pnvnonline@phunuvietnam.vn
Võ Hạ Trâm chia sẻ câu chuyện hài hước trong ngày đầu tiên con gái đi học
Với cha mẹ, ngày đầu tiên đưa con đi học luôn để lại những cảm xúc bồi hồi, khó quên. Là những lo lắng không biết con có quen trường lớp, bạn bè, là nỗi nhớ nhung khi con ở môi trường hoàn toàn xa lạ. Mới đây, Võ Hạ Trâm đã chia sẻ lại câu chuyện của con gái trong ngày đầu đến trường.
"Đây là ngày đầu tiên Moon đi học. Nói chung bé cũng ngây thơ có biết đi học là gì đâu. Tới trường thấy xích đu vui quá là vui. Xong vào lớp làm quen bạn bè, cô giáo, lúc này vẫn vui. Tiếp đến, mẹ nói cho mẹ đi vệ sinh thì bạn bé để mẹ đi vì nghĩ mẹ sẽ quay lại đón con như mọi khi.
Ai dè sau 15 phút không thấy mẹ, bạn bắt đầu khóc vì hoang mang. May có cô giáo bồng bạn đi chơi chỗ này chỗ kia cho bớt khóc nhưng vẫn chơi trong nước mắt. Lúc này tui ở nhà cũng thẫn thờ vì nhớ con.
Xong rồi đón con trong sự háo hức, gửi có 2-3 tiếng đồng hồ mà tui tới đón trước hẳn 30 phút. Tui nghe tiếng khóc quen thuộc từ đằng xa đang dần tiến tới, người con gái tui yêu đầm đìa nước mắt gọi mẹ trong sự tủi thân, uất ức vì bị mẹ bỏ rơi. Về nhà nó cũng vui như hội.
Câu chuyện kéo dài được 3 ngày thì giờ đã không thèm níu kéo mỗi khi đi học hay không muốn về mỗi khi mẹ đón vì bận đi chơi cầu trượt với chúng bạn.
Cứ tưởng tui có giá trị chút, nó đi học nó sẽ thấy nhớ tui hơn. Nhưng không, chỉ là tui tưởng tượng thôi", Võ Hạ Trâm chia sẻ.
Bên cạnh đó, nữ ca sĩ cũng đăng tải khoảnh khắc hài hước khi ngóng chờ con trước cửa lớp, tình cảnh mà phụ huynh nào cũng phải gật gù đồng cảm.
Ngày đầu đưa con đến lớp, dù cô giáo đã đón tay nhưng nhiều cha mẹ vẫn không yên tâm, chưa nỡ về mà nán lại lén quan sát con từ xa. Có cha mẹ đứng bên ngoài lén lút, hết cúi gập cả người đến trèo lên tường, thậm chí nằm bò ra để nhìn qua khe cửa trông con. Vừa mong con nhanh chóng hòa nhập, ngoan ngoãn và vui vẻ khi ở lớp, lại vừa cánh cánh nỗi lo lắng.
Bí quyết giúp trẻ đi học mẫu giáo ngày đầu không khóc nhè
1. Làm quen với môi trường lớp học
Đa số trẻ trong những ngày đầu đến trường thường khóc nhè và thời gian khóc kéo dài ít hay nhiều còn phụ thuộc vào độ thích nghi của trẻ với các bạn và với lớp học.
Tâm lý của bố mẹ trong những ngày đầu con đến lớp thường là thấp thỏm lo âu, xót xa khi thấy con khóc ở lớp vì đó là môi trường lạ lẫm với con, khác hẳn những ngày trước đó con ở nhà chỉ có bà, có bố, có mẹ.
Vì thế, trước khi con chính thức đến trường khoảng 1-2 tuần, mẹ hãy đưa con đến trường vào những thời điểm khác nhau trong ngày để trẻ có thể nhìn thấy hoạt động của các bạn, chơi trong sân trường cùng các bạn. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn với các thói quen hàng ngày khi đi học và hạn chế việc con khóc mỗi khi đến lớp.
2. Ghi nhớ thông tin của bản thân và gia đình
Trẻ từ vài tháng tuổi đã có kỹ năng ghi nhớ, vì thế, điều cần thiết nhất trước khi trẻ bước vào mẫu giáo là bố mẹ hãy dạy con biết tên của mình, con nhà ai, số điện thoại và địa chỉ gia đình. Trong trường hợp xấu là trẻ đi lạc còn biết đường nhờ người khác để tìm bố mẹ.
Tuy nhiên cũng cần cảnh báo với con không phải người lạ nào hỏi con cũng sẵn sàng cung cấp thông tin về gia đình mình.
3. Làm theo quy định
Bố mẹ có thể dạy con tự cầm một cốc nước để uống và uống nước từ một lon nước đã mở: Từ khoảng 7 tháng tuổi.
- Tự ăn bằng thìa hoặc đũa: Kể từ khi trẻ bắt đầu tập ăn dặm, mẹ nên dạy cho con kĩ năng này.
- Rửa tay đúng cách: Mẹ có thể bắt đầu dạy bé từ 12 tháng tuổi bằng cách giữ bé và để con tự chà tay dưới vòi nước. Trong kỹ năng sống này, mẹ cần sớm dạy con cách phân biệt giữa vòi nước nóng và lạnh, điều chỉnh dòng chảy của nước, sử dụng nước rửa tay, xà phòng bánh, tạo bọt…
- Hãy dạy cho bé tự xếp đồ chơi vào đúng nơi quy định. Bởi lẽ, một lớp mầm non sẽ có nhiều trẻ và cô giáo không thể chăm sóc kỹ càng cho từng bé một. Do đó, tốt nhất là mẹ hãy dạy con cách tự phục vụ chính mình. Điều này sẽ tạo cho bé tính tự lập tốt khi ở ngoài vòng tay bao bọc của cha mẹ.
4. Dạy con biết xin lỗi, cảm ơn, tạm biệt
Thời điểm đi học mẫu giáo là lúc con cần học được những kỹ năng ứng xử đơn giản như khi nào thì cần nói "xin vui lòng", "cảm ơn" và "xin lỗi", chào người lớn khi gặp mặt,... Điều này giúp con biết quan tâm và tôn trọng và yêu thương những người quanh con.
Cha mẹ cũng nên dạy trẻ biết vâng lời cô giáo và cũng cần nhắc nhở con phải hỏi ý kiến cô giáo mỗi khi muốn làm điều gì đó.