Tin tổng hợp

Vợ chồng nghệ nhân 'giữ lửa' Trò Kiều trên quê hương Nguyễn Du

08/10/2019 - 10:41 AM
Trong căn nhà nhỏ đơn sơ tại chính mảnh đất nơi sinh ra Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, vợ chồng nghệ nhân dân gian Nguyễn Mậu (72 tuổi, thôn An Mỹ, Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và nghệ nhân ưu tú Trần Thị Phượng (66 tuổi) vẫn ngày đêm “giữ lửa” cho loại hình nghệ thuật đặc biệt của quê hương.
Loại hình diễn xướng của quê hương
Là người dân nước Việt, có lẽ hiếm người không biết đến Truyện Kiều, không biết đến cụ Nguyễn Du. “Đầu lòng hai ả tố nga/Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân/Mai cốt cách, tuyết tinh thần/Mây ghen thua thắm, liễu hơn kém xanh”... là những câu thơ thuộc nằm lòng qua bao nhiêu thế hệ. Chính bởi vậy, mỗi người dân ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh càng thêm tự hảo là cái nôi sinh ra nhà thơ vĩ đại của dân tộc.
 
Kịch bản Trò Kiều được ông Mậu bà Phượng nâng niu và cất giữ cẩn thận
Với lòng say mê và những tình cảm đặc biệt dành cho Truyện Kiều, từ những lần ngâm nga câu hát Kiều, những người dân nơi đây đã sáng tác lên những vở diễn với các nhân vật Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng,… và tạo nên loại hình diễn xướng mà họ quen gọi là Trò Kiều. Trò Kiều có từ lâu lắm rồi và cứ thế âm thầm len lỏi trong dân gian, nhưng tiếc rằng khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều loại hình văn hóa, giải trí mới ra đời thì Trò Kiều lại dần mai một, chỉ còn một số ít nghệ nhân trên quê hương Tiên Điền đến nay vẫn còn tâm huyết và quyết tâm giữ gìn câu hát của ông cha để lại.
Vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Mậu và nghệ nhân Trần Thị Phượng là những người hiếm hoi như thế. Đều là giáo viên về hưu, mái tóc đã điểm bạc, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng đến nay, niềm say mê với câu hát Kiều từ thuở còn nhỏ dường như đã ăn vào máu và vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức của ông bà. Trong căn nhà nhỏ với gia tài là những thùng trang phục, dụng cụ biểu diễn Trò Kiều, ông Mậu nhớ lại: “Tiên Điền là cái nôi Trò Kiều, những năm 1958 - 1960, Trò Kiều phát triển thịnh vượng lắm. Hồi đó, tôi thường đi xem đoàn văn nghệ xã biểu diễn. Sau này, vì điều kiện đất nước chiến tranh nên không còn ai tập, Trò Kiều bị mai một dần, rồi nhiều loại hình văn hóa phát triển làm cho Trò Kiều càng bị lãng quên”.
“Khoảng thời gian đó, kinh tế khó khăn, ai cũng lo cơm áo gạo tiền nên không còn thời gian đi hát, nghe hát nữa. Dù cũng tiếc lắm nhưng cũng không biết làm sao” bà Phượng chia sẻ. Đến khoảng năm 2000, theo chính sách của huyện Nghi Xuân, Trưởng phòng Văn hóa huyện khi đó đã tìm gặp vợ chồng ông bà và đặt vấn đề khôi phục Trò Kiều. “Vì các kịch bản đã mất hết nên việc khôi phục lại là rất khó khăn. Nhưng vợ chồng tôi cũng nghĩ nếu chúng tôi không phục dựng lại thì có lẽ Trò Kiều sẽ đi vào dĩ vàng mãi mãi, như thế thì tiếc lắm. Vậy nên hai vợ chồng lại quyết tâm giữ lấy Trò Kiều, giữ lấy lối diễn trò đậm chất quê hương Tiên Điền, Nghi Xuân” ông Mậu tâm sự.
Giữ lửa” để con cháu còn được nghe hát
Quyết tâm là vậy nhưng khi bắt đầu vào công việc, ông bà không ngờ mọi việc khó khăn đến thế. Những năm 2000, khi gánh nặng nuôi 3 người con ăn học đang đè nặng trên vai, ông bà Mậu vẫn không quản ngại khó khăn, đi khắp làng trên, xóm dưới để tìm những người trước đây đã tập Trò Kiều với hi vọng còn ai nhớ được chút ít rồi gom nhặt từng câu, từng đoạn hát Kiều.
“2 vợ chồng khi có chút thời gian rảnh là tranh thủ đạp xe chở nhau đi khắp các xã, ra tận Hồng Lĩnh, về Xuân Liên, hỏi thăm những người lớn tuổi để góp nhặt những câu hát Kiều còn sót lại trong ký ức của họ về sáng tác, biên soạn lại thành kịch bản hoàn chỉnh. Nhưng thời gian đã lâu, hầu như không ai nhớ được nhiều. Ngay cả chị gái ông Mậu trước đây đã diễn Trò Kiều rất nhiều nhưng đến lúc đó cũng chỉ nhớ được dăm ba làn điệu” – bà Phượng kể.
 
