pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vụ bố sát hại 2 con ở Điện Biên: Xử lý thế nào nếu hung thủ bị tâm thần?
Lường Văn Châu tại cơ quan điều tra. Ảnh SKĐS
Như báo Phụ nữ Việt Nam đã thông tin, vào khoảng 23 giờ ngày 27/12, Lường Văn Châu (SN 1995), trú tại bản Kéo, xã Chiếng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã bất ngờ dùng dao nhọn sát hại 2 con ruột của mình, một cháu 3 tuổi và một cháu 1 tuổi.
Được biết, trước khi gây án, Châu không có mâu thuẫn gì trong gia đình. Châu cũng được đánh giá là người sống hòa đồng, chưa có điều tiếng gì ở địa phương. Tuy nhiên, người nhà cho biết thời gian gần đây Châu có những biểu hiện "không bình thường".
Liên quan đến vụ án mạng đau lòng, TS. Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của người đàn ông này và làm rõ những mâu thuẫn trong gia đình (nếu có) để xác định yếu tố chủ quan đối với hành vi giết người.
"Thông thường đối với những đứa trẻ ở độ tuổi hai tuổi, ba tuổi như vậy thì cha mẹ rất yêu thương, cưng chiều, không có người cha, người mẹ nào lại cố ý gây tổn thương cho những đứa trẻ còn quá bé bỏng như vậy. Bởi vậy việc người cha dùng dao sát hại hai đứa con còn quá nhỏ như vậy thì đó là hành động rất nhẫn tâm và hiếm khi xảy ra trên thực tế", TS. Cường phân tích.
Cũng theo ông Cường, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của nghi phạm và những người làm chứng, thu thập các dấu vết để lại trên hiện trường vụ án để xác định nguyên nhân sự việc.
Đặc biệt trong quá trình làm việc, cơ quan điều tra sẽ làm rõ khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người đàn ông này để xác định người này có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hay không.
Để tiến hành các hoạt động điều tra, làm sáng tỏ vụ án thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 bộ luật hình sự để tiến hành điều tra, thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra vụ án nếu có căn cứ cho thấy nghi phạm có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần thì sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần theo quy định pháp luật.
Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy người đàn ông này đã mất khả năng nhận thức tại thời điểm thực hiện hành vi sát hại hai cháu bé thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ giải quyết vụ án và áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh đối với người đàn ông này, hành vi của người đàn ông này sẽ được xác định là không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nên không phạm tội.
Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy người đàn ông này chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi nhưng do bực tức, mâu thuẫn với những thành viên trong gia đình nên đã có hành vi sát hại các cháu bé thì người này sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như hành vi có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn, giết người dưới 16 tuổi, giết hại người mà người phạm tội có trách nhiệm phải nuôi dưỡng nên sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Những thông tin về biểu hiện diễn biến tâm lý, hành vi của người đàn ông này trước thời điểm thực hiện hành vi sát hại hai cháu bé và mối quan hệ giữa người đàn ông này với những người trong gia đình và những thông tin quan trọng để xác định nguyên nhân sự việc.
Nếu người đàn ông này không có mâu thuẫn gì lớn đối với các thành viên trong gia đình, nhưng có biểu hiện diễn biến tâm lý bất thường thì cần phải trưng cầu giám định tâm thần để xác định năng lực pháp luật của người đàn ông này làm căn cứ giải quyết theo quy định pháp luật.
Trường hợp kết quả giải quyết vụ việc cho thấy người này mắc bệnh tâm thần dẫn đến sát hại hai con đẻ của mình thì đây là một câu chuyện hết sức đau lòng và đó là một bài học cảnh tỉnh cho gia đình, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc quản lý người mắc bệnh tâm thần.
"Người mắc bệnh tâm thần thực sự là 'nguồn nguy hiểm cao độ', nếu không được kiểm soát và chữa trị kịp thời thì có thể gây ra nguy hiểm cho bất kỳ ai. Khi mắc bệnh tâm thần thì người ta không làm chủ được cảm xúc và hành vi, không nhận thức được hành vi của mình nên có thể gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của bản thân và bất kỳ ai, đặc biệt là với trẻ em và người già, những người yếu thế, không có khả năng tự vệ.
Bởi vậy, để giảm thiểu được những vụ án mạng, để bảo vệ tính mạng sức khỏe của người dân thì việc phát hiện, điều trị người mắc bệnh tâm thần, kiểm soát người mắc bệnh tâm thần trong xã hội là cần thiết để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo người mắc bệnh được chữa trị, kiểm soát kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc cho xã hội", TS. Cường chia sẻ.