pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vụ 8 thầy trò mắc kẹt trên cáp treo 16 tiếng: Nạn nhân thuật lại trải nghiệm kinh hoàng ở độ cao 274 mét
Ngày 22/08 vừa qua, vụ việc 8 thầy trò (7 trẻ em và 1 người lớn) mắc kẹt ở độ cao 274 mét do dây cáp treo gặp sự cố đã thu hút sự chú ý của các cơ quan truyền thông. Theo đó, tai nạn hy hữu này xảy ra vào khoảng 7h00 sáng (giờ địa phương), 8 người có mặt trên cáp treo đều là học sinh và giáo viên của trường trung học công lập Battangi Pashto nằm tại vùng núi hẻo lánh Battagram, cách thủ đô Islamabad của Pakistan 120 dặm về phía Bắc.
Ngay khi sự việc được phát hiện, cơ quan chức năng đã lập tức cử đội cứu hộ đến cứu viện. Ban đầu, đội cứu hộ lên kế hoạch giải cứu bằng trực thăng và đã giải cứu thành công được 1 em học sinh nhỏ tuổi nhất. Tuy nhiên, do lo ngại về an toàn, đội cứu hộ đã lựa chọn giải cứu 7 người còn lại trên cáp treo bằng đường zipline trên không. Vì điều kiện thời tiết không thuận lợi, đội cứu hộ đã phải mất tới 16 tiếng mới có thể giải cứu thành công 7 nạn nhân còn lại.
Mới đây, SkyNews đã công bố đoạn video ghi lại cận cảnh bên trên cáp treo và khiến không ít người phải rùng mình. Theo đó, có thể thấy những nạn nhân bị kẹt bên trong cáp treo đã phải chen chúc trong không gian chật hẹp. Tất cả đều gồng mình và không dám cử động chút nào vì sợ cáp treo mất thăng bằng và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
Sau khi được giải cứu, Attaullah Shah (15 tuổi) cho biết: "Em đã nghĩ đây là ngày cuối cùng của cuộc đời. Em đã có thể không sống được nữa nhưng đã được ông trời ban cho cuộc đời thứ hai".
Cậu bé Gul Faraz, người có mặt trên cáp treo, cho biết cậu sẽ không bao giờ quên trải nghiệm này trong nhiều năm tới. Gul Faraz cho biết trong khi chờ giải cứu, cậu luôn sợ cáp treo sẽ rơi xuống đất và nói với mọi người rằng "chúng ta có thể sẽ không qua khỏi".
Một thiếu niên khác là Rizwan Ullah cũng chia sẻ rằng cậu không bao giờ muốn đặt chân lên cáp treo một lần nào nữa trong đời. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thành sự thật nếu như có một ngôi trường được xây dựng gần ngôi làng mà cậu sinh sống.
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, người đứng đầu công ty cáp treo Gul Zarin đã bị bắt vì tội lơ là nhiệm vụ, phớt lờ các biện pháp an toàn và gây nguy hiểm đến tính mạng người dân. Chính quyền địa phương ở khu vực này cũng cho biết họ đã đóng cửa tất cả các tuyến cáp treo không đảm bảo an toàn.
Theo như một giáo viên tại trường học địa phương, không chỉ 8 thầy trò gặp nạn, tại đây cũng có khoảng 150 học sinh khác phải dựa vào việc di chuyển bằng cáp treo để đến trường hàng ngày. Mặc dù phải hoạt động liên tục nhưng một số dây cáp lại không được bảo trì thường xuyên.
Ata Ullah, một học sinh được giải cứu sau vụ việc, cho biết: "Em rất sợ cáp treo nhưng không còn lựa chọn nào khác. Khi cáp treo được sửa xong, em vẫn sẽ phải đi cáp treo đến trường"
Nguồn: Daily Mail