Những thùng trang phục, dụng cụ biểu diễn Trò Kiều là gia tài của vợ chồng ông Mậu - bà Phượng
Song song với việc thu thập từ người ngoài, lần giở lại kí ức trong những lần đóng vai Thúy Vân, Thúy Kiều khi chỉ mới 15-17 tuổi, bà Phượng đã cùng chồng hoàn thiện kịch bản. Cứ thế, chồng sưu tầm, biên soạn, vợ bổ sung rồi tập hát, tập diễn từng trích đoạn. Vừa làm kịch bản, 2 ông bà vừa tìm người tham gia CLB với mong muốn sẽ có những người diễn Trò Kiều, để Trò Kiều thực sự “sống lại” với những vở diễn chứ không chỉ nằm trên những tờ giấy vô tri. Thế nhưng, theo bà Phượng, tìm người không dễ vì người diễn Trò Kiều phải vừa có “thanh”, vừa có “sắc”, vào vai phù hợp mới được. Chẳng phải ai cũng có nét đanh đá của Hoạn Thư, hay vừa đủ dáng đẹp giọng hay để vào vai Thúy Kiều,…
Thế nhưng, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông bà Mậu, CLB Trò Kiều Tiên Điền được ra đời với 16 thành viên do ông Mậu làm chủ nhiệm. Thời điểm đó, hai ông bà vẫn đang là giáo viên nên ngày đi dạy, tối về tập cùng CLB, riêng những hôm cuối tuần, trời mưa, nếu không lao động sản xuất thì CLB sẽ tập cả ngày. Trong các buổi tập, ông bà hỗ trợ nhau để truyền lại từng câu hát, từng cách luyến láy cho các thành viên. Riêng kịch bản biên soạn lại, được ông bà coi như vật báu, vì sợ thất lạc, ông Mậu còn cẩn thận sao ra nhiều bản để cất giữ. Cứ như thế, đến nay CLB đã dần dần khôi phục lại các bài Kiều xưa, ngoài biểu diễn cho bà con xem, CLB cũng tham gia biểu diễn, thi đấu tại các chương trình của huyện, của tỉnh.
Bà Phượng bày tỏ: “Giờ 2 vợ chồng tuổi đã cao nhưng còn sức là sẽ còn tập cho các bạn trẻ. Nhờ được quần chúng mến mộ, đón nhận nên bao nhiêu năm qua, Trò Kiều vẫn luôn có đất diễn và chúng tôi càng hăng say tập luyện hơn. Hy vọng thế hệ trẻ sẽ tiếp nối để đưa Trò Kiều phát triển hơn, để nhiều thế hệ con cháu sau này có thể tiếp tục nghe hát Trò Kiều trên chính quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du.”
Với những đóng góp cho việc phục dựng, hồi sinh nghệ thuật Trò Kiều, năm 2016, ông Mậu được công nhận là nghệ nhân dân gian và mới đây, bà Phượng vừa được phong tặng là nghệ nhân ưu tú. Đó cũng là nguồn động viên, khích lệ to lớn để vợ chồng ông bà tiếp tục cống hiến cho loại hình diễn xướng độc đáo này của người dân xứ Tiên Điền, Nghi Xuân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn