Vụ mẹ ném con vừa sinh từ tầng 31 ở Hà Nội: Bất bình trước cách yêu và sống 'không giới hạn'

23/10/2018 - 18:56
Trách giận ư? Lên án, bài xích cô gái ư? Những điều ấy, dư luận đã dậy sóng rồi! Tôi buồn, nỗi buồn u uẩn của một người phụ nữ từng yêu và từng mang nặng đẻ đau. Chẳng đâu xa, ngay trong làng tôi sinh sống, chỉ chừng ngàn hộ dân mà có đến dăm, bảy cặp vợ chồng vô sinh.
Suốt cả tuần nay, dư luận xã hội vẫn xôn xao và chưa nguôi bàng hoàng về vụ việc cô sinh viên V.A, đang học năm thứ 4 trường Đại học Văn hóa, sau khi sinh con trong nhà vệ sinh, thấy cháu bé không khóc, không thở (theo lời khai của cô gái), đã cho con vào túi nilon và ném qua cửa thông hơi của nhà vệ sinh từ tầng 31 khu chung cư Linh Đàm (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) xuống đất. Báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, dư luận... đâu đâu cũng tràn ngập tin tức vụ việc.
 
Tôi, một phụ nữ, một người mẹ, sau khi đọc được thông tin kinh hoàng này, đêm ấy, nằm giữa 2 cô con gái, nghe tiếng thở đều đều của các con chìm vào giấc ngủ, tôi không thể nào chợp mắt.
 
 
Có cặp, bền bỉ đưa nhau đi cắt thuốc khắp miền ngược, miền xuôi, thuốc Nam, thuốc Bắc, rồi thụ tinh ống nghiệm, thậm chí mời cả thầy tâm linh về lập đàn cầu con mà giấc mơ sinh con vẫn chỉ là vô vọng. Cuối cùng, ở tuổi người vợ mãn kinh, họ nhận nuôi một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi để được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ, làm cha... Đúng là oái oăm! Trong khi bao người tìm mọi biện pháp để được có con thì lại có vô số người tìm mọi cách để bỏ con.
 
Thôi thì đổ tại hoàn cảnh này nọ bất khả kháng, nhiều cô gái trẻ sinh con ngoài ý muốn bỏ rơi con đã đành, không thể tin nổi, có những người mẹ đang tâm tự tay mình tước đi mạng sống của con khi vừa mới chào đời. Hổ dữ còn chẳng ăn thịt con, rõ thật con người mà chẳng bằng loài cầm thú!
vov_1__lwcx.jpg
Hiện trường vụ việc thương tâm

 

Tôi ước gì, cô gái trẻ ấy hãy một lần đặt chân đến khoa hiếm muộn để thấu cảm niềm mong mỏi có được một mụn con của hàng ngàn cặp vợ chồng. Nếu có cơ hội nghe tâm sự về “hành trình tìm con” của bao nhiêu người phụ nữ vô sinh, cô ấy sẽ cảm nhận được khát vọng làm mẹ mãnh liệt và thiêng liêng nhường nào đối với mỗi người phụ nữ...
 
Tôi tự hỏi, vì sao nhiều cô gái trẻ hiện đại, có học thức lại vô cảm và táng tận lương tâm đến thế? Lỗi từ đâu? Lỗi do ai? Cũng có thể do lối sống tự do, buông thả (như V.A, từ thời điểm phát hiện có thai cho đến lúc sinh và ném con, liên tiếp trải qua 3 mối tình. Thậm chí, trước khi V.A sinh, cô mới bắt đầu quan hệ tình cảm với người bạn trai hiện tại được...1 tuần). Tôi không phải “quan tòa” để phán xét, tôi chỉ là một phụ nữ, một người mẹ, nên tôi bất bình trước cách yêu và sống “không giới hạn” của V.A; và xót xa, bất lực trước hành động quá dã man, vô nhân tính của một người mẹ đối với con mình.
 
Thế hệ người trẻ bây giờ được xã hội, gia đình quan tâm nhiều, được tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại, được trang bị đầy đủ kỹ năng sống, được dạy cả về tình dục an toàn..., nhưng sao lại xảy ra quá nhiều chuyện đau lòng mà thủ phạm đều là những cô gái trẻ tuổi đôi mươi? Nào là đẻ xong cho con vào túi bóng vứt trong thùng rác; nhét con sơ sinh vào cống nhà vệ sinh; chôn sống con khi vẫn còn dây rốn...
 
 
Như bao phụ nữ từng mang nặng đẻ đau, tôi đã trải qua cảm xúc hạnh phúc nghẹn ngào, không lời nào tả nổi khi lần đầu cảm nhận được sinh linh bé bỏng khẽ cử động trong bụng mình. Vẫn biết, thực tế, cảm giác khi phát hiện có thai của phụ nữ không phải ai cũng giống ai vì với người này, đó là đặc ân, là lộc trời cho nhưng với người khác, đó là bất hạnh, là đau khổ, là tủi nhục... Nhưng có một điều tôi tin, trong suốt thời gian “mầm sống” phát triển trong cơ thể, người phụ nữ không thể vô cảm trước những thay đổi từng ngày của con.
 
Có lẽ, không phải bé gái nào lớn lên thành thiếu nữ, bước vào yêu đương cũng ý thức được giá trị lớn lao của việc mang thai và sinh con. Thế nên trước khi học yêu, trước khi biết/có quan hệ tình dục, ngoài việc dạy các con kiến thức giới, cách quan hệ tình dục an toàn, những người làm cha làm mẹ phải dạy cho các con về bài học làm người, về giá trị thiêng liêng duy trì nòi giống, về trái tim yêu thương của người mẹ...
 
Tôi tin, từ nhỏ đến lúc trưởng thành, nếu tất cả các bé gái đều được dạy cặn kẽ với những bài học nhân văn về thiên chức mang thai và làm mẹ thì có thể, các cô gái trẻ sẽ ý thức rõ ràng và trách nhiệm hơn với chính mình trong tình yêu và quan hệ tình dục, không hành động bột phát, mất kiểm soát.
 
Phải chăng, bên cạnh việc giáo dục kỹ năng sống, kiến thức giới tính, quan hệ tình dục an toàn cho trẻ vị thành niên, chúng ta vẫn còn lỗ hổng chưa được quan tâm và lấp đầy? Đó chính là việc giáo dục nhân cách làm người, ý thức trách nhiệm xã hội và trách nhiệm bản thân của mỗi cô gái khi đến tuổi yêu và sinh sản!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm