pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vụ 3 người phụ nữ bị anh ruột xích chân: Chờ TAND phán quyết về quyền giám hộ
Sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, ông H. cam kết đảm bảo điều kiện sinh hoạt, không xích chân hoặc nhốt các em gái. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp.
Mắc bệnh tâm thần nên "buộc lòng" phải xích
Trước đó, UBND xã Lộc Châu nhận được tin báo ông N.H.H (65 tuổi, ngụ xã Lộc Châu) xích 3 người em gái cùng cha khác mẹ ở một ngôi nhà và chăm sóc họ không tốt. Nhận được tin báo, ngày 20/7, cơ quan chức năng đã tìm đến ngôi nhà này tại thôn Ánh Mai 3, xã Lộc Châu.
Tại đây, 3 người phụ nữ này bị xích chân vào các cửa sổ trong ngôi nhà. Họ không mặc quần và ngồi trên 1 tấm chiếu mỏng vào thời điểm cơ quan chức năng đến.
Theo thông tin ban đầu, 3 người phụ nữ trong câu chuyện này là bà N.T.M (44 tuổi), N.T.H (43 tuổi), N.T.T (38 tuổi). Cả 3 có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đồng Nai. Theo phán quyết của TAND huyện Tân Phú (Đồng Nai) vào năm 2017, cả 3 phụ nữ này đều bị tâm thần.
Khoảng năm 2019, 3 người em gái lên nhà ông H. để ông H. chăm sóc.
Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ Việt Nam, ông Vũ Văn Vân - Chủ tịch UBND xã Lộc Châu - cho biết, địa phương nắm được tình hình sức khỏe của ba người phụ nữ này khi họ đến địa bàn xã Lộc Châu sinh sống. Mỗi tháng, ông H. đều lên trạm y tế xã để lấy thuốc cho các em.
Theo lời ông H, trước đây, ông để các em ở nhà tại thôn Ánh Mai 1. Tuy nhiên, các em của ông thường xuyên có hành động đập phá và cào cấu,... Ông H. sợ phiền đến hàng xóm nên đưa các em vào ngôi nhà ở trong vườn.
Trong 3 người em gái thì có bà T. là triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với 2 chị. Bình thường, ông H. không nhốt hay xích các em. Nhưng mỗi khi các em biểu hiện triệu chứng của bệnh, ông H. “buộc lòng” phải xích lại.
Người anh vẫn muốn tiếp tục chăm sóc các em gái
Sau khi ba ông H. mất, các anh em trong nhà có xảy ra việc tranh chấp tài sản do ba mẹ để lại. Người báo tin cho cơ quan chức năng cũng là một người thân trong gia đình ông H. Người này cho rằng, ông H. không chăm sóc các em tốt nên đã gửi tin báo lên cơ quan chức năng để đưa các em mình về chăm sóc thay.
Cơ quan chức năng đã khuyên ông H. nếu gặp khó khăn thì liên hệ với địa phương để được hướng dẫn nhằm đưa các em vào trung tâm bảo trợ xã hội.
Tuy nhiên, ông H. không đồng ý vì cho rằng mình chăm sóc các em vẫn tốt, "giọt máu đào hơn ao nước lã". Nếu ba ông H. đã mất thì ông H. sẽ chịu trách nhiệm nuôi các em như ông vẫn làm từ trước đến nay.
Ông H. cho hay, gia đình ông vẫn thường xuyên ở ngôi nhà này cùng các em. Do mỗi khi lên cơn, các em có hành vi đánh đập, la hét,... nên ông “không biết làm sao, phải xích các em lại”. Đề xuất chăm sóc các em của ông H. được UBND TP Bảo Lộc đồng ý trong lúc chờ TAND TP Bảo Lộc có phán quyết về quyền giám hộ.
Tuy nhiên, ông H. buộc phải làm cam kết bằng văn bản về việc thay đổi điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho các em, trong đó không được nuôi nhốt, xích chân. Nếu gặp khó khăn gì trong việc chăm sóc, ông H. nhanh chóng liên hệ với địa phương để được hỗ trợ kịp thời.
“Chúng tôi muốn bắt camera để quan sát tình hình của 3 người phụ nữ này nhưng ở đó không có điện. Do đó, địa phương đã phối hợp với công an, hội Liên hiệp Phụ nữ,... thường xuyên theo dõi sức khỏe của 3 người phụ nữ này.
Nếu chúng tôi phát hiện gia đình ông H. chăm sóc các em không tốt và không đảm bảo về điều kiện sinh hoạt thì chúng tôi sẽ nhanh chóng động viên ông H. đưa các em vào trung tâm bảo trợ xã hội để có sự chăm sóc tốt hơn", ông Vũ Văn Vân - Chủ tịch UBND xã Lộc Châu - nhấn mạnh.