Theo ông Thanh, BV đã tố cáo với cơ quan chức năng 3 người có dấu hiệu vi phạm, bao gồm: Bà N.N.L; Luật sư Đoàn Trọng Bằng (Giám đốc Công ty luật Black & White, người đại diện pháp luật cho bà L.) và tài khoản facebook Quyen Pham.
Ông Thanh cho biết, toàn bộ những thông tin gia đình đưa lên mạng xã hội là sai sự thật. Cụ thể, hình ảnh bầu ngực bầm tím mà gia đình đưa lên mạng thực chất là được bệnh nhân chụp 1-2 ngày sau phẫu thuật; Phiếu thu tiền 13.000 USD được khẳng định là giả mạo vì không có con dấu, chữ ký của BV; còn các thông tin về việc BV không tiếp đón, điều trị là “cố tình bôi nhọ, vu khống” bởi các bút và sổ lưu trú thể hiện rõ thời gian thăm khám của bệnh nhân.
Bệnh viện Thẩm mỹ Kim Cương, nơi xảy ra sự |
Đặc biệt, ông Thanh cho rằng động cơ vụ việc trên chính là gia đình đòi tiền từ BV. Bởi sau đăng tải trên mạng xã hội và báo chí vào cuộc khiến dư luận đánh giá không tốt về BV, luật sư Bằng đã làm việc với đại diện BV và ra giá phải chi số tiền 200.000 USD để kết thúc sự việc.
“Đây là việc làm có chủ đích. Họ vu khống khiến uy tín BV bị ảnh hưởng rồi gây sức ép yêu cầu BV bồi thường. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là BV không sai. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng để điều tra, tìm hiểu vụ việc”, ông Thanh nói.
Ngày 31/5, Phòng Cảnh sát công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) xác nhận đã nhận được đơn tố cáo của BV Thẩm mỹ Kim Cương (trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) liên quan đến sự việc trên.
Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Đoàn Trọng Bằng, Giám đốc Công ty luật Black & White, cho biết, đã nhận được thông tin vụ việc trên.
Theo luật sư Bằng, trước hết phải khẳng định, bệnh nhân là nạn nhân. Chị L. đi phẫu thuật thẩm mỹ vừa mất tiền nhưng chưa được làm đẹp, lại chịu rủi ro về thể xác, tinh thần và bây giờ đang bỏ tiền ra nước ngoài chữa trị.
Đối với việc BV tố gia đình bôi nhọ, vu khống thì phải xem xét lại tinh thần, ý thức, trách nhiệm đối với bệnh nhân. Ví như, khi chị L. chưa khỏi bệnh vẫn còn nằm trên giường đã đuổi bệnh nhân ra về. Hơn nữa, khi xảy ra sự việc, BV chưa có trách nhiệm với bệnh nhân ngoài vài tin nhắn họ gửi.
Đối với thông tin gia đình đòi 200.000 USD bồi thường thì số tiền đó là do BV chủ động chứ gia đình không đòi hỏi. Theo đó, luật sư của BV đã chủ động mời chúng tôi đàm phán, thương lượng về vấn đề bồi thường. Đương nhiên, thân chủ chúng tôi là nạn nhân và có quyền đưa ra con số bồi thường. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có bằng chứng cho thấy phía BV chủ động gài bẫy nhằm biến họ từ đối tượng gây thiệt hại thành nạn nhân. Hiện tại, cả BV và gia đình đều có băng ghi âm buổi làm việc đó. Chỉ cần nghe băng ghi âm là xác định được sự việc như thế nào.
Cũng theo luật sư Bằng, đối với hóa đơn thể hiện chi phí phẫu thuật là 13.000 USD là thật, chứ không phải giả như phía BV tố cáo. Còn hóa đơn từ phía BV (nếu có) để cung cấp cho cơ quan chức năng thì cũng cần phải xem có chữ ký của chị L. hay không.
“Ngoài hóa đơn đã công bố trên các phương tiện thông tin, chúng tôi còn có bằng chứng khác chứng minh BV đã thu 13.000 USD”, luật sư Bằng nói.
Gia đình đã phản ánh nhưng BV gây khó dễ, như lấy lý do chưa có bác sĩ chuyên khoa, BV mất điện, không có đèn… để điều trị. Gia đình đưa chị L. đi khám ở BV khác thì được biết vết mổ quá dài, tụ máu ở ngực rất nguy hiểm.
PNVN tiếp tục thông tin về diễn biến vụ việc này.