Vụ mổ đẻ làm gãy chân trẻ: Bệnh viện phải bồi thường nếu có lỗi

26/10/2016 - 09:55
Nếu chứng minh được em bé bị gẫy chân do lỗi của bác sĩ, gia đình có thể yêu cầu bồi thường. Nếu không đồng ý với cách giải quyết của bệnh viện thì có thể khởi kiện để yêu cầu đền bù thiệt hại vì sức khỏe bị xâm phạm.
Liên quan đến trường hợp trẻ sơ sinh bị gãy chân khi sinh mổ ở BV Sản-Nhi Hưng Yên, luật sư Giáp Văn Điệp, Đoàn Luật sư Bắc Giang cho rằng, nếu gia đình chứng minh được lỗi do bác sĩ và kíp mổ gây ra thì BV phải có trách nhiệm bồi thường.
Theo đó, BV phải có trách nhiệm bồi thường theo thực tế thiệt hại của gia đình. Cụ thể ở đây là sức khỏe của em bé và các chi phí liên quan theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự quy định về Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
img_1028-1044.jpg
Luật sư Giáp Văn Điệp, Đoàn Luật sư Bắc Giang
Điều 590, Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
b. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.
c. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
d. Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Theo luật sư Điệp, thông thường hai bên sẽ thỏa thuận chi phí bồi thường, hỗ trợ. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được chi phí bồi thường thì gia đình có thể kiện ra tòa. Nếu khởi kiện, gia đình cần chuẩn bị hồ sơ gồm các tài liệu, chứng cứ kèm theo. Ví như bệnh án, ghi âm, ghi hình gửi tòa án nơi có trụ sở BV.
14720460_1792825960993828_6380023926476652211_n.jpg
Em bé bị gẫy chân phải trong lúc mổ sinh tại BV Sản-Nhi Hưng Yên
Trả lời câu hỏi, trước khi phẫu thuật, BV đều đã yêu cầu gia đình ký cam kết về những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, khi đó BV sẽ không có trách nhiệm bồi thường, luật sư Điệp cho rằng, trường hợp em bé bị gẫy chân theo như gia đình phản ánh thì không phải tai biến mà hoàn toàn do lỗi chủ quan của bác sĩ. Nếu các chuyên gia y khoa cũng xác định, em bé gẫy chân do bác sĩ thì bản cam kết trước khi phẫu thuật kia sẽ không có hiệu lực. Vì vậy, nếu gia đình khởi kiện, có thể tòa sẽ xử thắng.

Trước đó, như PNVN thông tin, ngày 22/10, sau một thời gian chăm sóc, chị Nguyễn Thu Trang (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã sinh mổ ở khoa Sản (BV Sản-Nhi Hưng Yên). Đến ngày 23/10, điều dưỡng cho biết bé có một chân to, một chân nhỏ, một chân cứng, một chân mềm nên đưa đi chụp X-quang và được thông báo “Bé bị gẫy chân phải trong lúc mổ”.
Đại diện BV cho gia đình biết, trong lúc mổ lấy thai ra, bác sĩ kẹp mạnh quá khiến bé bị gẫy chân phải. Gia đình yêu cầu BV phải có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho bé và bồi thường chi phí điều trị cho bé. Tuy nhiên, BV chỉ đồng ý hỗ trợ chuyến xe chuyển từ BV Sản-Hưng Yên lên BV Nhi TƯ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm