pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vòng quanh thế giới xem du học sinh đón Tết
Du học sinh - những bạn trẻ với khao khát chinh phục tri thức đang miệt mài, nỗ lực học tập và làm việc tại các quốc gia. Dù sống ở đâu trên thế giới, vào ngày cận Tết, các em lại bùi ngùi hướng về quê nhà. Vì nhiều lý do mà các em không có cái Tết đoàn viên bên cha mẹ, anh chị em. Và chỉ có thể gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến người thân qua màn hình điện thoại, máy tính.
Vậy du học sinh Việt Nam sinh sống tại các quốc gia chuẩn bị Tết cổ truyền như thế nào? Hãy cùng dạo quanh một vòng thế giới để cảm nhận không khí đặc biệt nhé!
Hũ kiệu muối, nồi thịt kho trứng, nem rán… là một điều xa xỉ!
Vũ Trường Giang, 22 tuổi, quê tại TPHCM mới tốt nghiệp Đại học Masachusetts Amherst - ngôi trường danh giá bậc nhất nước Mỹ. Giang đã có 4 cái Tết xa nhà, không được sum vầy bên người thân vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang sang năm mới.
Cậu bạn chia sẻ, bản thân đi du học từ năm lớp 12. Em từng rất nhớ nhà, cảm giác trống trải vây quanh. Đến nay đã có 4 cái Tết không ở bên gia đình nên Giang đã quen dần với cảm giác ấy. Nhưng cứ đến những ngày giáp Tết, Giang lại bùi ngùi, nhớ cha mẹ da diết!
Trường Giang sẽ đến nhà các bạn trong dịp Tết sắp tới.
Trường Giang chia sẻ: "Mọi năm đến Tết, em cùng các bạn người Việt quây quần bên nhau làm các món Việt Nam nên vui lắm! Chúng em nấu bao món truyền thống như: Cuốn nem, thịt kho trứng, muối dưa, làm mứt, nấu lẩu,… Không khí thật đầm ấm, sum vầy!
Nhưng năm nay, bọn em ra trường, mỗi người xin việc ở một bang khác nhau. Vì thế, để gặp gặp nhau là rất khó. Vì thế, Tết năm nay, em sẽ cùng anh họ sang nhà một vài người bạn Việt Nam ở gần đây để cùng nhau kho một nồi thịt trứng. Đó là món ăn em vô cùng yêu thích. Món ăn gợi nhớ đến nồi thịt kho trứng "siêu to, siêu khổng lồ" mà trước đây khi còn ở nhà, năm nào mẹ cũng làm cho em ăn".
Nếu Trường Giang nhớ món thịt kho trứng béo ngậy, thơm ngon thì Ánh Tuyết, 20 tuổi, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Minerva (Mỹ) lại nhớ món kiệu muối chua. Tuyết chia sẻ, năm nào trước Tết vài ngày, mẹ và bà em cũng làm món này.
"Thiếu món kiệu muối chua đúng là… thiếu Tết! Món này giúp giải ngấy ngày Tết tuyệt vời. Vị chua chua, cay nhẹ, thơm mát là hương vị em không bao giờ quên. Ở Mỹ, để được thưởng thức các món ăn truyền thống ngày Tết là rất khó. Nên tìm được một hũ kiệu muối chua càng là chuyện xa xỉ!", Ánh Tuyết trải lòng.
Đi khắp nơi để tìm không khí Tết
Những ngày giáp Tết ở nước ngoài chẳng khác gì so với ngày bình thường bởi nhiều nước không ăn Tết theo Âm lịch. Nhịp sống của họ vẫn diễn ra như bao ngày trong tuần, trong tháng. Họ vẫn làm việc miệt mài. Điều này khiến không ít du học sinh Việt Nam chơi vơi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.
Trường Giang chia sẻ, để xoa dịu nỗi nhớ gia đình, em tìm đến hội chợ của người Việt tham quan. Ở đây bán rất nhiều món ăn ngon như bánh tráng nướng, nước mía, sữa đậu nành, nem chua… Dịp giáp Tết, họ còn bán cây cảnh bonsai. Không khí vô cùng náo nhiệt, đông vui!
Giang phấn khích cho biết: "Thật sự để tìm các món ăn cổ truyền hay cành đào, cành mai là điều không thể ở hội chợ này. Nhưng em cảm nhận được không khí nhộn nhịp. Và việc được gặp nhiều người Việt tại đây cũng khiến em háo hức, vì những ngày thường, tại bang Califonia rất ít người Việt Nam. Bởi thế, em coi như mình đang có trải nghiệm đón Tết sớm cùng mọi người vậy".
Còn Lê Vy, 19 tuổi, hiện đang học tập tại Trung Quốc không cảm thấy quá cô đơn bởi đất nước em sinh sống cũng đón Tết Âm lịch. Vy cho biết sắp tới, em tìm không khí Tết bằng chuyến đi chơi tới Thượng Hải, Nam Kinh, Tô Châu.
Ở Trung Quốc, việc tìm mua đồ ăn Việt không quá khó. Vy dự định sẽ mua bánh chưng ngoài siêu thị, cùng với tự làm một số món đơn giản khác như: Ném rán, thịt đông để mời các bạn cùng phòng ký túc xá thưởng thức. Chắc chắn, Vy sẽ kể cho các bạn nghe về Tết cổ truyền dân tộc, về những món ăn cùng hoạt động ý nghĩa được thực hiện trong dịp đầu xuân năm mới.
"Trong đêm giao thừa, em sẽ canh giờ gọi điện về Việt Nam chúc Tết ông bà, cha mẹ, bạn bè. Trong thời khắc thiêng liêng, em muốn cảm nhận sự ấm áp tình thân của gia đình", Vy chia sẻ.
Tết tròn đầy hơn nhờ có những người bạn ở bên
Nguyễn Xuân Nguyên, 21 tuổi, quê TPHCM, hiện đang học ngành Kinh doanh tại trường Nanyang Busines School, trực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore).
Sống xa quê hương 2 năm, điều Nguyên nhớ nhất là vào ngày Tết, cả nhà sẽ thưởng thức thức bánh chưng cùng các món ăn cổ truyền, lắng nghe giai điệu mùa xuân trên ti vi và cùng nhau trang hoàng nhà cửa. Cả nhà còn đi thăm hỏi nội, ngoại hai bên. Đi đến đâu cũng đầy ắp đồ ăn ngon ngày Tết cùng những lời chúc tốt đẹp.
Nhưng khi sang Singapore, mọi thứ đều thay đổi. Dù một vài địa phương tại Singapore cũng đón Tết Âm lịch nhưng không khí không náo nhiệt, tưng bừng. Trừ khu vực Chinatown, còn lại mọi người chỉ nghỉ lễ một ngày, mùng 2 quay trở lại với nhịp làm việc bình thường.
Hiện Nguyên đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore nên em có thêm một gia đình nữa gồm 53 thành viên. Nguyên cùng các bạn dự định sẽ tổ chức những buổi ăn uống để có dịp gặp mặt nhau. Đây có lẽ là cái Tết đầm ấm, hạnh phúc nhất của cậu bạn.
Nguyên bày tỏ hạnh phúc khi được đón Tết với các bạn trong Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore.
Xuân Nguyên trải lòng: "Trong suốt một năm qua, Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore có nhiều hoạt động thú vị. Tuy nhiên do khoảng cách và khó khăn trong di chuyển nên chúng em chỉ gặp nhau qua màn hình máy tính. Vì vậy, Tết là cơ hội để chúng em quây quần ngồi lại, cùng chia sẻ chuyện năm cũ và đưa ra kế hoạch cho năm mới. Chúng em còn cùng nhau xem Táo quân và ở bên nhau trong khoảnh khắc giao thừa.
Trong những ngày vừa qua, chúng em cũng tổ chức cuộc thi gói bánh chưng "Tết xa mà gần" với sự tham gia của gần 100 bạn sinh viên. Chúng em cùng nhau thực hiện từng công đoạn gói bánh để nhớ về hương vị Tết cổ truyền của quê hương. Ngoài ra, phần hội Xuân và hôị Thao cũng đem đến không khí Tết xa quê thật ấm áp, đúng với tinh thần "Tết xa mà gần".
Còn Lê Vy, trong những ngày Tết, em sẽ diện áo dài truyền thống đến trường và đi chơi với các bạn. Đặc biệt, những ngày giáp Tết, câu lạc bộ Thư pháp ở trường nữ sinh tổ chức cuộc thi viết thư pháp và trang trí câu đối có tên gọi là Faichun. Mọi người đang háo hức cùng nhau sửa soạn đón Tết nên không khí khá vui.
"Ăn Tết xa nhà nhưng em may mắn có những người bạn cùng quê hương luôn ở bên. Chúng em yêu thương, đoàn kết và coi nhau như anh em trong gia đình. Điều này khiến em vơi đi nỗi nhớ nhà, cảm thấy ấm áp hơn khi cái Tết đang đến cận kề", Vy cho biết.