Ngay dưới dòng chữ Thư xin lỗi, lãnh đạo Công ty này đã kính gửi nhiều cơ quan: Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch quận Thanh Xuân, Chủ tịch phường Thanh Xuân Trung và phường Hạ Đình. Nhưng tuyệt nhiên không hề kính gửi đến những người dân đã phải chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường này.
Chỉ đến phần cuối bức thư, sau một lần nữa gửi lời xin lỗi đến tất cả những cơ quan quản lý, lãnh đạo Công ty mới nhắc đến “bà con dân cư khu vực xung quanh công ty”.
Vậy câu hỏi đặt ra là ai có lỗi và ai là người đáng được xin lỗi.
Công ty đóng trên địa bàn quận Thanh Xuân, một trong những khu vực đông dân cư nhất của thủ đô. Từ đầu những năm 2000, Chính phủ đã có chủ trương di dời những doanh nghiệp sản xuất ra khỏi khu vực dân cư. Tuy nhiên cho đến tận thời điểm này, cùng với nhiều doanh nghiệp khác, Công ty Rạng Đông vẫn tại vị, vẫn tiếp tục nhập về nhiều hóa chất độc hại cho sức khỏe người dân và vẫn mặc nhiên hoạt động sản xuất cho đến khi xảy ra sự cố.
Tất nhiên trường hợp của Rạng Đông hoàn toàn không mang tính cá biệt. “Hàng xóm” với họ là bộ ba công ty cao su, xà phòng, thuốc lá và được người dân gọi tắt là Cao Xà Lá cũng vẫn tồn tại bất chấp chủ trương di dời. Quận Thanh Xuân cũng có đến 9 cơ sở sản xuất bị liệt vào danh mục gây ô nhiễm phải di dời. Điều này đồng nghĩa với việc những doanh nghiệp không di dời khỏi khu dân cư là một tình trạng phổ biến. Và chắc chắn chính quyền sở tại không thể nói rằng họ không liên quan đến tình trạng này.
Khi xảy ra sự cố, mặc dù chỉ là một trong hai phường chịu ảnh hưởng nặng nhất nhưng ngày 29/8, Phó chủ tịch UBND phường Hạ Đình đã nhanh chóng ra văn bản khuyến cáo người dân. Văn bản này nhận được sự đồng tình của nhiều nhà khoa học về môi trường, nhưng đáng tiếc lại không nhận được sự đồng tình của chính cơ quan cấp trên trực tiếp. UBND quận Thanh Xuân đã thu hồi văn bản này thậm chí là yêu cầu người ký văn bản phải kiểm điểm.
Chiều 30/8, UBND quận Thanh Xuân thông tin kết quả test nhanh từ Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội), Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế): các chỉ số thuỷ ngân, chì, kim loại nặng, vi khí hậu, bụi... đều trong ngưỡng an toàn.
Tuy nhiên, tối cùng ngày, lãnh đạo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường nói "chưa đưa ra bất kỳ kết quả quan trắc thuỷ ngân nào".
Bên cạnh đó, Công ty Rạng Đông thông tin có 15kg thủy ngân bị phát tán ra môi trường, trong khi đó Bộ Tài nguyên Môi trường lại cho rằng theo tính toán phải có đến hơn 27kg chất độc hại này.
Cùng với đó, Tổng cục Môi trường công bố những thông số cho thấy, tại nhiều nơi, lượng thủy ngân cao gấp 30 lần mức cho phép. Cơ quan này cũng lặp lại khuyến cáo với người dân, điều mà trước đó Phó chủ tịch UBND phường Hạ Đình đã ra văn bản để rồi bị thu hồi.
Trước rất nhiều những động thái của các cơ quan nhà nước thuộc các cấp, các ngành, người dân hoàn toàn không thể biết cần phải làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình mình.
Ai cũng hiểu rằng với một thảm họa môi trường, điều quý giá nhất chính là thời gian. Nhưng cùng với rất nhiều quan điểm mâu thuẫn, thậm chí có thể nói là sự tranh cãi lẫn nhau của các cơ quan có trách nhiệm, thời gian cứ tiếp tục trôi. Và phải đến 7, 8 ngày sau người dân mới có thể hình dung ra được một cách cơ bản về sự cố môi trường này, và cũng là khoảng thời gian họ phải sống trong một môi trường ở mức ô nhiễm nặng nề nhất.
Trong văn bản xin lỗi này, Công ty Rạng Đông hoàn toàn không nhắc đến những giải pháp khắc phục hậu quả sự cố môi trường cũng như trách nhiệm của mình với tư cách là một doanh nghiệp hoạt động sản xuất đã để xảy ra sự cố.
Suốt từ khoảng thởi gian ban đầu khi vừa xảy ra sự cố, ngoại trừ động thái của Phó chủ tịch UBND phường Hạ Đình, đối tượng quan trọng nhất và cũng là phần lớn những người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là những người dân sống xung quanh Công ty đã không được nhắc đến, không được xem trọng và trên hết không được thông báo khuyến cáo đúng như những gì mà họ đáng được nhận.
Trong ngày 6/9, khi ngành y tế tổ chức khám sức khỏe cho những người dân xung quanh khu vực nhà máy, đã có hơn 50 trường hợp có những dấu hiệu trùng với các triệu chứng của việc bị nhiễm độc thủy ngân cần được điều trị.
Hậu quả của sự cố môi trường đến đâu, chắc chắn cần thời gian và các biện pháp xét nghiệm kỹ thuật mới có thể khẳng định được. Lẽ ra, những gì mà các cơ quan liên quan cần làm đó là quan tâm và đặt sức khỏe của người dân lên trên hết.
Dù là doanh nghiệp nhưng Rạng Đông vẫn là một công ty xuất phát từ doanh nghiệp của nhà nước, cùng với chính quyền sở tại, lẽ ra hơn ai hết, họ cần nhớ rõ nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Đừng bao giờ đặt người dân và những lợi ích chính đáng của họ xuống hàng cuối cùng như chính bức thư xin lỗi mà lãnh đạo Công ty Rạng Đông đã gửi.