Vụ cô gái mất xe SH ở quán cà phê: Kinh doanh cần hiểu luật để không “quảng cáo ngược”

Tiểu Di
02/11/2023 - 09:44
Trong những ngày qua dư luận quan tâm đến câu chuyện một khách hàng mất xe SH trị giá 100 triệu tại quán cà phê và chỉ được chủ quán đề nghị “hỗ trợ tình cảm” 2 triệu đồng.

Ngày 20/10, P.T. (22 tuổi) đến một quán trà chanh trên đường Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) uống nước.

Cô cho biết được "được nhân viên quán hướng dẫn vị trí để xe, nói sẽ trông xe hộ" nên yên tâm làm theo hướng dẫn, sau đó vào quán uống nước.

Một tiếng sau, cô phát hiện chiếc xe SH125 (giá gần 100 triệu đồng thời điểm mua) đã biến mất. Camera an ninh cho thấy hai kẻ lạ mặt đã dắt xe đi. P.T. yêu cầu cửa hàng bồi thường nhưng chủ quán chỉ đồng ý "hỗ trợ tình cảm" 2 triệu đồng. Cô gái không đồng ý và đã trình báo vụ việc đến cơ quan công an.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc khách hàng mất xe tại các điểm trông giữ của các cửa hàng cung cấp dịch vụ. Nhưng dường như cách thức giải quyết vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Vụ cô gái mất xe SH ở quán cà phê: Kinh doanh cần hiểu luật để không “quảng cáo ngược” - Ảnh 1.

Quán trà chanh nơi xảy ra vụ việc

Theo quy định của pháp luật, khi khách hàng đến các điểm cung cấp dịch vụ, nếu nhà hàng không có nhân viên trông xe, hoặc nhân viên hướng dẫn để xe, hoặc trường hợp nhà hàng có thông báo bằng văn bản về việc khách hàng phải tự bảo quản tài sản riêng, lúc đó giữa nhà hàng và khách hàng không có giao kết hợp đồng gửi giữ tài sản. Đương nhiên khi việc mất mát xảy ra hai bên không phát sinh bất cứ quyền và nghĩa vụ nào.

Ngược lại trong trường hợp nhà hàng có nhân viên giữ xe, hướng dẫn khách để xe có phát vé trông xe hoặc cam kết bằng lời nói, hành vi khác, giữa nhà hàng và khách hàng đã có một hợp đồng gửi giữ tài sản. Khi xảy ra mất mát, thiệt hại, nhà hàng có trách nhiệm bồi thường cho khách.

Thực tế đời sống, các hàng quán, dịch vụ mỗi ngày phải đón nhiều lượt khách và họ phải cố gắng làm cho khách hàng yên tâm và hài lòng khi đến với cửa hàng của mình. Chính vì vậy tuyệt đại đa số đều sắp xếp chỗ để xe, có nhân viên hướng dẫn và trông xe. Chỉ có một tỷ lệ rất thấp cửa hàng công khai thông báo việc khách phải tự bảo quản tài sản.

Về phía khách hàng, đương nhiên họ cũng ưu tiên những cửa hàng có dịch vụ tốt, có chỗ để xe thuận tiện và có nhân viên dắt xe, trông xe. Trong tất cả các tình huống đó, đôi bên, dù có thể không thực sự nói rõ về việc trông giữ xe, vẫn đã giao kết với nhau một hợp đồng gửi giữ tài sản.

Cũng cần nói rõ thêm, nếu cửa hàng không có nhân viên trông xe, khách hàng chắc chắn sẽ nghi ngại và cân nhắc lại quyết định của mình và có thể có những lựa chọn khác.

Nhưng khi xảy ra sự cố không phải chủ cửa hàng nào cũng ý thức một cách rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và tích cực trong việc bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Và từ đây hai bên sẽ xảy ra những tranh chấp.

Chủ cửa hàng đã đưa ra lý lẽ khá "đơn giản" chỉ bán nước mà không cung cấp dịch vụ trông xe. Tuy nhiên trước khi khởi sự kinh doanh, mỗi chủ cửa hàng cần dành một khoản thời gian công sức, thậm chí là chi phí đáng kể để tìm hiểu hoặc thuê tư vấn pháp luật không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh chính của mình mà cả những dịch vụ liên quan. Từ đó chủ cửa hàng cũng cần phổ biến lại những quy định này cho những nhân viên làm nhiệm vụ trông xe, dắt xe, hướng dẫn khách để xe để họ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc trông giữ tài sản của khách khi đã nhận.

Thậm chí, trong hợp đồng lao động giữa chủ cửa hàng với các nhân viên cũng cần có những dự liệu làm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi bên khi xảy ra sự cố.

Trong xã hội văn minh, luật pháp sẽ điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội, chế định các hành vi, dự liệu các tình huống. Và khi pháp luật đã ban hành, tất cả các cá nhân, pháp nhân đều phải tuân thủ. Lý lẽ kiểu "không biết thì không có tội" chỉ có thể áp dụng ở những thời đại xa xưa không còn phù hợp với đời sống hiện tại.

Thay vì việc tích cực phối hợp với cơ quan chức năng nhằm tìm ra kẻ phạm trộm xe cũng như thương lượng với khách hàng về khoản bồi thường thiệt hại, chủ cửa hàng lại áp dụng cách xử lý "tình cảm" với khách hàng và dẫn đến tranh chấp. Khi sự việc đã được đưa lên công luận, chắc chắn nó sẽ trở thành một cách "quảng cáo ngược" để lại những hậu quả tiêu cực cho việc kinh doanh hơn là tích cực.

Có lẽ câu chuyện này cũng là một bài học đắt giá cho mỗi người chuẩn bị khởi sự kinh doanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm