Vụ bé gái Y.N, 8 tuổi, ở Tân Mai (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) tố bị hàng xóm là cán bộ ngân hàng xâm hại khiến dư luận xôn xao nhiều ngày qua. Đến nay, vụ việc trôi qua hơn 2 tháng nhưng cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận, gây nhiều bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng, Cơ quan CSĐT công an quận Hoàng Mai đã quá chậm trễ trong việc xác minh, điều tra vụ việc.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Luân (Văn phòng Hưng Đạo Thăng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cháu Y.N.
PV: Thưa luật sư, có nhiều ý kiến cho rằng, trong vụ việc này, Cơ quan điều tra công an quận Hoàng Mai đã vi phạm tố tụng, chậm trễ trong việc giải quyết vụ việc. Luật sư có đồng tình với quan điểm đó?
Luật sư Lê Văn Luân: Cho đến hiện tại, phía gia đình chị L. (mẹ cháu bé) và tôi đã nhận được thông báo giải quyết tin báo tố giác tội phạm của Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai gửi về cho gia đình.
Thông báo của cơ quan CSĐT công an quận Hoàng Mai về việc gia hạn điều tra - theo Luật sư Lê Văn Luân là trái với quy định của pháp luật. |
Trong thông báo có nêu: Đến nay (10/3), thời hạn giải quyết tố giác về tội phạm quy định tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự đã hết, Cơ quan CSĐT - Công an quận Hoàng Mai chưa đủ căn cứ để quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với tố giác về tội phạm của chị L. Vì thế, Cơ quan CSĐT công an quận Hoàng Mai đã có văn bản gửi Viện Kiểm sát nhân dân quận Hoàng Mai thống nhất tiếp tục xác minh đối với tố giác tội phạm của chị L. Thời hạn xác minh tiếp theo là 2 tháng.
Vấn đề ở đây là gì, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 103, thì sau 2 tháng, cơ quan CSĐT theo thẩm quyền chức năng phải ra quyết định hoặc khởi tố vụ án, hoặc không khởi tố vụ án hình sự.
Vì thế, việc gia hạn 2 tháng đang có một dấu hiệu áp dụng chưa đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bởi vì anh ra thông báo không có nằm ở trong bất kỳ một quy định tố tụng nào.
Thứ 2, trên quan điểm về những chứng cứ như lời khai của nhân chứng, lời khai của người bị hại là cháu bé, theo ghi âm cung cấp cho cơ quan điều tra, có lời thừa nhận của người bị tố cáo. Như vậy, xuất hiện một sự việc có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan điều tra theo thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tại sao Cơ quan CSĐT công an quận Hoàng Mai không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra mà lại chỉ giải quyết tin báo tố giác tội phạm và sau 2 tháng lại gia hạn điều tra?
PV: Có ý kiến cho rằng, vai trò của Viện KSND cùng cấp, cụ thể là Viện KSND quận Hoàng Mai trong vụ việc này là khá mờ nhạt, khi không giám sát chặt chẽ công tác điều tra. Ý kiến của luật sư về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Lê Văn Luân: Tôi đồng tình với quan điểm này, vai trò của Viện KSND quận Hoàng Mai khá mờ nhạt. Trong giai đoạn này, VKSND quận Hoàng Mai có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng hình sự của Cơ quan CSĐT công an quận Hoàng Mai, ngoài ra, cơ quan này có thể đề ra kế hoạch điều tra, cùng thực hiện điều tra, rồi lập hồ sơ vụ án, rồi cũng có thể khai thác nhân chứng.
Luật sư Lê Văn Luân (phải) trao đổi với PV. |
Trong vụ việc này, khi thấy Cơ quan CSĐT công an quận Hoàng Mai áp dụng chưa đúng theo quy định của pháp luật thì Viện KSND quận Hoàng Mai phải có quan điểm. Nếu sau thời hạn 2 tháng, Cơ quan CSĐT quận Hoàng Mai không ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố thì Viện KSND quận Hoàng Mai phải có quyết định cụ thể, hoặc là chấp nhận hoặc không chấp nhận thông báo đó.
Viện KSND quận phải có một đề nghị chính thức, phải ra một quyết định tố tụng, việc ra thông báo giải quyết tin báo tố giác tội phạm như thế là chưa đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, mà phải ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố.
Nếu VKS trong quá trình kiểm sát đó, khi thấy đủ căn cứ thì có thể tự mình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, giao cho cơ quan điều tra để điều tra.
Hiện tại, tôi chưa thấy động thái nào của Viện KSND quận Hoàng Mai về quyết định tố tụng của Cơ quan CSĐT công an quận Hoàng Mai.
