác sĩ hiếm muộn kiểm tra để có giải pháp tốt nhất. Tuyệt đối không nên chọn lựa phẫu thuật là giải pháp đầu tay trong lạc nội mạc tử cung.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.