pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vợ chồng bỏ phố lên Đà Lạt mở quán để lan tỏa tình yêu nhạc Trịnh
Gia đình chị Lê Na - anh Chế Công Dương
Nên duyên nhờ tình yêu nhạc Trịnh
Là một nhà thiết kế thời trang với nghệ danh Thiên Di, chị Lê Na thích sáng tạo những mẫu handmade độc lạ, phụ kiện và những sản phẩm điêu khắc trên da thuộc. Chị có một tình yêu lớn dành cho nhạc Trịnh. Khi còn là sinh viên, Lê Na đã có cơ duyên đến làm việc cho gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại TPHCM. Công việc của chị lúc đó là hỗ trợ tổ chức các đêm diễn nhạc Trịnh, cũng như chuyển các cuốn sách viết về nhạc Trịnh đến với khách hàng. Cứ thế, tình yêu với nhạc Trịnh được bồi đắp trong chị mỗi ngày. Cũng nhờ tình yêu với nhạc Trịnh mà Lê Na có cơ hội gặp người chồng của mình bây giờ.
Chị Lê Na nhớ lại: "Trong quá trình đi làm thêm, hỗ trợ đưa những cuốn sách viết nhạc Trịnh đến khách hàng, tôi gặp anh, một người yêu nhạc Trịnh. Anh đã biết tôi trên mạng và hẹn để nhận cuốn sách đó nên chúng tôi gặp nhau rồi nên duyên".
Khi còn sinh sống và làm việc tại TPHCM, vợ chồng chị đã xây dựng Quán Văn, một quán cà phê nhạc Trịnh được xây dựng theo phong cách cổ điển. Vợ chồng chị đặt tên là Quán Văn để nhắc nhớ trường Đại học Văn Khoa ngày trước, nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay đến hát cùng ca sĩ Khánh Ly. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vợ chồng chị quyết định về quê của anh Dương tại Đà Lạt.
Hành trình mới nhưng phong cách cũ
Gần 12 năm gắn bó với thành phố hoa lệ, chị Lê Na không khỏi bỡ ngỡ, lo lắng khi về vùng đất mới. "Thời gian đầu về quê, tôi cũng hơi tiếc nuối, cảm giác mất mát một điều gì đó rất khó diễn tả. Về đây bắt đầu hành trình mới, mọi thứ phải làm lại từ đầu, chúng tôi phải làm quen khách hàng mới. Quán Văn có gu riêng, nhắm tới những đối tượng thích sự hoài cổ, thích phong cách xưa nên cũng gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, ở thành phố lớn nhịp sống hổi hả, nhộn nhịp quen rồi, nay về Đà Lạt nhịp sống thong dong nên thời gian đầu khó thích nghi. Nhờ "đồng vợ đồng chồng" mà đến hiện tại, mọi khó khăn đã vượt qua. Bây giờ công việc kinh doanh của quán đã vào guồng và phát triển", chị Lê Na tâm sự.
Chị Na chia sẻ thêm, Quán Văn được đặt tại Đà Lạt cũng là một điều may mắn khi phong cách phù hợp với người dân nơi đây. Quán vẫn được xây dựng theo phong cách cổ điển, không gian bình yên, mang đến cho khách hàng cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Nhờ phong cách đặc trưng và tấm lòng của vợ chồng chủ quán mà nhiều khách hàng từ TPHCM thường ghé Quán Văn mỗi khi có dịp lên Đà Lạt. Tình cảm của mọi người dành cho quán đã tiếp thêm động lực cho vợ chồng chị vượt qua khó khăn để duy trì quán.
Lựa chọn bỏ phố về quê của vợ chồng chị Lê Na còn là để cho con được sống gần gũi với thiên nhiên, hưởng không khí trong lành, vợ chồng cùng có những giây phút êm đềm, rời xa khói bụi. "Tôi rất quan tâm đến sức khỏe, vậy nên, khi có con, tôi muốn con được sống trong không khí trong lành, có không gian vui chơi. Tôi mong muốn tuổi thơ của con được trọn vẹn nhất bên ba mẹ", chị Na bộc bạch.
Hiện nay, bên cạnh việc kinh doanh quán cà phê, vợ chồng chị còn dành thời gian để tạo ra nhiều món đồ thủ công mỹ nghệ bằng da. Đó là những sản phẩm như túi xách, ví, là những sản phẩm kết hợp giữa nghệ thuật chế tác thủ công và nghệ thuật điêu khắc trên da thuộc. "Các sản phẩm điêu khắc trên da chúng tôi làm theo đơn đặt hàng. Chúng tôi mong muốn truyền tải câu chuyện, ý tưởng của khách hàng lên sản phẩm, mang lại một đời sống nghệ thuật hơn cho những chiếc túi, ví đã quá đỗi quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Vợ chồng tôi đang có kế hoạch mở một xưởng làm đồ da handmade tại Đà Lạt", chị Na cho hay.
Giờ đây, trong không gian lắng đọng của giữa phố núi mộng mơ, Quán Văn của vợ chồng chị Lê Na đã được nhiều người tìm đến để cùng lắng lòng nhớ về người nhạc sĩ tài hoa - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - qua những giai điệu, ca từ thấm đẫm tình yêu, triết lý nhân văn.