PV: Ở góc độ là luật sư, người tiếp cận với rất nhiều vụ án, trong đó có những vụ về xâm hại tình dục trẻ em, ông đánh giá như thế nào về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em hiện nay và sự vào cuộc của cơ quan điều tra trong những vụ việc này?
Luật sư Lê Văn Luân: Theo tôi, có 2 góc nhìn về vấn đề này. Thứ nhất là vụ án 23 trẻ em bị dâm ô ở Lào Cai được thực hiện bởi một bảo vệ của trường. Sau đó, ngay lập tức cơ quan điều tra đã có thể khởi tố vụ án và khởi tố bị can để xử lý.
Nhưng ngược lại, cũng một vụ khác cũng liên quan đến xâm hại trẻ em diễn ra trong thời gian khá dài khiến cho dư luận rất bức xúc đó là vụ án ở Vũng Tàu. Đến nay gần 1 năm từ khi vụ việc xảy ra, mới chỉ khởi tố vụ án chứ chưa khởi tố bị can. Vụ việc này cũng đang có chiều hướng bị kéo dài.
Hay vụ bé gái 3 tuổi ở Ba Vì (Hà Nội) bị hàng xóm là ông lão 68 tuổi xâm hại tình dục, cơ quan điều tra cũng chỉ mới khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can.
Hiện tại chúng đang bị kéo dài, trên cơ sở khá rõ ràng về chứng cứ được cung cấp, về thông tin nhiều chiều.
Vậy thì, điều gì đang ảnh hưởng đến cơ quan thực thi pháp luật? Ở đây có phải là do khác địa phương, năng lực của cơ quan các địa phương khác nhau hay không, hay do thân thế của bị hại, đối tượng bị tố cáo mà vụ án lại bị kéo dài như vậy?
Đây là nơi mà vào tối 8/1/2017, Cao Mạnh H. đã có hành vi xâm hại bé Trịnh Y.N (8 tuổi). Hành vi đồi bại của H. đã bị hai bạn của cháu Y.N phát hiện và "giải cứu" N. |
PV: Theo luật sư, việc chậm trễ trong quá trình giải quyết vụ án về xâm hại trẻ em sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của nạn nhân cũng như niềm tin của người dân vào pháp luật?
Luật sư Lê Văn Luân: Tội phạm liên quan đến trẻ em như dâm ô, giao cấu, hiếp dâm… là những loại tội phạm xâm hại đến đối tượng dễ bị tổn thương nhất, dễ bị tấn công nhất. Bởi vì trẻ em thường chưa đủ kiến thức, chưa đủ khả năng phòng vệ.
Trong khi đó, hệ lụy của những loại tội phạm này là vô cùng lớn. Đó là sự hoảng sợ, sự mất niềm tin, sự nhận thức lệch lạc… đó là di chứng nặng nề đối với nạn nhân.
Vì thế, loại tội phạm này như tôi đã nhiều lần phát biểu, chúng ta phải phòng vệ từ xa chứ không thể đợi đến khi xâm hại trực tiếp. Phòng xa ở đây chính là hệ thống pháp luật của chúng ta phải chặt chẽ và nghiêm minh hơn nữa. Cụ thể, chi tiết hơn nữa về hành vi xâm hại trẻ em.
Hiện nay, chúng ta nói về hành vi dâm ô với trẻ em một cách chung chung, mức phạt cũng quá nhẹ. Trong khi ở hệ thống pháp luật của các nước khác, họ phòng xa bằng cách ở chỗ, đối tượng chỉ cần cho trẻ em xem ảnh sex, gợi ý sex, dụ dỗ, gạ gẫm… mà chưa cần có tiếp xúc cơ thể nào cũng là vi phạm pháp luật rồi. Đấy chính là công cụ phòng vệ tốt nhất cho trẻ em. Mặt khác, phải nâng mức xử phạt lên.
PV: Cụ thể ở vụ việc này, luật sư có đề xuất gì?
Luật sư Lê Văn Luân: Trong vụ này, như tôi đã phân tích, Cơ quan điều tra và Viện KSND quận Hoàng Mai đã chưa thực hiện tốt chức trách, chưa thực hiện đúng pháp luật thì Cơ quan CSĐT công an thành phố Hà Nội cần vào cuộc để điều tra làm rõ.
Ngay giữa Thủ đô Hà Nội, một vụ việc chấn động như vậy nhưng sao lại để kéo dài, chậm trễ trong giải quyết, thực hiện không đúng quy định của pháp luật như vậy?
PV: Xin trân trọng cảm ơn luật sư!