pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vụ giành quyền nuôi: Bị đơn vắng mặt vì tin sẽ bị xử thua kiện
Ảnh minh họa.
Bị đơn tin sẽ bị xử thua kiện nên không tham gia phiên tòa sơ thẩm
Ngày 28/10, chị L.T.D. (ngụ phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TPHCM) xác nhận đã hoàn tất các thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm về tranh chấp "Thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn" với ông N.V.H. (chồng cũ của chị D.). Trước đó, ngày 02/10, TAND quận Tân Bình đã có phiên xét xử sơ thẩm vắng mặt bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.
Đơn kháng cáo của chị D. thể hiện việc không đồng ý với quyết định của bản án; bởi, TAND quận Tân Bình không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và thẩm phán T.T.H.U. đã cố ý làm trái quy định của pháp luật. Quyết định xét xử không căn cứ vào quy định của pháp luật, quy định về điều kiện thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn.
Liên quan đến vụ án ly hôn này, Báo PNVN đã có loạt bài phản ánh: "Bất ngờ từ đơn khởi kiện giành quyền nuôi con của chồng cũ", "Vụ chồng cũ khởi kiện giành quyền nuôi con: Luật sư nói gì về nơi cư trú và lưu trú?".
Cụ thể, theo quy định, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp thay đổi quyền nuôi Con như trường hợp của chị D. phải là nơi đương sự đang cư trú. Điều này được quy định chi tiết tại Điểm a, Khoản 1, Điều 39, Bộ Luật Tố tụng Dân Sự.
Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.
Hộ khẩu thường trú của chị D. thuộc phường Tân Hưng Thuận (quận 12, TPHCM) đều đã được thể hiện rõ trong hồ sơ của bản án. Chị D. không có đăng ký tạm trụ tại quận Tân Bình nhưng TAND quận Tân Bình vẫn thụ lý giải quyết vụ việc trên.
Chị D. khẳng định, đây cũng chính là lý do mà chị D. và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị D. không tham gia phiên tòa sơ thẩm.
Hàng loạt các khuất tất được nêu ra trong đơn kháng cáo
Trong quá trình thụ lý vụ án, thẩm phát U. còn có những hành vi mà chị D. cho rằng trái với quy định của pháp luật, không khách quan. Cụ thể, thẩm phán U. tiến hành tổ chức buổi Công khai chứng cứ và Hòa giải mà không có sự tham gia của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị D. Chỉ đến khi, luật sư khiếu nại thì Chánh án buộc phải tổ chức lại và thẩm phán U. mới tiến hành cho luật sư tham gia.
Thẩm phán U. còn tự ý cho nguyên đơn đưa 2 con chị D. đang trực tiếp giám hộ đến TAND quận Tân Bình để lấy lời khai. Thẩm phán U. dựa vào Bản thỏa thuận ngày 28/9/2019 (chị D. cho rằng Bản thoả thuận này không có thật, vì hồ sơ vụ án không có bản gốc, chỉ có bản photocopy) để cho rằng, chị D. và nguyên đơn đã thỏa thuận chuyển giao việc nuôi con.
TAND quận Tân Bình lập luận, chị D. thừa nhận Bản thỏa thuận ngày 28/9/2019 và tại Bản tự thuật ngày 19/4/2019, Bản ý kiến ngày 4/5/2020 và 05/5/2020. Chị D. phân tích, có ký thỏa thuận với nguyên đơn vào ngày 28/9/2019 nhưng không phải nội dung như bản thỏa thuận mà phía nguyên đơn đã cung cấp cho TAND quận Tân Bình.
Chị D. và nguyên đơn thỏa thuận về việc chăm sóc, thăm nôm con chứ không thay đổi quyền nuôi con. Sau khi ký xong bản thỏa thuận, phía nguyên đơn đã giữ bản chính và nội dung của bản chính này không phải Bản thỏa thuận đã nộp cho tòa án. Luật sư của chị D. phát hiện nội dung bản thỏa thuận không đúng như nguyên đơn cung cấp nên yêu cầu TAND quận Tân Bình phải buộc nguyên đơn cung cấp bản gốc. Do bản photo không đúng với bản gốc nên đã làm sai lệch bản chất vụ án.
Trình bày của chị D., quyết định xét xử đã không căn cứ vào quy định của pháp luật về điều kiện thay đổi nuôi con sau ly hôn theo Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình. Chị D. đã đề nghị cấp Tòa phúc thẩm TAND TPHCM chấp nhận đơn kháng cáo của mình đơn theo hướng không chấp nhận yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn của ông H.