Vụ 2 anh em ruột tử vong dưới hố chôn cột điện: Cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị thi công

Nguyễn Long
11/03/2021 - 16:30
Vụ 2 anh em ruột tử vong dưới hố chôn cột điện: Cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị thi công

Người thân khóc ngất khi nghe tin 2 anh em ruột Đ. và A. đuối nước dưới hố chôn cột điện gần nhà.

Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định đơn vị thi công đã vi phạm quy trình thi công, không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại đến tính mạng của 2 cháu nhỏ thì sẽ có thể khởi tố vụ án hình sự.

Liên quan đến vụ việc 2 anh em ruột tử vong dưới hố chôn cột điện ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã có báo cáo sơ bộ về vụ việc, tuy nhiên không thấy nêu đơn vị nào nhận trách nhiệm.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), cho biết, đây là một vụ việc tai nạn nghiêm trọng, cướp đi mạng sống của hai cháu nhỏ. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ quy trình, thủ tục lắp đặt hệ thống điện này được thực hiện như thế nào. 

"Với độ sâu 1,5m, chiều rộng 5,2m, không có cảnh báo thì rất có thể gây nguy hiểm cho các cháu nhỏ. Với hình ảnh hiện trường như vậy thì có lẽ người lớn ai cũng có thể lường trước được hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra đối với trẻ em", luật sư Cường cho hay.

Trường hợp khu vực có trẻ em sinh sống, đi lại, sinh hoạt thì việc cảnh báo, rào chắn hoặc có những biện pháp đảm bảo an toàn khác là cần thiết. Kể cả trường hợp sau khi đổ bê tông thì lấp đất vào trước khi cho nước vào cũng có thể thực hiện mà không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình.

Vụ 2 anh em ruột tử vong dưới hố chôn cột điện: Cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị thi công - Ảnh 1.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Bởi vậy, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định đơn vị thi công đã vi phạm quy trình thi công, không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại đến tính mạng của hai cháu nhỏ thì sẽ có thể khởi tố vụ án hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp. 

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm thi công, giám sát phải đảm bảo an toàn công trình thuộc về cá nhân, tổ chức nào. Người có chức vụ, nhiệm vụ có thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao hay không. 

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người có chức vụ, quyền hạn đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

 a) Làm chết người; 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

 a) Làm chết 02 người;

 b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

 c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: 

a) Làm chết 03 người trở lên; 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; 

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đơn vị thi công và người có trách nhiệm quản lý công trình này có trách nhiệm pháp lý liên quan đến hậu quả hai cháu bé thiệt mạng trong đó bao gồm cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết, chi phí mai táng, tiền tổn thất về tinh thần. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì có thể đề nghị tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

*Như PNVN đã phản ánh, ngày 6/3, vợ chồng anh Công (xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) vắng nhà nên gửi cháu Đ. và A. cho bố mẹ trông coi. Do ông bà bận việc nên hai em chạy lên trang trại của anh Quân (chú ruột 2 cháu) chơi với con trai anh này.

Các cháu cùng nhau chơi đùa tại con đường bê tông liên xã gần trang trại của anh Quân. Bên cạnh con đường này có nhiều hố chôn cột đường điện liên xã đang thi công (đã chôn cột), nhưng chưa lấp đất, hoàn trả lại mặt bằng.

Quá trình chơi, không may cháu A. trượt chân xuống hố chôn cột điện. Thấy em chới với, Đ. tìm cách xuống cứu em. Thấy anh chị rơi xuống hố nước, cháu bé chơi cùng (con anh Quân) chạy về báo với ông bà.

Nhận được thông tin, người dân địa phương ra chân cột điện tìm kiếm thì vớt được thi thể hai anh em. Sau khi hoàn tất các thủ tục khám nghiệm, thi thể các nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình mai táng theo phong tục địa phương.

"Vợ chồng anh Công sinh hạ được hai người con là cháu Đ. và A. nay cả 2 cháu không may gặp nạn. Chính quyền địa phương cũng cử cán bộ xuống thăm hỏi động viên gia đình. Đứng từ xa vẫn nghe được tiếng ai oán của người mẹ khóc thương cho hai đứa con xấu số", vị lãnh đạo xã Xuân Lộc thông tin.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm