Vợ có được truất quyền thừa kế của chồng không?

Luật sư Phạm Thanh Hữu
20/09/2023 - 14:49
Vợ có được truất quyền thừa kế của chồng không?

Ảnh minh họa

Hỏi: Bạn tôi đang bị ung thư phổi giai đoạn đầu. Bạn tôi định lập di chúc để lại hết tài sản cho các con, truất quyền thừa kế của chồng vì thời gian gần đây, anh ấy hay lăng nhăng với người phụ nữ khác. Vậy có được hay không? Hoàng Chiêu Sa (Khánh Hòa)

Về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Hữu (THƯ VIỆN PHÁP LUẬT) tư vấn như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba (2/3) suất đó:

- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

- Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Như vậy, dù người vợ lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho các con và truất quyền thừa kế của chồng thì người chồng vẫn được hưởng hai phần ba (2/3) suất của một người thừa kế theo pháp luật mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Căn cứ khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Lưu ý: Theo khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm