pnvnonline@phunuvietnam.vn
Võ Tấn Phát: "Tôi luôn cố gắng không để ba mẹ biết những chuyện không vui của mình"
Diễn viên Võ Tấn Phát
Võ Tấn Phát sinh năm 1995 tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình thuần nông. Được đào tạo chính quy từ trường Sân khấu Điện ảnh TPHCM, nam diễn viên nổi lên từ game show Cười xuyên Việt khi giành ngôi vị quán quân. Sau 6 năm hoạt động nghệ thuật, Võ Tấn Phát được xem là một trong những diễn viên trẻ có thực lực, được nhiều đạo diễn "để mắt".
"Không bao giờ chia sẻ chuyện tiêu cực với ba mẹ"
- Xuất thân từ gia đình bình dân, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng hiện tại, sự nghiệp của Võ Tấn Phát có thể nói đã vững vàng, kinh tế cũng dư dả, bạn báo hiếu cha mẹ thế nào?
Nhà tôi là thuần nông. Khi tôi tham gia nghệ thuật thì ba mẹ không đồng ý vì công việc này rất phù phiếm, không "ăn chắc mặc bền". Giá như ở quê, có ai thành công với nghề diễn rồi thì còn đặt niềm tin cho con theo nghề, đằng này chỉ thấy trên tivi thôi nên ba mẹ lo lắng.
Tôi lì, cãi ba mẹ để theo nghề. Tôi tốt nghiệp cấp 3 với tấm bằng loại giỏi nên ba mẹ kỳ vọng tôi sẽ chọn ngành nào đó để sau 4 năm học, ra trường có công việc ổn định nhưng tôi chỉ nộp đúng hồ sơ vào trường Sân khấu Điện ảnh thôi.
May mắn là tôi có tính tự lập từ nhỏ. 10 tuổi, tôi đã nấu cơm cho cả gia đình rồi. Giờ nhìn lại, tôi thấy sự khó khăn của gia đình lúc đó là một may mắn với mình. Sinh ra trong một gia đình không có điều kiện thì mình sẽ được trải nghiệm rất nhiều thứ và đó là chất liệu để tôi sáng tạo cho vai diễn của mình.
Hiện tại, ba mẹ vẫn ở quê Vĩnh Long. Tôi nói ba mẹ nghỉ ngơi nhưng ba mẹ không chịu. Mẹ tôi bán tạp hóa từ khi tôi học cấp 2, giờ vẫn bán. Ở quê, mọi người không lao động sẽ rất buồn.
Ba mẹ vẫn buôn bán nên tôi không bị áp lực kinh tế, phải lo toan mọi thứ cho ba mẹ. Ba mẹ cũng không áp lực phải lo cho con. Nói chung, gia đình tôi, các thành viên đều tự thân vận động.
- Không ủng hộ con theo nghề vậy ba mẹ bạn có hiểu những góc khuất, thị phi của nghề này không. Khi Võ Tấn Phát vô tình dính ồn ào thì có bị ba mẹ trách móc?
Ba mẹ tôi hiền lắm, ăn chay trường. Tôi không bao giờ chia sẻ chuyện tiêu cực với ba mẹ. Trên mạng xã hội, tôi cũng chỉ chia sẻ chuyện tích cực để ba mẹ yên tâm. Bởi vì, ba mẹ có biết những chuyện tiêu cực, những góc khuất của nghề này thì cũng không giải quyết được gì. Tôi luôn cố gắng không để ba mẹ biết những chuyện không vui của mình.
- Nếu tìm kiếm thông tin về Võ Tấn Phát trên mạng sẽ thấy những dòng thông tin kiểu như "người tình tin đồn của Đại Nghĩa". Là người trong showbiz, bạn có thể thích ứng với những thông tin không hay nhưng ba mẹ thì sao?
Khi có những tin đồn hay câu chuyện không hay về mình, tôi chủ động chia sẻ với ba mẹ rằng, công việc của con, khi người ta còn nói về con nghĩa là con còn được quan tâm. Nếu một ngày, ba mẹ tìm tên con trên mạng mà không ra một tin tức nào thì mới thật sự đáng lo ngại, không ai biết con sẽ không ai mời show.
Đã chấp nhận để con làm nghề này thì chắc chắn sẽ có những câu chuyện tốt và không tốt, tích cực và tiêu cực. Ba mẹ là người hiểu rõ con mình nhất, nó tốt xấu thế nào nên ba mẹ luôn tin tưởng tôi.
Có thể ba mẹ cũng suy nghĩ về những tin đồn không hay nhưng mỗi ngày vẫn thấy con mình có được vai diễn tốt, thành công, được khán giả yêu thương thì ba mẹ cũng tự hào về con mình. Còn bản thân tôi, sống sai, sống lỗi hay sống tốt thế nào, mình là người hiểu rõ nhất. Tới thời điểm hiện tại, tôi chưa làm điều gì trái với lương tâm.
Võ Tấn Phát trên phim.
"Nỗi khổ may mắn" khi tham gia "Tết ở làng địa ngục"
- Mới đây, Võ Tấn Phát đảm nhận vai Tam Quỷ trong bộ phim kinh dị "Tết ở làng địa ngục". Ấn tượng của bạn khi tham gia phim này thế nào?
Khi nhận được lời mời tham gia phim "Tết ở làng địa ngục" từ đạo diễn Trần Hữu Tấn, tôi đắn đo lắm. Bởi vì lịch quay kéo dài gần 2 tháng và quay ở tận Hà Giang. Lịch của diễn viên mỗi người mỗi khác nhưng mình phải ở đó luôn vì không thể di chuyển đi về đi lên được. Ngày nào không có lịch thì ăn nghỉ ở đó, xong phim mới về.
Ngoài vai trò diễn viên thì tôi cũng có một công ty sản xuất phim, nếu đi gần 2 tháng như vậy thì mình sẽ bị khó, còn ở nhà chạy show nữa. Nhưng sau khi đọc xong kịch bản thì tôi quyết định dẹp hết mọi thứ và tham gia bằng được dự án này.
Với một diễn viên, rất hiếm cơ hội để được tham gia một dự án đầu tư lớn như vậy. Quay ở nội đô đã tốn kém, đằng này, ê-kíp hàng trăm con người, lại quay ở vùng núi Hà Giang, không có điện, không có nước, không có nhà vệ sinh, không có sóng wifi… Hiện trường quay phim y chang kịch bản luôn. Bước qua cổng làng là không có sóng điện thoại, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Ê-kíp phải bỏ tiền ra mua nước dưới thị trấn lên núi. Nước câu lên rất yếu, chỉ tiêu mỗi người 1 ngày được dùng 1 xô nước, ai dùng 2 xô là bị phạt và có bảng giá đàng hoàng. Trong đoàn có camera, có ống heo, ai xài xô rưỡi, 2 xô là phạt 20.000, 50.000 đồng.
Đoàn cũng mua điện từ thị trấn lên. Điện dành cho khâu âm thanh, ánh sáng quay phim. Ai không có việc thì phải tắt điện. Thứ gắn kết anh em trong đoàn phim chính là bếp than sưởi vì trên đó rất lạnh. Tối cúp điện nên anh em quây quần, chia sẻ với nhau đủ chuyện.
Mọi người không được ngủ nền xi măng đâu mà ngủ nền đất. Trong làng đâu phải ai cũng có điều kiện, huống chi ê-kíp quá đông. Mọi người trải bạt, dựng lều để ở. 2 người ở một lều. Diễn viên được ưu tiên hơn nên ngủ ở lều có nền xi măng. Anh em hiện trường, thiết bị, âm thanh, ánh sáng cực lắm, phải ngủ nền đất.
Trên đó không có nhà vệ sinh nên ê-kíp xây nhà vệ sinh tập thể, cách chỗ ngủ của đoàn gần 1km, đường núi tối đen như mực, gió rít hù hù nên ai cũng bấm bụng nhịn, chờ tới sáng.
Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất may mắn khi được tham gia bộ phim mà nhà đầu tư tâm huyết đến vậy. Thời gian sống ở đó, không bị mạng xã hội chi phối. Mọi người đều cất hết điện thoại đi, sống với nhau gần gũi như ngày xưa nên rất thân thiết. Xong phim về rồi, mọi người nhớ nhau lắm.
Tạo hình của Võ Tấn Phát trong phim mới "Tết ở làng địa ngục".
- Mất 2 tháng cho phim thì cát-xê mà Võ Tấn Phát nhận được có xứng đáng không?
Thù lao chỉ là vấn đề nhỏ. Trước khi đọc kịch bản, tâm lý của tôi là, block lịch 2 tháng thì phải trả lương chừng nào mới làm vì mình không đi show được nhưng sau khi đọc kịch bản, tôi quyết định bỏ hết, trả bao nhiêu cũng nhận vì vai diễn quá hay.
Mình phải bỏ tiền ra làm sản phẩm mới có được vai hay, đằng này người ta đã dọn sẵn cơm ra cho mình, còn trả tiền cho mình nữa thì tại sao lại không làm. Cho nên thù lao không phải là vấn đề mà chỉ là thời gian.
- Cảm ơn Võ Tấn Phát đã chia sẻ!