Liên quan đến vụ nữ Đại úy Công an Nguyễn Thị Hiên tử vong khi sinh tại BV Sản Nhi Bắc Ninh, ngày 28/8, anh Lê Sỹ Nam, chồng nạn nhân tiếp tục gửi đơn kêu cứu tới Báo PNVN.
Theo anh Nam, ngày 14/8, Công an TP Bắc Ninh đã thông báo Kết quả giám định pháp y của Viện khoa học hình sự Bộ Công An về nguyên nhân sản phụ Hiên tử vong.
Kết luận cho biết: Da niêm mạc toàn thân nhợt nhạt, trên tử thi có các đám xuất huyết dưới da tại vùng cổ, ngực và cánh tay phải, không có tác động của ngoại lực gây tử vong, gây xát da và tụ máu vùng ngực; Gãy xương ức, gãy nhiều khung trước xương sườn hai bên do cấp cứu (gãy 1/3 dưới xương ức, gãy Cung trước xương sườn số 2,3,4,5 bên trái, gãy cung trước xương sườn số 2,3,4,5 bên phải).
Về tràn dịch ra màng: Các cơ quan nội tạng thể hiện thiếu máu nặng, mô bệnh học hình ảnh nhu mô phổi tổn thương, tắc mạch ối, các tạng phù rối loạn đông máu, mất máu, thoái hóa tế bào.
Về độc chất và phủ tạng: độc chất phủ tạng và máu, trong máu và phủ tạng không tìm thấy các chất độc thường gặp.
Cơ quan giám định kết luận nguyên nhân chết của sản phụ do tắc mạch ối, mô bệnh học hình ảnh nhu môi phổi tổn thương tắc đường ối các tạng phù rối loạn đông máu, mất máu, thoái hóa tế bào. Trong phủ tạng và máu của tử thi Nguyễn Thị Hiên không tìm thấy các chất độc thường gặp.
Anh Nam cho biết, sau khi nghe kết quả giám định pháp y gia đình rất sốc và có nhiều uẩn khúc. Cụ thể:
Theo bản giám định: “Sản phụ Nguyễn Thị Hiên vào viện để chờ sinh sau đó có biểu hiện bất thường được các bác sĩ khoa đẻ cấp cứu mổ lấy thai”. Anh Nam cho rằng, vợ anh không đơn thuần chỉ chờ sinh rồi có biểu hiện bất thường mà trong quá trình chờ sinh vợ anh vẫn khỏe mạnh, còn tươi cười với mẹ và chồng nhưng sau khi tiêm mũi giảm đau thì mới đột ngột xảy ra sự việc.
Gia đình cũng đặt câu hỏi, vì sao kíp trực lại tư vấn phải tiêm thuốc giảm đau ngoài màng cứng; Những ai là người đã trực tiếp tư vấn cho sản phụ và gia đình sản phụ về việc tiêm thuốc giảm đau ngoài màng cứng? Tại sao khi tư vấn kíp trực hoàn toàn không hề nhắc gì tới các tai biến trong và sau khi tiêm thuốc giảm đau ngoài màng cứng mà chỉ tư vấn những lý do nên tiêm mũi tiêm này. Loại thuốc được tiêm loại thuốc gì? Tiêm khi nào? Tiêm vào đâu? Ai là người tiêm? Sau khi tiêm bao lâu thì có biểu hiện bất thường? Dịch vụ tiêm thuốc giảm đau ngoài màng cứng tại BV đã đảm bảo đầy đủ các điều kiện pháp lý chưa?
Bản kết luận giám định có nội dung “Sản phụ tử vong sau đó”. Vậy sản phụ chết trên xe cấp cứu hay đã chết trước khi chuyển lên tuyến trên. Hơn nữa, tại sao mổ bắt thai nhi dù gia đình ngồi ngay cửa phòng sinh nhưng lại không thông báo cho gia đình?
Kết luận giám định pháp y cho rằng, sản phụ bị gãy xương ức và gãy nhiều xương sườn hai bên do cấp cứu. Anh Nam cho rằng, đây là điều hết sức phi lý bởi người mà gãy đến 8 xương sườn và 1/3 xương ức thì không thể gọi là cấp cứu “Một người khỏe mạnh bình thường bị đè, ấn đến gãy 1/3 xương ức và 8 xương sườn thì có sống được không? Phải chăng những người cấp cứu không có đủ trình độ nghiệp vụ để cấp cứu? Và trách nhiệm của họ trong trường hợp này thế nào”, anh Nam đặt câu hỏi.
Anh Nam cũng đề nghị làm rõ việc gãy các xương như nêu trên có gây tràn khí màng phổi không? Màng phổi có bị rách không. Liệu gãy xương quá nhiều, chảy máu màng phổi 2 bên có là nguyên nhân gây tử vong của bệnh nhân không?
Đối với kết luận giám định nguyên nhân chết là do “tắc mạch ối”, gia đình cho rằng không thỏa đáng, bởi không phải cứ bị tắc mạch ối đều dẫn đến chết người. Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp bị tắc mạch ối nhưng được cấp cứu kịp thời, đúng cách và được truyền máu ngay các sản phụ vẫn sống. “Vợ tôi đang mất máu vậy tại sao lại không cho truyền máu mà trong phút giây nguy kịch đấy lại chuyển vợ tôi đi? Phải chăng đó mới là nguyên nhân dẫn đến cái chết của vợ tôi”, anh Nam đặt câu hỏi.
Anh Nam cũng đề nghị BV và cơ quan điều tra cho gia đình xem lại camera giám sát chuyên môn để biết được diễn biến thực tế sự việc.
Gia đình cũng cho biết, hiện tại con gái sản phụ đã được hơn 1 tháng tuổi. Do vợ chồng anh Nam chưa có nhà riêng nên phải đem 2 con về quê nội tại Thanh Hóa. Trong khi đó, bố mẹ anh đã già, lại ốm đau liên tục nên việc chăm sóc 2 cháu là vô cùng khó khăn. Hiện, cháu nhỏ mới hơn 1 tháng tuổi nhưng tôi vẫn phải tiếp tục đi làm xa để có tiền nuôi các con. Tuy nhiên, từ sau khi sản phụ tử vong, BV Sản Nhi Bắc Ninh vẫn chưa hề có buổi làm việc gặp gỡ, giải thích với gia đình dù đã nhận được đơn.
Như PNVN đã thông tin, ngày 8/7, khi mang thai ở tuần 39, chị Nguyễn Thị Hiên có dấu hiệu chuyển dạ nên gia đình đưa đến BV Sản Nhi Bắc Ninh chờ sinh. Đây là lần sinh thứ 2 của sản phụ.
Tại BV, sau khi được thăm khám, các bác sĩ xác định sức khỏe của sản phụ và thai nhi tốt nên được chỉ định đẻ thường. Trong quá trình chờ sinh, nhân viên y tế của BV tư vấn cho sản phụ tiêm thuốc giảm đau dịch vụ với giá 1,5 triệu đồng. Ban đầu, gia đình không đồng ý, tuy nhiên, trong lúc sản phụ đau đẻ, người nhà sản phụ đã đồng ý cho tiêm thuốc giảm đau nhưng không biết tên loại thuốc.
Sau khi tiêm thuốc giảm đau, gia đình thấy y, bác sĩ của khoa hối hả chạy ra chạy vào phòng đẻ chỗ chị Hiên đang nằm trong đó. Một lúc sau, điều dưỡng gọi người nhà vào bảo đưa sản phụ lên BV Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu và thông báo đã mổ đẻ cứu sống em bé (nặng gần 3kg). Tuy nhiên, khi lên đến BV Bạch Mai, bác sĩ xác định sản phụ đã tử vong.