Vụ án chia thừa kế ở Cửa Lò: Luật sư nói gì về bản di chúc?

PV
22/04/2020 - 09:43
Vụ án chia thừa kế ở Cửa Lò: Luật sư nói gì về bản di chúc?

Vợ chồng ông Cường - bà Thủy

Như PNVN đã phản ánh, trong vụ yêu cầu chia thừa kế này, Công chứng viên đã vi phạm pháp luật trong việc công chứng bản di chúc của cụ Văn Thị Truật. Vì vậy, bản di chúc đó là không hợp pháp, song 2 cấp tòa ở Nghệ An vẫn công nhận, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của vợ chồng ông Nguyễn Kiên Cường - bà Nguyễn Thị Thủy.

Cụ già 95 tuổi có trình độ như một Cử nhân Luật?

Ngày 14/01/2005, bố mẹ ông Cường là cụ Nguyễn Thanh Phong (SN 1927) và cụ Văn Thị Truật (SN 1922) cùng lập một bản di chúc có nội dung cho ông Cường được hưởng thừa kế toàn bộ di sản của hai ông bà là quyền sử dụng thửa đất 127, tờ bản đồ số 12 tại khối 10, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An, diện tích 483,3 m2 cùng toàn bộ tài sản trên đất. Vợ chồng ông Cường - bà Thủy sinh sống và quản lý thửa đất này từ khi bố mẹ mất đến nay.

Vụ án chia thừa kế ở Cửa Lò (Nghệ An): Có dấu hiệu làm giả di chúc - Ảnh 1.

Bản di chúc có nhiều dấu hiệu bất thường của cụ Truật

Năm 2018, sau khi nhận được thông báo thụ lý của TAND thị xã Cửa Lò với nội dung các nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Xuân Lan, bà Nguyễn Thị Sen và bà Nguyễn Thị Tùng (là chị em ruột của ông Cường) đều trú tại phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo một bản di chúc khác được lập ngày 10/07/2017 của cụ Truật (tại thời điểm này cụ Truật đã 95 tuổi, yếu, không còn minh mẫn), có dấu vân tay của cụ Truật, được công chứng chứng thực vào ngày 11/7/2017, có nội dung rất rõ ràng diện tích đất, số thửa, số bản đồ, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp hộ khẩu thường trú của từng người con, các thuật ngữ pháp lý, cách tính thừa kế theo pháp luật với trình độ của một cử nhân luật…

Ngày 25/4/2019, TAND thị xã Cửa Lò xét xử sơ thẩm và chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ngày 15/4/2019, ông Cường làm đơn kháng cáo. Ngày 29/11/2019, TAND tỉnh Nghệ An đã xét xử phúc thẩm và sau đó tuyên cơ bản như án sơ thẩm, công nhận di chúc của cụ Truật là hợp pháp.

Theo Luật sư Nguyễn Trung Thành (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), bản án của TAND thị xã Cửa Lò và TAND tỉnh Nghệ An công nhận bản di chúc xác lập ngày 10/07/2017 là không khách quan, trái quy định của pháp luật, vì: Di chúc có dấu hiệu do người khác làm ra, không phải của cụ Truật.

"Cụ Truật không được ăn học, lúc đó đã 95 tuổi, không còn đủ sự minh mẫn để có thể nhớ được, biết được nơi ở và số chứng minh nhân dân của các con, ngày cấp, nơi cấp, biết được các khái niệm thừa kế theo pháp luật, suất di sản thừa kế, diện tích đất, số thửa đất, tờ bản đồ… để tự soạn thảo rồi nhờ người khác đánh máy. Nội dung di chúc cho thấy phải do một người có trình độ cử nhân luật viết ra, không phải là trình độ của cụ già 95 tuổi học chưa hết cấp 1 nói ra được", Luật sư Thành nêu quan điểm.

Thêm những dấu hiệu bất thường

Trong bản di chúc của cụ Truật, những người được hưởng di sản là các con của cụ nhưng cụ Truật lại xưng hô với các con mình là "ông, bà". Nội dung của di chúc là "tôi tự soạn thảo và nhờ người người đánh máy" là không đúng với thực tế, vì tại thời điểm ngày 10/7/2017, cụ Truật không ký được thì làm sao tự soạn thảo ra di chúc để nhờ người khác đánh máy được?

Vụ án chia thừa kế ở Cửa Lò (Nghệ An): Có dấu hiệu làm giả di chúc - Ảnh 2.

Thông báo của Sở Tư pháp Nghệ An về những sai phạm của Công chứng viên Nguyễn Văn Thỏa trong việc công chứng bản di chúc của cụ Truật

Bên cạnh đó, lời khai của bà Trần Thị Thúy - người tự nhận đã đánh máy bản di chúc của cụ Truật được ghi trong Biên bản lấy lời khai của người làm chứng hồi 14h30, ngày 05/09/2018: "Vào ngày 10 tháng 7 năm 2017, tôi đến tại nhà bà Sen gặp bà Truật thì bà Truật có trực tiếp nhờ tôi đánh máy lại di chúc theo nội dung mà bà Truật đã soạn sẵn và đọc tôi nghe… Nội dung di chúc do chính bà Văn Thị Truật soạn thảo và đọc cho tôi đánh máy lại theo yêu cầu của bà".

Đây là một trong những điều hết sức vô lý, vì như đã nói ở trên, thời điểm đó cụ Truật không thể ký được tên mình vào bản di chúc thì làm sao còn có thể soạn thảo được di chúc.

Bản án phúc thẩm xác định di chúc của cụ Truật là hợp pháp nhưng theo quy định của pháp luật thì di chúc không hợp pháp, vì các lý do sau:

Theo nhận định của HĐXX phúc thẩm, "Cụ Truật là người biết chữ, thời điểm lập di chúc cụ đã 95 tuổi, nên có thể coi là người bị hạn chế về thể chất".

Với tình trạng của cụ Truật vào ngày 10/7/2017, để lập di chúc hợp pháp thì di chúc đó phải tuân thủ các quy định sau đây của pháp luật: Khoản 3, Điều 630, Bộ luật Dân sự 2015 quy định các trường hợp di chúc hợp pháp là "Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực".

Điều 634, Bộ luật Dân sự quy định về trường hợp di chúc bằng văn bản có người làm chứng: "Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng ; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc".

Mặc dù hội đồng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đã công nhận cụ Truật là người bị hạn chế về thể chất, không ký được di chúc nhưng khi xem xét đánh giá di chúc đã không áp dụng các quy định nêu trên để xác định giá trị pháp lý của di chúc, là trái với các quy định nêu trên của pháp luật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm