Như phunuvietnam.vn đã thông tin, phiên tòa phúc thẩm ngày 29/8 của TAND TP Hà Nội đã tuyên hủy toàn bộ bản án số 12/2018 của TAND huyện Hoài Đức kết tội anh Nguyễn Hùng Vương trong vụ tai nạn xảy ra rạng sáng ngày 25/10/2016. Ở các bài báo trước, chúng tôi đã nêu lên những thiếu sót cơ bản của bản án sơ thẩm và các dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Nay xin gửi đến bạn đọc một phần quan điểm khác của luật sư Lê Tiến Quân về vụ án có nhiều dấu hiệu bất thường này.
Luật sư Quân khẳng định: Nội dung kết tội trong bản án sơ thẩm là hoàn toàn khiên cưỡng, thiếu cơ sở pháp lý, không chứng minh được hành vi phạm tội của anh Vương. Cụ thể:
Một: Không nêu được 1 cách xác đáng hành vi của anh Vương vi phạm điều cấm nào của Luật Giao thông đường bộ. Lời luận tội chỉ mang tính chung chung, hình thức. Căn cứ pháp luật chuyên ngành mà bản án sơ thẩm viện dẫn để buộc tội anh Vương là khoản 1, Điều 9, Luật Giao thông đường bộ 2008 “Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”. Tôi nhận thấy căn cứ này hoàn toàn không xác đáng, vì 3 lý do sau:
) Lý do thứ nhất: Hiện trạng xe ô tô dừng lại ở điểm cuối cùng sau va chạm (đo từ đầu trục bánh sau bên phải xe ô tô ra mép đường bên phải là 5,1 mét, đo từ đầu trục bánh trước bên phải xe ô tô ra mép đường bên phải là 6 mét – BL16) đã chứng tỏ trước khi va chạm, xe ô tô đi ở phần đường bên phải theo chiều đi của mình. Xe ô tô cũng không đi sai làn đường, phần đường quy định bởi vạch sơn nét đứt giữa đường là vạch được lấn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam.
) Lý do thứ hai: Không thể mặc định rằng anh Vương điều khiển phần đầu xe ô tô lấn qua vạch sơn trắng nét đứt giữa đường là anh Vương sai, bởi vì anh Vũ Hải cũng là người đi lấn làn đường (thông qua lời khai của không những bị cáo mà còn của nhiều nhân chứng).
Đối với trường hợp này, cả 2 phương tiện đều lấn làn (mà lại là lấn làn ở nơi được phép lấn) thì điểm mấu chốt là phải xác định điểm va chạm của 2 phương tiện trên mặt đường nằm ở làn đường bên phải của phương tiện nào thì người điều khiển phương tiện đó không sai luật. Việc mặc định rằng anh Vương đã sai khi lấn làn là 1 nhận định khiên cưỡng, hoàn toàn vô lý.
) Lý do thứ ba: Như đã trình bày, điểm mấu chốt là phải xác định điểm va chạm giữa hai phương tiện trên mặt đường. Tuy nhiên, toàn bộ các tài liệu trong hồ sơ hoàn toàn không có căn cứ nào xác định được điều đó.
Kết luận số 5626 của Viện KHHS BCA đã nêu rõ: Không xác định được điểm va chạm giữa hai xe trên mặt đường. Vậy, câu hỏi đặt ra là tòa sơ thẩm lấy chứng cứ ở đâu để luận tội rằng anh Vương vi phạm luật giao thông đường bộ gây nên cái chết của nạn nhân Nguyễn Thị Hường và thương tích cho Vũ Hải?!.
Hai: Đối với vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã sai sót khi không áp dụng 2 nguyên tắc rất quan trọng của pháp luật, đó là: (1) Nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội. Cụ thể là: khi không xác định được điểm va chạm giữa hai phương tiện giao thông trên mặt đường – tức là lỗi không xác định được rõ ràng - thì cơ quan tiến hành tố tụng không được kết luận mang tính suy diễn rằng người điều khiển ô tô đi lấn sang làn đường ngược chiều gây tai nạn.
(2) là nguyên tắc suy đoán vô tội – tức là khi chứng cứ không đủ để chứng minh người bị buộc tội đã thực hiện hành vi phạm tội thì chúng ta phải suy đoán rằng người đó vô tội; nguyên tắc này đã được luật hóa tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Từ những lý lẽ trên, tôi nhận thấy bản án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (không áp dụng đúng nguyên tắc pháp luật, không chứng minh được lỗi của bị cáo, không đưa ra được quy định cụ thể của luật chuyên ngành làm căn cứ buộc tội bị cáo Nguyễn Hùng Vương). Điều đó dẫn tới việc buộc tội Vương là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Về điểm va chạm giữa xe mô tô và xe taxi, luật sư Quân cho rằng điểm va chạm giữa 2 xe trên mặt đường thuộc về làn đường bên phải theo hướng chuyển động của ô tô, thể hiện qua 3 vấn đề như sau:
Vấn đề thứ nhất: Theo Bút lục 16 – Biên bản khám nghiệm hiện trường: Từ đầu trục bánh trước bên phải xe ô tô đo thẳng về hướng Sơn Tây 1,4 mét là vị trí điểm vuông góc với điểm đầu vết cày (C). Vết cày C là vết cày đứt quãng có hướng Từ Liêm đi Sơn Tây, nằm trên phần đường bên phải. Đo từ điểm đầu vết cày này ra mép đường bên phải là 4,75m. Điểm cuối của vết cày là điểm tiếp xúc giữa đầu bàn để chân trước bên trái xe mô tô với mặt đường. Vết cày dài 2,5 mét, rộng 0,01 mét, sâu 0,001 mét. (Theo phần mô tả trong Biên bản khám nghiệm hiện trường tại BL 16 thì vết cày nằm hoàn toàn ở phần đường bên phải của anh Vương).
Chúng tôi cho rằng với sự tương tác vật lý khi va chạm giữa 1 chiếc xe máy có khối lượng 100kg (theo công bố của NSX là Công ty Honda Việt Nam) với 1 chiếc ô tô có khối lượng 912kg (Giấy chứng nhận đăng kiểm), trong điều kiện mặt đường khô ráo và không có sự kiểm soát, điều khiển của người lái xe máy (tức là trong tình trạng anh Hải và chị Hường bị bắn lên kính ô tô và rơi về phía sau xe) thì ngay khi va chạm, xe máy phải lập tức đổ xuống đường và đầu bàn để chân trước bên trái xe má sẽ tiếp xúc với mặt đường tạo ra vết cày.
Độ văng và quãng đường xe máy bị văng (nếu có) là không đáng kể trong trường hợp này. Theo công bố của Honda Việt Nam thì chiều dài chiếc xe wave rsx là 191,9cm, khoảng cách từ đầu bàn để chân trước bên trái đến điểm đầu tiên của lốp trước xe máy là 1 mét. Như vậy, khi va chạm và xe máy bị đổ xuống đường thì điểm va chạm giữa đầu bàn để chân trước bên trái với mặt đường cũng chính là điểm đầu vết cày.
Điểm va chạm này hoàn toàn phù hợp với khoảng cách từ tới điểm vuông góc với vết cày (C) là 1,4 mét. vì cộng khoảng cách từ đầu trục bánh xe ô tô tới phần đầu đèn xe là 40 cm với khoảng cách bàn để chân xe máy với đầu xe máy là 1m thì sẽ ra khoảng cách 1,4m. Đặc biệt, điểm đầu của vết cày (tức là điểm mà xe máy bị đổ xuống đường) lại cách tim đường 75 cm, tức là trước va chạm xe máy hoàn toàn ở vị trí bên phải phần đường xe ô tô, cách tim đường 75 cm.
Như vậy, riêng vị trí vết cày (C) trên hiện trường cũng đã chứng minh được điểm va chạm giữa 2 xe xảy ra trên mặt đường thuộc phần đường bên phải của xe ô tô 30A – 398.63.
Vấn đề thứ hai: Hướng đánh lái của ô tô cùng với vị trí xe máy sau va chạm cũng chứng minh được vị trí va chạm trên mặt đường.
Tôi diễn giải bằng video minh họa:
-
Tình huống giả định 1: Điểm va chạm trên mặt đường nằm ở làn đường bên phải của ô tô. Diễn biến cú va chạm sẽ xảy ra như sau (mở trình chiếu). Xét về hướng chuyển động, vị trí va chạm trên xe, dấu vết va chạm có chiều từ trước về sau ở trên cả 2 xe như kết luận giám định, hướng đánh lái của ô tô và hướng văng ngược trở lại của xe máy trên hiện trường như tình huống giả định 1 thể hiện là hoàn toàn trùng hợp với dấu vết hiện trường và rất phù hợp với nguyên tắc vật lý – cụ thể là phù hợp với định luật III của Newton về chuyển động trong vật lý học.
-
Tình huống giả định 2: Điểm va chạm trên mặt đường nằm ở làn đường bên phải của xe máy. Diễn biến cú va chạm sẽ xảy ra như sau (mở tiếp trình chiếu)…. Theo đó, với sự tương tác vật lý thì nếu điểm va chạm nằm ở làn đường bên phải của xe máy thì chắc chắn xe máy sẽ phải bắn về phía làn đường bên trái theo hướng chuyển động của ô tô (điều này chắc chắn phải xảy ra vì hướng tương tác lực của ô tô là đang đánh lái sang bên trái). Trong khi trên hiện trường thì hoàn toàn ngược lại (tức là xe máy bắn về phần đường bên phải của ô tô), điều đó chứng tỏ không thể xảy ra va chạm mà điểm va chạm trên mặt đường lại nằm trên phần đường của xe máy.
Như vậy, căn cứ vào hướng đánh lái của ô tô và vị trí xe máy trên mặt đường, chúng tôi càng có thêm cơ sở khẳng định vị trí va chạm trên mặt đường nằm ở làn đường bên phải theo hướng chuyển động của ô tô.
Vấn đề thứ ba: Nghiên cứu bản ảnh khám nghiệm hiện trường, gồm các ảnh ở bút lục số 20, 21, 22 chúng tôi nhận thấy: Vị trí các mảnh vỡ trên hiện trường tiếp tục chứng minh vị trí va chạm giữa 2 phương tiện trên mặt đường là ở phần đường bên phải của xe ô tô; cụ thể như sau:
Quan sát ảnh chụp số 3 - Bút lục số 21 thể hiện: Có nhiều mảnh vỡ tạo thành 1 diện các mảnh vỡ vương vãi nằm trên vị trí giữa đường, trước đầu xe ô tô và bên cửa ghế phụ của xe ô tô. Trong đó, tính theo hướng chuyển động của ô tô thì một số mảnh vỡ nằm ở làn đường bên trái, 1 số mảnh vỡ nằm ở làn đường bên phải.
Chúng tôi cho rằng chính những mảnh nhựa vỡ nằm ở vị trí bên cạnh ghế phụ là căn cứ xác đáng bổ sung làm sáng tỏ nhận định vị trí va chạm giữa 2 xe trên mặt đường là ở phần đường bên phải của ô tô. Bởi vì chỉ có va chạm ở phần đường bên phải của ô tô thì mới có các mảnh nhựa vỡ rơi ở cạnh cửa ghế phụ. Nếu va chạm ở bên phần đường bên phải của xe máy thì không thể có mảnh nhựa đó được, bởi vì khi va chạm, lực cản của ô tô cũng như phản lực của xe máy sẽ làm cho xe máy bật ngược trở lại theo chiều chuyển động, chỉ ô tô mới tiếp tục có quán tính để tiến lên theo hướng chuyển động làm một số mảnh vỡ nhựa rơi xuống phần đường bên phải của xe máy.
Với ba vấn đề nêu trên, chúng tôi đã chứng minh được: Trước khi xảy ra va chạm, xe máy đi lấn làn sang phần đường xe ô tô; khi va chạm thì điểm va chạm trên mặt đường nằm ở trên làn đường bên phải của xe ô tô. Điều đó đồng nghĩa với việc anh Nguyễn Hùng Vương không hề có lỗi trong vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô 30A – 398.63 với xe mô tô không biển kiểm soát xảy ra rạng sáng 25/10/2016 tại xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội.