Trước đó, bệnh nhân V.T.T, (sinh năm 1994, quê huyện Ý Yên, Nam Định) cho biết, khoảng 15h ngày 16/9/2018 anh và một người bạn đến phòng khám Đa khoa Thiên Hòa (số 73 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để khám nam khoa.
Tại phòng khám, anh T. được bác sĩ nữ khám và chẩn đoán bị yếu sinh lý. Bác sĩ này đã yêu cầu anh làm xét nghiệm máu và nước tiểu, làm tinh dịch đồ. Anh làm thủ tục theo chỉ định của bác sĩ rồi nộp số tiền 3,7 triệu đồng. Sau đó, bác sĩ khám cho anh rồi 1 nữ nhân viên đưa anh lên phòng làm thủ thuật.
Trong lúc làm thủ thuật, nữ nhân viên y tế (không phải bác sĩ khám) cho biết anh bị nấm dương vật. Người này nói, nếu không đốt nấm thì sau này "quan hệ" sẽ bị viêm nhiễm. Anh T. sợ hãi và đồng ý đốt nấm với giá 2,8 triệu đồng. Sau khi đốt nấm, nhân viên y tế lại nói bao quy đầu của anh bị hẹp và cần phải cắt. Nếu không cắt, khi dương vật cương lên sẽ bị phù nề và hoại tử.
Anh T. cho biết, trước đó 1 năm có đi khám ở BV Việt Đức và bác sĩ đã nói bao quy đầu không bị sao. Tuy nhiên, nhân viên phòng khám vẫn khẳng định bao quy đầu của anh T. bị hẹp một chút, còn bác sĩ khám không nói gì. Anh T. cũng sợ hãi quá và đồng ý cắt bao quy đầu với giá là 4,8 triệu đồng. Sau đó, anh T. được nhân viên phòng khám truyền dịch và chiếu tia hồng ngoại.
Tính ra, anh T. phải đóng thêm 9,1 triệu đồng. Tuy nhiên, anh T. thiếu 2 triệu đồng và xin nợ lại. Nhân viên phòng khám đồng ý cho nợ với điều kiện anh để lại giấy tờ tùy thân. Anh T. không mang giấy tờ theo nên phải để lại giấy phép lái xe của người bạn đi cùng.
Chiều ngày 17/9/2018, anh T. quay lại phòng khám để kiểm tra. Tại đây, bác sĩ không kiểm tra lại vết thương của anh mà kê đơn truyền dịch và chiếu tia hồng ngoại với số tiền 1,8 triệu đồng.
Ngày 18/9, anh lại tới phòng khám. Bác sĩ nói vết thương của anh T. chưa khô nên cần phải chiếu tia hồng ngoại với chi phí 1,8 triệu đồng. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, anh đồng ý.
Ngày 19/9/2018, anh thấy vết thương không đỡ mà bị nặng và bắt đầu nghi ngờ. Anh đến phòng khám và yêu cầu chỉ thay băng sát trùng bởi hết tiền. Bác sĩ nói hết tiền thì phòng khám cho nợ để chữa cho khỏi, nếu không vết thương sẽ bị nhiễm trùng. Anh T. nhất quyết chỉ thay băng và sát trùng. Sau đó, bác sĩ cho thay băng và truyền dịch. Không đủ tiền, anh phải nợ lại phòng khám 280.000 đồng. Tổng số tiền anh phải thanh toán khi điều trị tại phòng khám là 16.302.000 đồng.
Trước những sự việc xảy ra, anh T. không còn tin tưởng phòng khám. Vì vậy, ngày 20/9, anh đã đến BV Nam học hiếm muộn Hà Nội khám nam khoa. Tại đây, bác sĩ kết luận anh bị nhiễm trùng sau khi can thiệp. Bác sĩ cũng cho biết, anh T. không bị nấm như phòng khám chẩn đoán và điều trị.
Chiều ngày 27/9/2018, anh T. và người nhà đã đến phòng khám và khám lại và đề nghị làm rõ những bất thường như đốt nấm, bảng giá. Tuy nhiên, bác sĩ không cho người nhà anh T. ngồi nghe cùng và gọi bảo vệ lên áp giải ra ngoài. Anh T. ngồi chờ nhưng không thấy bác sĩ khám lại nên quyết định đi về.
Khi anh T. xuống sảnh tầng 1 để về thì ông Nguyễn Huy Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của phòng khám, đã chặn trước mặt và không cho về.
Còn anh L.Đ.H. người nhà anh T., cho biết, khi cả hai đến phòng khám gặp bác sĩ để nghe tư vấn bệnh thì bị đuổi về. Không những thế, bản thân anh H. còn bị chủ phòng khám xét người, kiểm tra ví, điện thoại rồi đuổi ra ngoài. Sau đó, thấy anh T. bị phòng khám giữ lại, anh H. đã mời báo chí đến để ghi nhận. Khi 2 phóng viên đến, anh T. mới được ra ngoài. Sau đó thì xảy ra sự việc ông Khánh hành hung, lăng mạ và xúc phạm 2 phóng viên. Chừng một lúc sau, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và công an phường phường đã đến làm việc.
Sau khi việc lăng mạ, hành hung phóng viên xảy ra, các cơ quan chức năng đã vào cuộc.