pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vợ chồng cùng vun đắp tổ ấm
Ảnh minh họa
Anh Hoàng Ngọc Anh (Bắc Ninh): Hạnh phúc gia đình không phụ thuộc vào riêng vợ hay chồng
Mỗi người có một bí quyết riêng trong xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình. Tôi không cho rằng, vai trò của người này quan trọng hơn người kia vì hạnh phúc gia đình không phụ thuộc vào riêng người vợ hay người chồng. Thường trong gia đình, nếu người đàn ông là trụ cột về kinh tế thì người phụ nữ lại đóng vai trò nòng cốt trong chăm lo con cái, vun vén gia đình.
Hoặc có những người vợ rất đảm đang, tháo vát, thành công ngoài xã hội nhưng nếu như không có sự hậu thuẫn, chia sẻ của người chồng thì cũng khó mà hạnh phúc viên mãn. Thế nên, vợ chồng, con cái trong gia đình đều bình đẳng và có trách nhiệm chung để tạo dựng tổ ấm.
Tổ ấm gia đình là nguồn gốc của hạnh phúc và sự thăng hoa của mỗi thành viên, đồng thời cũng giúp tạo nên một xã hội văn minh, tốt đẹp, tiến bộ. Khi có một tổ ấm hạnh phúc, các thành viên trong gia đình sẽ có tình yêu, niềm tin và sự ủng hộ lẫn nhau.
Điều này giúp cho họ tự tin, lạc quan và có thể đạt được nhiều thành công hơn trong cuộc sống. Tình yêu và sự quan tâm lẫn nhau của cha mẹ, vợ chồng, con cái là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên gia đình hạnh phúc.
Ngày trước các cụ nói "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" nhưng ngày nay, không có chuyện phân biệt đàn ông hay đàn bà mà cả vợ, chồng cùng các con đều có trách nhiệm trong việc xây nhà, xây tổ ấm.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (Hà Nội): Còn định kiến thì gia đình không có hạnh phúc thực sự
Chăm lo, vun đắp, giữ gìn hạnh phúc gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người luôn hướng tới. "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", hạnh phúc của người này không giống hạnh phúc của người kia.
Không có công thức chung của hạnh phúc nhưng nhìn chung, hạnh phúc gia đình được xây dựng và phát triển dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng, trách nhiệm, đồng hành, chia sẻ, yêu thương giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái…
Nếu trong gia đình tồn tại định kiến và bất bình đẳng thì sẽ không thể có được hạnh phúc thực sự. Cuộc sống muôn màu nên chúng ta không thể đòi hỏi gia đình lúc nào cũng êm đềm, vui vẻ. Mỗi thành viên trong gia đình là một cá thể với cá tính khác nhau, vì thế không tránh khỏi mâu thuẫn, xung đột.
Để hạn chế mâu thuẫn thì mỗi gia đình đều cần phải có những quy tắc chung và các thành viên phải tôn trọng các quy tắc ấy. Những quy tắc này chính là tiền đề để hình thành nếp nhà, xác lập điểm chung giữa các thành viên trong gia đình.
Từng đi qua nhiều cung bậc hỉ - nộ - ái - ố trong cuộc đời nên tôi tin, khi trong gia đình, các thành viên đều có tình yêu thương và tinh thần xây dựng thì dù có trải qua "sóng gió", gặp phải chuyện không được như ý vẫn luôn vững vàng cùng nhau vượt qua, có được hạnh phúc bền lâu.
Mỗi người một quan điểm, một cách ứng xử khác nhau trong mối quan hệ gia đình (gồm có gia đình nhỏ và đại gia đình). Vẫn biết, mỗi gia đình là một tế bào, không ai có thể mang quan điểm của mình để áp đặt cho người khác. Với tôi, tôi cho rằng, đời sống vợ chồng, hạnh phúc gia đình quá bình lặng, không có sắc thái chưa hẳn đã tốt.
Phải có sự va chạm, xung đột thì các thành viên trong gia đình mới có cơ hội hiểu hơn về nhau, từ đó tìm ra được tiếng nói chung và sự đồng thuận trong cuộc sống. Vợ chồng đối diện với thử thách, gian lao mới có sự đồng lòng.
Những va chạm trong đời sống gia đình, tình cảm vợ chồng chính là trải nghiệm để ta biết trân quý tổ ấm của mình hơn.